Đất nền nội thành Tp.HCM: “Của để dành” đang khan hiếm
Nguồn cung sơ cấp sản phẩm đất nền tại khu vực nội thành TP.HCM đang trở nên khan hiếm, trong khi nhu cầu về chốn an cư và tích lũy tài sản của người dân lại ngày một gia tăng.
Trái ngược với cảnh tượng của giai đoạn 2007-2008 cung luôn vượt cầu, số dự án đất nền chào bán ra thị trường trong những năm gần đây dần trở nên thưa thớt. Nếu có, sản phẩm ở hạng mục này cũng chỉ tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành lân cận TP.HCM hoặc khu vực ngoại thành như quận 2, quận 7, 9, Thủ Đức. Trong khi đó, ở 12 quận nội thành do diện tích hẹp, mật độ dân số cao nên nguồn cung bị hạn chế.
Theo thống kê của Savills Việt Nam, trong quý 4/2013, nguồn cung biệt thự, nhà liên kế (nhà gắn liền với đất) và đất nền được ghi nhận ở 7 quận, huyện nhưng 6 trong số đó là dự án ở ngoại thành; đây cũng là xu hướng trong tương lai. Vì thế, nhiều dự án mở bán trong thời gian gần đây đa phần là thuộc khu vực ngoại thành, nơi có quỹ đất rộng, giá cả hợp phù hợp, còn khu vực nội thành không nhiều dự án chào bán.
Vào hồi cuối năm ngoái, khu dân cư Osaka Garden (phường 7, quận 8) do Công ty CP Bất động sản Danh Khôi Á châu (DKRA) đồng phát triển (cùng với Công ty Hai Thành) và phân phối độc quyền là dự án đất nền hiếm hoi được chào bán. Do nguồn cung trong khu vực nhỏ giọt, cộng với những lợi thế về giá, phương thức thanh toán, vị trí và pháp lý đầy đủ. Do vậy, dự án cũng đã hút được một lượng người mua thực khá lớn. Theo thông tin từ chủ đầu tư, chỉ chưa đầy 2 tháng mở bán, khoảng 150 nền tại Osaka Garden đã được khách hàng đặt mua.
Bên cạnh đó, tại các vùng ven như Quận 8, Quận 9, Quận Thủ Đức, huyện Bình Chánh và một số tỉnh lân cận, đất nền nhà phố đang rao bán nhiều, lượng khách hàng quan tâm loại bất động sản này cũng đang tăng lên rõ rệt.
Tại các buổi mở bán, nhiều khách hàng mua nhà với mục đích tìm được chỗ an cư mới với môi trường sống hiện đại, thư thái và có tính kết nối cộng đồng cao để có thể tiện lợi cho việc sinh sống và kinh doanh ở các khu lân cận như Quận 1, 5, 6, 10, 11, Tân Bình…
Tuy nhiên, cũng không ít người mua lựa chọn sản phẩm đất nền như “của để dành”. Họ là những nhà đầu tư nhìn thấy được khả năng sinh lời từ dự án trong tương lai. Các nhà đầu tư này thường nhìn thấy tiềm năng dài hạn nhờ quy hoạch giao thông, hạ tầng mà vị trí dự án có được.
Nhận xét tiềm năng đầu tư vào đất nền tại Tp.HCM, trong lễ mở bán dự án Mega Residence do Cengroup phối hợp với Khang Điền tổ chức mới đây, bà Nguyễn Hoàng Ngân, một nhà đầu tư (Q.Hoàn Kiếm) cho rằng, giá nhà tại Hà Nội khá cao, trong khi chỉ với 2 tỷ thì đã có thể mua được nhà đất ở Sài Gòn, với những dự án mới ven trung tâm khi hạ tầng giao thông huyết mạch khu vực này phát triển đồng bộ và đưa vào sử dụng vào 2015 thì đây lại là cơ hội đầu tư hấp dẫn. Ngoài ra thì hiện nay quỹ đất để phát triển khu dân cư, nhà ở chỉ còn ở quận 2 và quận 9.
Nếu so với biệt thự và nhà liên kế thì đất nền được ưa chuộng hơn bởi nhà đầu tư lẫn người có nhu cầu về nhà ở do giá bán hợp lý và linh hoạt trong việc xây dựng. Theo đó, tính trong quý 4/2013, lượng giao dịch trong phân khúc đất nền đã tăng đến 228% so với quý trước đó và tăng 43% so với cùng kỳ 2012.
Tổng nguồn cung đất nền đến cuối 2013 ước tính 1.200 nền nhưng số dự án ở nội thành đếm trên đầu ngón tay. Theo đó, quận 8 được ghi nhận là khu vực duy nhất trong số 7 khu vực được Savills thống kê là có nguồn cung sơ cấp và số lượng cũng ở mức thấp nhất.
Mới đây, Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy tình hình giao dịch trên thị trường bất động sản TP Hồ Chí Minh có dấu hiệu khởi sắc ngay từ đầu năm, theo thống kê từ một số doanh nghiệp đầu tư và một số sàn giao dịch bất động sản trong 2 tháng đầu năm 2014 đã có gần 1.000 giao dịch thành công (tương đương cùng kỳ năm 2013).
Phạm An