Cà phê Việt: Để có 20 tỷ USD mỗi năm…
Giá trị xuất khẩu của cà phê Việt Nam sẽ tăng gấp hàng chục lần so với hiện nay, nếu đáp ứng các đòi hỏi khắt khe của thị trường về chất lượng sản phẩm và giải tốt bài toán tái canh.
Nhiều người cho rằng, cà phê Vối (Robusta) của Việt Nam (VN) đang đạt năng suất và chất lượng cao nhất thế giới. Điều đó đúng sai thế nào, thưa ông?
Quả thật là năng suất cà phê VN đã đạt mức cao nhất trên thế giới, bình quân từ 2,3 đến 2,5 tấn, gấp 3 lần so với năng suất bình quân thế giới (khoảng 0,7 tấn/ha). Nhưng chất lượng còn thấp, do thu hái khi cà phê chưa chín hết và chế biến không đúng kỹ thuật, phơi quá dày, phơi trên sân đất...
Mục tiêu cải thiện chất lượng sản phẩm để nâng cao giá trị gia tăng vướng phải khó khăn lớn nhất là nông dân vẫn giữ tập quán thu hoạch nhiều quả xanh, do thiếu lao động và sợ bị mất trộm. Mình nghĩ chính quyền các tỉnh Tây Nguyên phải quyết tâm bảo đảm an ninh trong mùa thu hoạch thì mới có thể từng bước nâng cao chất lượng cà phê của VN.
Tưới cà phê mùa khô . |
Một tỉ lệ lớn diện tích cà phê trên Tây Nguyên hiện đã già cỗi, cần được đầu tư cải tạo, tái canh. Nhưng việc này đòi hỏi nguồn lực rất lớn, chỉ nông dân thôi không đủ sức làm. Liệu có giải pháp nào khả thi, tháo gỡ được bài toán khó này?
Tái canh là cả vấn đề lớn mà quốc gia trồng cà phê nào cũng phải đối đầu VN là nước mới phát triển nhanh diện tích cà phê trong thập niên 1990 (năm 1990 có 120.000 ha đến năm 2.000 diện tích cà phê lên đến 560.000 ha, bình quân mỗi năm phát triển trên 40.000 ha) nên trong những năm 2010-2020, rất nhiều diện tích cà phê sẽ trở nên già cỗi.
Giai đoạn sung sức nhất của cây cà phê ở độ tuổi từ 8 đến 20 năm. Nếu không có kế hoạch ngay từ bây giờ thì diện tích cà phê già cỗi sẽ là lực cản rất lớn đe dọa đến sự bền vững của ngành.
Về những trở ngại lớn nhất trong tái canh cà phê hiện nay, một là chi phí rất cao, cần đầu tư khoảng 120 triệu đồng cho 1 ha trong 3 năm, đó là số tiền lớn đối với những hộ nông dân đang sở hữu vườn cà phê già cỗi nên thu nhập hằng năm rất thấp. Hai là khi tái canh, nông dân phải chờ tới 5 năm sau mới có sản phẩm thu hoạch.
Hiện tại, Nhà nước chưa có chính sách cụ thể cho người tái canh, dù Bộ NN&PTNT đã cấp kinh phí để nghiên cứu biện pháp tái canh hiệu quả và đầu tư chương trình phát triển các giống mới năng suất, chất lượng cao.
Một số doanh nghiệp có hỗ trợ cho chương trình tái canh... Để giải quyết một phần khó khăn về tài chính, nông dân nên thực hiện tái canh trong nhiều năm, mỗi năm thực hiện 1/3 hay 1/4 diện tích, trong vòng 5-7 năm, họ sẽ có lại vườn cây với những giống mới có hiệu quả cao.
Trở ngại chính đối với việc phát triển công nghệ chế biến cà phê của nước ta là gì ? Ông nghĩ gì về sự cạnh tranh hiện nay giữa các thương hiệu cà phê nội- ngoại?
Công nghệ chế biến sau thu hoạch sẽ không thể có bước đột phá, nếu VN vẫn duy trì tập quán hái cà phê xanh, bởi không có phương pháp chế biến nào có thể mang lại chất lượng cao đối với cà phê chưa chín hẳn.
Thị trường cà phê chế biến trên thế giới hiện nay bị khống chế bởi các nhà rang xay lớn như Nestle, Starbuck... Sự phát triển của Cty Cà phê Trung Nguyên là một trong những đột phá ngoạn mục của doanh nghiệp của nước ta trong việc chia sẻ thị phần cà phê bột. Tuy nhiên, đôi khi cách quảng cáo của họ khiến tôi không thích lắm.
Gian nan tái canh Theo thống kê của Sở NN&PTTN tỉnh Đăk Lăk, tỉnh hiện có hơn 200.000 ha cà phê, trong đó hơn 51% diện tích cà phê đã trồng trên 15 năm. Trong 5-10 năm tới, diện tích này hết chu kỳ kinh doanh, buộc phải phải cưa đốn, phục hồi, hoặc trồng tái canh. Bà Nguyễn Thị Tiến ở huyện Cư M’ga có 1 ha cà phê trồng trước năm 1990 đến nay đã già cỗi, chỉ thu hoạch được 2 tấn nhân/năm nhưng, bà không dám nhổ đi trồng lại vì không có tiền đầu tư. Hàng vạn hộ trồng cà phê trên Tây Nguyên đang lâm vào tình trạng tương tự. Năm 2012, toàn tỉnh tái canh được 2.000 ha cà phê và đang phát triển tốt. Bình quân mỗi héc - ta cà phê cỗi cần 150 triệu đồng mới đủ tái canh. Bộ NN&PTNT đang xây dựng chính sách về vốn cho việc tái canh, trước mắt chỉ có thể hỗ trợ giống, tập huấn khoa học kỹ thuật cho bà con. Vạn Tiếp |