MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Công xưởng thế giới' dịch chuyển

10-09-2014 - 07:51 AM |

"Công xưởng thế giới" Trung Quốc tăng chi phí nhân công gần gấp đôi khiến các tập đoàn đa quốc gia phải gấp rút tìm những địa điểm sản xuất mới.

Khi các nhà quản lý lựa chọn địa điểm để đặt nhà máy mới, một trong những yếu tố quan tâm nhất là chi phí sản xuất. Tuy nhiên, chi phí sản xuất có nhiều hình thức và thay đổi liên tục. Cùng với chi phí lao động, còn có chi phí nguyên liệu, năng lượng, giao thông và tỷ giá.

Một nghiên cứu mới đây của Công ty Tư vấn Boston Consulting Group (BCG) đã xem xét 25 nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới và tạo ra chỉ số chi phí sản xuất bao gồm cả tiền lương, năng suất điều chỉnh, chi phí điện, khí đốt và thay đổi tỷ giá tiền tệ, trên cơ sở một công ty tiêu biểu Mỹ.

BCG tính toán rằng Mỹ và Mexico là "ngôi sao đang lên" trong sản xuất. Kiềm chế mức lương và khả năng khai thác năng lượng mới giá rẻ tại Mỹ đã hấp dẫn nhiều nhà sản xuất. Khi chi phí sản xuất ở Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ... liên tục tăng trong một thập niên nay, chi phí tại Mỹ lại gần như không thay đổi nhờ mức lương lao động ổn định, chi phí năng lượng giảm và khoa học kỹ thuật hiện đại giúp tăng năng suất.

Mỗi USD chi phí sản xuất tại Mỹ hiện tương đương với 96 xu sản xuất ở Trung Quốc.

"Khoảng cách dần thu hẹp và khi cộng thêm chi phí vận chuyển thì việc sản xuất tại Mỹ xem ra có lợi hơn tại Trung Quốc", theo nhận định của chuyên gia Hal Sirkin - đối tác cấp cao tại BCG và là đồng tác giả của nghiên cứu.

Theo cách tính của BCG, tiền lương tại Mexico hiện thấp hơn 13% so với của Trung Quốc, dự kiến sẽ thấp hơn 30% trong hai năm tới. Bên cạnh đó, Mexico ký nhiều hiệp định thương mại tự do với 44 quốc gia. Con số này còn cao hơn cả số đối tác thương mại tự do của Mỹ (20 đối tác) và Trung Quốc (18) cộng lại. Với lợi thế này, việc đặt cơ sở sản xuất tại Mexico đã và đang trở thành một ý tưởng hấp dẫn đối với các nhà sản xuất.

Christopher Wilson, chuyên gia kinh tế tại Viện Nghiên cứu Mexico thuộc Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson ở Washington cho biết: "Do tiền công ở Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong vài năm trở lại đây, nó đã làm thay đổi toàn bộ tính toán của các công ty Mỹ. Mexico đã trở thành nơi cạnh tranh nhất trong việc sản xuất hàng hóa cho thị trường Bắc Mỹ và chắc chắn là Mexico cũng trở thành nơi có chi phí cạnh tranh tốt nhất trong việc sản xuất một số loại hàng hóa cho thị trường toàn cầu".

Ngược lại, 5 địa điểm lâu nay được coi là những "công xưởng" có chi phí thấp lại đang chịu nhiều áp lực. Đó là Trung Quốc, Brazil, Nga, Ba Lan và Czech. Tham nhũng và những biến động chính trị liên quan đến Ukraine đang cản trở đầu tư ở Nga mặc dù chi phí năng lượng của nước này là thấp.

Ba Lan có lợi thế về năng suất nhưng mức lương cơ bản lại tăng nhanh hơn. Trước mức lương nhân công tăng vọt, giới đầu tư cho rằng kỷ nguyên chi phí sản xuất thấp tại "công xưởng thế giới" Trung Quốc đang dần chấm dứt. Mặt khác, Chính phủ Trung Quốc đã không còn ủng hộ mô hình gia công rẻ tiền này vì nó không mang lại nhiều lợi nhuận cho đất nước và doanh nghiệp.

"Trung Quốc không còn muốn là công xưởng của thế giới nữa, mà muốn chuyển đổi thành nền kinh tế tri thức giá trị cao", Giáo sư Pietra Rivoli ở Đại học Georgetown cho biết.

Biểu hiện rõ nét của tình trạng này là ngày có càng nhiều công ty lớn chuẩn bị rời Trung Quốc sang một số nơi khác như các nước Đông Nam Á, mà nhiều nhất là Indonesia. "Indonesia có nhiều tiềm năng để chiếm vị trí số 1 trong ngành sản xuất ở châu Á nhờ sự kết hợp giữa các yếu tố kinh tế và chính trị”, Wellian Wiranto, chuyên gia kinh tế đến từ Ngân hàng OCBC, nhận định.

Hàng loạt nhà sản xuất lớn như General Electric, LG hay Toyota đều công bố các kế hoạch coi Indonesia là trung tâm sản xuất hàng xuất khẩu. Ở quy mô rộng hơn, với điều kiện thuận lợi về lao động, chi phí, thị trường, các nước Đông Nam Á đang mở ra cơ hội kiếm lời hấp dẫn cho các công ty đa quốc gia, nhất là thời điểm Cộng đồng Kinh tế ASEAN chuẩn bị hình thành.

Hãng dược phẩm Mỹ Abbvie sẽ đầu tư 320 triệu USD xây nhà máy đầu tiên ở châu Á tại Singapore. Hai tập đoàn năng lượng khổng lồ Halliburton và Schlumberger cũng đang làm việc với Chính phủ Singapore để nâng cao năng lực các nhà cung cấp nội địa.

Trong khi đó, Malaysia, nền kinh tế lớn thứ 3 ASEAN, cũng đang bùng nổ với ngành ôtô, chất bán dẫn, thiết bị điện tử và tàu thuyền... với mức tăng trưởng dự kiến đạt 20-30% trong năm nay. Hãng chocolate Hershey cũng đang xây một nhà máy 250 triệu USD tại Malaysia và đây là khoản đầu tư lớn nhất ở châu Á của họ cho đến nay.

>> Doanh nghiệp Nhật chuyển hướng từ Trung Quốc vào ASEAN

Theo Lam Hồng

thuyntt

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên