MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bangkok tê liệt vì biểu tình chống Thủ tướng Yingluck

13-01-2014 - 15:22 PM |

Căng thẳng chính trị tại Thái Lan đang tăng cao khi thủ lĩnh phe đối lập kêu gọi những nỗ lực cuối cùng nhằm lật đổ Thủ tướng...

Người biểu tình chống Chính phủ Thái Lan đã phong tỏa nhiều con đường dẫn tới khu vực trung tâm của thủ đô Bangkok trong sáng đầu tuần hôm nay (13/12). Các nỗ lực buộc Thủ tướng Yingluck Shinawatra phải từ chức và hủy cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 2/2 đang được đẩy cao.

Tờ Wall Street Journal cho biết, khu vực trung tâm của Bangkok sáng nay giống như vào một ngày Chủ Nhật thư thả hơn là một ngày thứ Hai bận rộn. Lý do là người biểu tình đã phong tỏa một loạt nút giao thông xung quanh thành phố, khiến các phương tiện tham gia giao thông không thể tiến vào nội đô Bangkok. Nhiều người đã phải chọn cách đi xe bus công cộng hoặc tàu hỏa để tới nơi làm việc, một số khác thì đi phà dọc theo một con kênh giữa lòng Bangkok.

Nhiều văn phòng ở thủ đô của Thái Lan đóng cửa trong ngày hôm nay. Nhiều trường học cũng phải ngừng hoạt động, trong khi sàn giao dịch chứng khoán của nước này tuyên bố vẫn giao dịch như thường lệ.

Nhà chức trách Thái Lan ngày 12/1 đã ban lệnh cấm người biểu tình phong tỏa Bangkok. Đây được xem là một động thái cảnh báo có thể dẫn tới các biện pháp an ninh ở mức độ cao hơn. Tuy nhiên, đến tối ngày hôm qua, người biểu tình đã chiếm một số khu vực và không có tín hiệu nào cho thấy sẽ giải tán vào ngày thứ Hai.

Căng thẳng chính trị tại Thái Lan đang tăng cao khi thủ lĩnh phe đối lập Suthep Thaugsuban kêu gọi những nỗ lực cuối cùng nhằm lật đổ Thủ tướng Yingluck và thiết lập một chính phủ mới không thông qua bầu cử, tiến tới thực thi những cải cách chính trị mà ông Suthep cho là cần thiết. Theo ông Suthep, cải cách phải được thực thi để xóa bỏ tình trạng tham nhũng và mua phiếu bầu trong nền chính trị Thái Lan trước khi một cuộc tổng tuyển cử mới được tổ chức.

Ông Suthep gọi Thủ tướng Yingluck là một “bức bình phong” cho người anh trai Thaksin Shinawatra. Ông Thaksin, một nhân vật chính trị được ủng hộ rộng rãi ở Thái Lan trong suốt hơn 1 thập kỷ, đã bị lật đổ khi đang ngồi trên ghế Thủ tướng trong một cuộc đảo chính vào năm 2006 và hiện đang lưu vong ở Dubai. Ông Thaksin đã trốn việc phải ngồi tù ở Thái Lan do cáo buộc tham nhũng, những cáo buộc mà ông cho là xuất phát từ động cơ chính trị. 

Trong đợt căng thẳng chính trị leo thang gần đây ở Thái Lan, thủ lĩnh phe đối lập Suthep đã chứng tỏ khả năng thu hút đám đông biểu tình lên tới 150.000 người, chủ yếu là những người trung lưu ở Bangkok với sự hậu thuẫn của phe hoàng gia. Gia đình Shinawatra và các phe phái ủng hộ đã giành thắng lợi trong 5 cuộc bầu cử liên tiếp vừa qua với sự ủng hộ áp đảo từ tầng lớp dân nghèo, chủ yếu ở các vùng nông thôn nơi chính sách giảm nghèo của  gia tộc này được đánh giá cao.

Hôm Chủ Nhật, ông Suthep tuyên bố trước một đám đông người biểu tình rằng ông sẽ không chấp nhận đàm phán hay thỏa hiệp. “Điều duy nhất mà người dân chúng tôi muốn là loại bỏ chế độ Thaksin khỏi Thái Lan”, ông Suthep nói. “Chúng tôi sẽ được hoặc mất trong cuộc chiến này. Không có sự rút lui”. 

Trước đó, hôm thứ Bảy, thủ lĩnh này tuyên bố ông tiếp tục vững vàng trong sứ mệnh làm cho Chính phủ phải tê liệt.

Về phần mình, Chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ triển khai tới 15.000 cảnh sát và binh sỹ quân đội để đảm bảo an ninh và ngăn các cuộc đụng độ. Nhà chức trách đã chuẩn bị cho các kế hoạch phòng bị nhằm giúp người dân Bangkok đối mặt với tình trạng gián đoạn về giao thông và các hoạt động của Chính phủ. Theo dự báo, sẽ có ít nhất 1 triệu người tham gia giao thông bị ảnh hưởng bởi biểu tình.

Các bàn hỗ trợ và đường dây nóng đã được thiết lập tại một số khu vực mua sắm đông đúc nhất và các trung tâm khách sạn ở Bangkok để hướng dẫn du khách thoát khỏi các đám đông biểu tình và giao thông an toàn. Một số khách sạn ở các khu vực mục tiêu của người biểu tình đã giảm mạnh giá phòng cho khách. Trong một số trường hợp, khách được chuyển sang các khách sạn ở những khu vực ít bị ảnh hưởng hơn.

Đến nay, Thủ tướng Yingluck vẫn tiếp tục từ chối từ chức. Tuần trước, bà Yingluck bày tỏ quan ngại về việc các phe phái có thể tận dụng tình trạng bất ổn hiện nay để kích động bạo lực. Đã có 8 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong các cuộc đụng độ và xả súng trong mấy tuần qua. Hôm thứ Bảy vừa rồi, 7 người, bao gồm cả người đứng xem, bị thương khi một tay súng không rõ danh tính nổ súng gần một khu vực biểu tình ở trung tâm Bangkok.

thuyntt

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên