MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bán nhà hình thành trong tương lai bắt buộc phải tham gia bảo đảm giao dịch nhà ở

Đây là điểm mới về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại được quy định trong dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi).

Theo đó, dự thảo nêu rõ hoạt động bảo đảm giao dịch nhà ở được Chính phủ quy định cụ thể. Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở có nhu cầu bán nhà ở thương mại hình thành trong tương lai thì bắt buộc phải tham gia bảo đảm giao dịch nhà ở với bên bảo đảm để bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà ở.

Chủ đầu tư tham gia bảo đảm giao dịch nhà ở thông qua hợp đồng bảo đảm giao dịch nhà ở ký với bên bảo đảm và phải đóng phí bảo đảm giao dịch nhà ở cho bên bảo đảm. Phí bảo đảm giao dịch nhà ở được tính trên tổng giá bán các căn hộ hình thành trong tương lai mà chủ đầu tư có nhu cầu bán.

Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện bàn giao nhà ở đúng thời hạn theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán hoặc giải thể, phá sản khi đang triển khai thực hiện dự án thì bên nhận bảo đảm có trách nhiệm giải quyết quyền lợi của người mua nhà ở theo quy định sau đây: hoàn lại cho người mua số tiền đã đóng trước cho chủ đầu tư; thay chủ đầu tư tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện dự án để bàn giao nhà ở.

Trường hợp giữa chủ đầu tư và bên bảo đảm có tranh chấp về việc thanh toán kinh phí bảo đảm giao dịch nhà ở thì các bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) cũng quy định trong hợp đồng mua bán nhà ở, các bên có thể thỏa thuận về việc bên bán thực hiện bán nhà ở trong một thời hạn nhất định cho bên mua; trong thời hạn này, bên mua được quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và được cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó. Khi hết thời hạn sở hữu theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán thì quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở gắn với nhà ở đó được chuyển lại cho bên bán và bên mua có trách nhiệm giao lại nhà ở này cho bên bán.

Bên mua nhà ở của chủ đầu tư mà chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó nếu có nhu cầu thì được quyền chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở cho tổ chức, cá nhân thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở phải được lập thành văn bản có xác nhận của chủ đầu tư vào văn bản chuyển nhượng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Bên nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở sau khi hoàn thành thủ tục chuyển nhượng hợp đồng thì được tiếp tục thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người đã mua nhà ở của chủ đầu tư và được chuyển nhượng hợp đồng này cho người khác; người nhận chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở cuối cùng được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó.

Thanh Ngà

ngatt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên