Đường bay vàng: 'Tôi ủng hộ quyết định của Bộ trưởng Thăng'
"Chưa đàm phán, chúng ta đừng vội đưa ra các con số gấp 2, gấp 3 chi phí quá cảnh phải trả cho Lào và Campuchia", cựu phi công Mai Trọng Tuấn.
- 28-08-2014Nhiều ý kiến trái chiều xung quanh đề xuất "đường bay vàng"
- 27-08-2014Ông Nguyễn Thành Trung: “Không cần thiết vẽ thêm đường bay vàng”
- 26-08-2014“Đường bay vàng” Hà Nội - TPHCM: Tiết kiệm 300 triệu USD mỗi năm
Cục Hàng không Việt Nam vừa có công văn gửi Vietnam Airlines và Vietjet Air về việc thử nghiệm đường bay thẳng tuyến Nội Bài - Tân Sơn Nhất qua lãnh thổ Lào và Campuchia trong ngày 29/8.
Trước đó một ngày, câu chuyện “đường bay vàng” thêm một lần khuấy động dư luận sau khi cựu phi công Mai Trọng Tuấn viết “tâm thư” gửi Thủ tướng và Bộ trưởng Đinh La Thăng, trong đó đưa ra nhiều thông tin bất ngờ xung quanh đường bay này.
Nhằm giúp bạn đọc có thêm góc xung quanh vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với tác giả bức “tâm thư” nói trên và cũng là người từng báo cáo về “đường bay vàng” lên Thủ tướng vào năm 2009.
Cựu phi công Mai Trọng Tuấn |
Trong bức“tâm thư” gửi Thủ tướng và Bộ trưởng Thăng, ông khẳng định việc rút ngắn được 412km và thời gian tiết kiệm tới 26 phút cho máy bay 777 của ông Trần Đình Bá là điều “hoàn toàn hoang tưởng”? Vậy theo ông, số thời gian tiết kiệm thực tế sẽ là bao nhiêu?
Ông Mai Trọng Tuấn: Rất khó để đưa ra một con số duy nhất, chính xác và cụ thể về thời gian. Cùng một quãng đường bay đó, với những loại máy bay khác nhau, vận tốc bay khác nhau cộng thêm các yếu tố ngoại cảnh như sức gió, hay các vật cản khác… đều có thể ảnh hưởng đến yếu tố thời gian khi sử dụng đường bay này.
Theo tôi, nếu bay theo đường bay theo kinh tuyến 106o Đông, nối Hà Nội - TP.HCM sẽ rút ngắn được 142 km so với đường bay hiện tại. Đối với ý kiến cho rằng chặng đường bay từ TP. HCM - Hà Nội khoảng 1.200 km mà tiết kiệm đến hơn 400km và 26 phút thì đúng là một điều hoang tưởng.
Đồng tình với ý kiến “đường bay vàng” giúp các hãng hàng không tiết kiệm được thời gian, nhiên liệu. Tuy nhiên theo phép tính nhanh của một chuyên gia hàng không thì chi phí khi quá cảnh qua không phận Lào, Campuchia lại phải trả lên gấp đôi, gấp ba số tiền tiết kiệm được. Ông nghĩ sao về vấn đề này?
Đó là cách lập luận của những người đi buôn, chỉ quan tâm duy nhất đến món lợi về kinh tế. Việc bay trên trục bay này, chúng ta phải tính đến những yếu tố khác như giảm được một lượng lớn nhiên liệu và bảo vệ môi trường…
Chưa kể tính đến lúc này chúng ta đâu có biết tiền quá cảnh là bao nhiêu. Thay vì băn khoăn nhiều tại sao chúng ta không bàn với nước bạn để hai bên cùng có lợi.
Xin đừng đem "barem" phí quá cảnh với các nước khác để áp vào cho trường hợp này. Cái này hãy để Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải bàn bạc, thỏa thuận với nước bạn.
Trong khi nhân loại đang phải đau đầu đối phó với nguy cơ thiếu nguyên nhiên liệu thì anh lại sợ phí quá cảnh và cứ cố đốt xăng dầu trên chặng đường bay dài. Điều này thì ai có lợi?
Theo như ông nói, chúng ta mới chỉ thấy được cái lời trong việc tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chúng ta không thể quên mất yếu tố lợi ích kinh tế khi tính toán về đường bay này?
Lợi ích kinh tế không chỉ nằm ở việc tiết kiệm xăng dầu, nó còn bao gồm việc giảm trừ hao mòn máy móc. Bạn thử tính xem, 1 chuyến có thể không là bao nhiêu nhưng mà hàng trăm chuyến thì lại là vấn đề khác.
Thêm vào đó, việc giảm thời gian cũng làm giảm sức lao động của cả đội bay, hành khách cũng cảm thấy thoải mái hơn vì tiết kiệm được thời gian. Tất cả những con số này đều có thể định lượng và khi đi vào triển khai thực tế thì Bộ GTVT phải có những tính toán cụ thể.
Vậy ông có khuyến nghị gì với các cơ quan quản lý trong quá trình lập “đường bay vàng”?
Theo quan điểm của tôi, Việt Nam cần đàm phán, thương lượng với phía Campuchia, Lào về lợi ích của các bên, mà cụ thể cần tập trung vào số chi phí quá cảnh.
Khi mở đường này, hai nước bạn cũng sẽ rất có lợi trong việc đi lại, di chuyển đường hàng không. Chưa nói đến mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa ba nước thì hoàn toàn có thể đàm phán.
Để đường bay này đi vào vào khai thác và đạt được những hiệu quả kinh tế như mong đợi, cần phải có sự chia sẻ, giúp đỡ và hợp tác toàn diện, chặt chẽ cả về mặt kỹ thuật, chuyên môn, hoạt động quản lý, năng lực tài chính… của các cơ quan hữu quan và các hãng hàng không 3 nước có đường bay đi qua là Việt Nam - Lào - Campuchia.
Nếu là chủ hãng hàng không, tất nhiên tôi sẽ cân nhắc đến chuyện lời lãi, nhưng khi chưa có đàm phán chính thức với phía nước bạn, chúng ta đừng vội đưa ra các con số gấp 2, gấp 3 chi phí quá cảnh.
Chúng ta đã bỏ khá nhiều thời gian cho việc bàn cãi về đường bay này. Hãy nghĩ nó cũng như trăm nghìn đường bay khác. Chỉ có một điều trước khi triển khai, vẫn cần tính toán cân nhắc cẩn thận, nếu nó thực sự tốt hơn thì cần quyết tâm làm.
Tôi đã nhận thấy sự quyết tâm rất lớn của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc “hiện thực hóa” đường bay này. Tôi ủng hộ quyết định này của Bộ trưởng Thăng.
Xin cám ơn ông về cuộc chia sẻ này!
>> Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu bay thử 'đường bay vàng'
Theo Mạnh Nguyễn