MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bảo lãnh dự án: Tác động tích cực lên cả thị trường BĐS lẫn ngành ngân hàng

Người nhà được bảo lãnh sẽ yên tâm và mua nhiều hơn, doanh nghiệp bán được hàng. Doanh nghiệp có tiền, ngân hàng cũng dễ dàng thu nợ hơn. Do vậy quy định này có tác động tích cực lên toàn thị trường.

Tóm tắt

- Từ ngày 1/7, chủ đầu tư dự án phải được tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng bảo lãnh việc bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai.

- Điều luật này được ra đời với hai mục đích, thứ nhất là nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư khi đã nhận tiền rồi thì phải hoàn thành dự án. Thứ hai là tăng sự yên tâm cho khách hàng

- Quy định bảo lãnh dự án BĐS sẽ có tác động tích cực cho cả thị trường BĐS và ngành ngân hàng.


Từ 1/7, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 sẽ chính thức có hiệu lực. Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có một số nội dung mới siết chặt hoạt động đầu tư xây dựng trong lĩnh vực bất động sản, trong đó có quy định chủ đầu tư dự án phải được tổ chức tài chính, tổ chức tín dụng bảo lãnh việc bán, cho thuê nhà ở hình thành trong tương lai.

Cụ thể, Điều 56 của Luật quy định, chủ đầu tư dự án BĐS trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng.

Trường hợp không thực hiện bàn giao nhà ở theo tiến độ đã cam kết và bên mua, bên thuê mua có yêu cầu thì ngân hàng bảo lãnh có trách nhiệm hoàn lại số tiền ứng trước và các khoản tiền khác cho khách hàng theo hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở và hợp đồng bảo lãnh đã ký kết.

Sau khi quy định này được ban hành, có nhiều ý kiến cho rằng điều luật này không giúp ích cho thị trường mà chỉ giúp ích cho nhà làm luật và sẽ đẩy giá nhà tăng, khiến thị trường BĐS trầm lắng.

Trả lời vấn đề này, ông Vũ Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết: "Nếu nói quy định mới này là đẩy trách nhiệm cho người mua, làm lợi cho người làm luật là không đúng. Đây là một nội dung mới của luật kinh doanh bất động sản, khi cho ra đời chúng tôi đã phải nghiên cứu rất kỹ. Điều luật này được ra đời với hai mục đích, thứ nhất là nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư khi đã nhận tiền rồi thì phải hoàn thành dự án. Thứ hai là tăng sự yên tâm cho khách hàng".

Về vấn đề tác động đến thị trường bất động sản, ông Phấn cho rằng, sự "nóng" hay "lạnh" của thị trường là do yếu tố cung cầu quyết định, khi cung không đủ cầu thì ắt xảy ra tình trạng sốt "nóng" và ngược lại khi cầu nhiều hơn cung thì thị trường sẽ "nguội" dần. Quy định dự án phải được bảo lãnh bởi ngân hàng không đủ để khiến thị trường có thể "nóng" hay " nguội" ngay.

Nhìn ở một góc độ khác, ông Đoàn Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Ngân hàng Nhà nước cho biết, quy định bảo lãnh dự án BĐS sẽ có tác động tích cực cho cả thị trường BĐS và ngành ngân hàng. Ông Sơn cho biết, xuất phát từ quy định bảo vệ quyền lợi cho người mua nhà, người mua sẽ yên tâm hơn với khoản tiền mình bỏ ra vì thế sẽ kích thích nhiều người mua nhà hơn. Người mua nhiều, doanh nghiệp bán được hàng. Doanh nghiệp có tiền, ngân hàng cũng dễ dàng thu nợ hơn. Do vậy quy định này có tác động tích cực lên toàn thị trường".

Lan Nhi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên