MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần tạo sự mặn mà cho doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP. HCM, nhà ở được xem là một vấn đề trọng tâm được thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện một cách mạnh mẽ.

Báo cáo của Sở Xây dựng TP. HCM, cho thấy trong giai đoạn 2006 – 2010, Thành phố đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đặt ra như chỉ tiêu phát triển nhà ở bình quân/người đến 2010 đạt 14m2/người. Đặc biệt, thành phố đã chủ động triển khai và hoàn thành các chương trình phát triển nhà ở ký túc xá sinh viên; nhà lưu trú công nhân (vượt chỉ tiêu 1 triệu m2), nhà ở xã hội (vượt chỉ tiêu 11 triệu m2), nhà ở thu nhập thấp, cải tạo và xây dựng mới các chung cư cũ, xuống cấp, hư hỏng nặng (vượt chỉ tiêu 300.000m2 sàn chung cư hư hỏng…).

Thực tế cho thấy hiện nay, toàn bàn Thành phố có khoảng 328.000 sinh viên đang học tập. Trong đó 70% sinh viên đến từ các tỉnh, nhu cầu về chỗ ở khoảng 230.000 chỗ. Tuy nhiên, các ký túc xá của các trường đại học và cao đẳng hiện nay mới chỉ đáp ứng được 40.000 chỗ, số còn lại tập trung ở các khu nhà trọ do người dân xây dựng.

Trên địa bàn thành phố có 37.165 doanh nghiệp với 892.960 công nhân đang làm việc, trong đó có khoảng 250.000 công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN) với 70% công nhân đến từ các tỉnh. Theo tính toán có khoảng 50%, tương đương khoảng 446.480 công nhân có nhu cầu thuê nhà.

Nhu cầu chỗ ở của công nhân là rất lớn trong khi đó hầu hết các KCN đều thiếu nhà ở cho công nhân nên phần đông công nhân thường thuê nhà trọ bên ngoài để ở, điều kiện ăn ở, đi lại còn nhiều khó khăn. Do vậy, việc xây dựng nhà lưu trú công nhân nhằm nâng cao mức sống, đảm bảo các tiện ích công cộng, sinh hoạt văn hóa giải trí cơ bản là cần thiết.

Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã phát triển được 39 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người là 17 m2/người. Thành phố đã phát triển 29.412 căn hộ chung cư thương mại (400 căn hộ hạng sang, 8.300 căn hộ cao cấp, 8.095 căn hộ trung cấp và 12.617 căn hộ bình dân).

Trong giai đoạn 2011-2015, ảnh hưởng của việc phát triển “nóng” của thị trường bất động sản của giai đoạn 5 năm trước đó, là do thiếu sự khảo sát thị trường và không có kế hoạch phát triển đáp ứng nhu cầu nhà ở thật sự, thị trường rơi vào trạng thái “đóng băng” khá lâu.

Kết quả là lượng hàng tồn kho tăng vào khoảng 14.490 căn hộ vào cuối năm 2012, trong đó chủ yếu là căn hộ cao cấp, căn hộ có diện tích lớn. Trong khi đó, nhu cầu chủ yếu về căn hộ giá rẻ, nhà ở xã hội, nhà ở có diện tích nhỏ là rất lớn nhưng luôn cung về phân khúc này rất ít.

Trong giai đoạn 2016-2020, thành phố sẽ phát triển thêm khoảng 40 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở, nâng diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8 m2/người vào năm 2020, di dời, tháo dỡ, cải tạo, xây dựng mới 47 lô chung cư cũ với quy mô khoảng 5.200 hộ dân, 300.000 m2 sàn xây dựng. Ngoài ra, thành phố sẽ tạo khoảng 100.000 chỗ ở cho công nhân, 50.000 chỗ ở cho sinh viên và 10.000 căn nhà ở xã hội, di dời và tái định cư cho 7.000 hộ dân, nâng tổng số hộ sống trên và ven kênh rạch được di dời tái định cư là 18.000 căn.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên, nhiều nhà đầu tư cho biết các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật như hiện nay chưa đủ khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp và nhà lưu trú cho công nhân với quy mô hoàn chỉnh đảm bảo điều kiện ăn, ở, sinh hoạt do hiệu quả đầu tư không cao, thời gian thu hồi vốn chậm (từ 20 đến 30 năm).

Bên cạnh đó, đối với các khu chế xuất – khu công nghiệp, hầu hết chưa xác định quỹ đất dành cho nhà ở lưu trú cho công nhân. Do đó, cần có quy định cụ thể, khi phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 phải xác định quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong đó có nhà ở công nhân và các tiện ích công cộng khác.

“Xã hội hóa đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng rất khó vì doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư nhưng hiệu quả kinh tế không cao, đối tượng thuê và thuê mua nhà lại do nhà nước xét duyệt, giá cho thuê mua nằm trong khung giá của nhà nước, thời gian thu hồi vốn của dự án kéo dài trên 20 năm. Ít có doanh nghiệp tư nhân tham gia, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước như Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn, Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn…tham gia đầu tư xây dựng”, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Phát triển nhà Đất Lành, cho biết.

Đăng Khôi

Kiều Thuật

Tài chính Plus

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên