MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cty CP Cát Nam Phong (Hà Nội): Công an đang làm rõ dấu hiệu lừa đảo quy mô lớn

Do thiếu tiền kinh doanh, không vay vốn được ngân hàng, cả chục hộ gia đình đã tìm đến Cty CP Cát Nam Phong (trụ sở tại tòa nhà M3 + M4, Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa, HN) để vay tiền.

Như gặp phải “bùa mê”, các hộ gia đình phải giao “sổ đỏ” và ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất với Nguyễn Thị Hải Yến (Chủ tịch Hội đồng quản trị Cty CP Cát Nam Phong) thì mới được Cty cho vay khoảng 300 - 500 triệu đồng; và theo đơn tố cáo, tiền vay được tính lãi theo ngày. Nay các hộ gia đình ngộ ra mình bị lừa và hậu quả là nguy cơ mất nhà đất như chơi.

Trường hợp gia đình anh Lê Đăng Hiếu (ở số 4B, đường Tô Ngọc Vân, phường Quảng An, Tây Hồ, HN) là một điển hình, anh Hiếu kể: “Ngày 10.1.2013, Yến đồng ý cho chúng tôi vay 300 triệu đồng, nhưng đưa ra yêu cầu để bảo đảm cho việc trả nợ, chúng tôi phải chuyển nhượng nhà đất của mình cho Yến. Cùng ngày, theo yêu cầu của bà Yến, chúng tôi đã ký hai hợp đồng (HĐ): HĐ chuyển nhượng kỳ hạn bất động sản số 15; HĐ chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Nhưng trên thực tế, chúng tôi không nhận tiền chuyển nhượng và không bàn giao nhà đất cho bà Yến. Hiện nay, chúng tôi được biết bà Yến đã sang tên “sổ đỏ” và mang đi thế chấp tại ngân hàng để vay số tiền lớn hơn rất nhiều lần số tiền đã cho chúng tôi vay".

Nhiều gia đình có liên quan đến việc vay nợ với Cty CP Cát Nam Phong bày tỏ sự lo lắng: “Về sau chúng tôi được biết “thủ đoạn” này đã được các tổ chức “tín dụng đen” áp dụng, có dấu hiệu lừa đảo, sau đó có “xã hội đen” buộc các hộ dân phải chuyển giao nhà đất theo các hợp đồng đã ký kết, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội”.

Tìm hiểu hồ sơ vay nợ và mua bán nhà đất của gia đình anh Lê Đăng Hiếu (và nhiều gia đình khác) với bà Yến thì thấy rằng, có dấu hiệu bà Yến đã củng cố niềm tin với gia đình anh Hiếu rằng sẽ không có việc mua bán bất động sản thực trên thực tế trong 3 năm, bằng việc ngày 10.1.2013 hai bên ký “HĐ chuyển nhượng kỳ hạn (3 năm) bất động sản”.

Anh Hiếu bức xúc: “Tôi ký HĐ đó với sự tin tưởng ở bà Yến, rằng khi chúng tôi trả hết nợ thì bà Yến sẽ trả lại sổ đỏ và như vậy trong thời gian 3 năm bà Yến không được sang tên đổi chủ sổ đỏ của gia đình tôi. Khi tôi lo đủ tiền trả thì bà Yến “lẩn trốn”, và tôi được biết bà này đã sang tên đổi chủ sổ đỏ để “cắm” ngân hàng, rõ ràng đây là hành vi có dấu hiệu lừa đảo”.

Về vụ việc này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) có ý kiến: “Các hộ đều có 2 HĐ: HĐ vay tiền và HĐ chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Giá chuyển nhượng nhà đất bằng số tiền vay. HĐ mua bán ký nhưng bên bán không giao nhà, bên mua không trả tiền. Giá mua bán chỉ bằng khoảng 1/10 giá trị nhà đất trên thực tế.

Hiện nay, nhà đất đã bị bên mua thế chấp cho ngân hàng. Khi nhận tài sản thế chấp, ngân hàng phải cử người xuống xem xét, thẩm định tài sản thế chấp. Các hộ gia đình có nhà đất vẫn quản lý, sử dụng từ trước cho đến nay, cho biết không có bất kỳ người của ngân hàng đến xem xét nhà đất. Vụ việc cho thấy có kẽ hở của quy trình mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, khi làm thủ tục sang tên không xem xét trên thực tế người bán đã bàn giao tài sản cho người mua hay không? Không kiểm soát được việc mua bán trên thực tế”.

Trao đổi với phóng viên, Công an quận Đống Đa (HN) cho biết: Đã nhận được nhiều đơn tố cáo dạng này và đang xác minh vì có dấu hiệu của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Lê Đỗ

ngatt

Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên