Giá nhà ở giảm mạnh, khó khăn thị trường đang dần tháo gỡ
Nhiều dự án, giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006.
Trong báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIII gửi đến các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: từ nay đến năm 2015 trong khu vực đô thị cả nước có khoảng 1.740.000 người có khó khăn về nhà ở (diện tích bình quân dưới 5 m2/người) và 1.715.000 công nhân có nhu cầu ổn định chỗ ở, để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cần phải xây dựng khoảng 700.000 căn hộ.
Tạo điều kiện tối đa cho DN xây dựng nhà xã hội
Để thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, Bộ đã tập trung nghiên cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, chương trình đề án để cụ thể hóa các nội dung của Chiến lược, trong đó tập trung phát triển nhà ở xã hội hướng vào mục tiêu đáp ứng nhu cầu về chỗ ở của 08 đối tượng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước về nhà ở, quy định trong Chiến lược. Tiến hành tổng kết các chương trình phát triển nhà ở xã hội thời gian vừa qua, nghiên cứu, đề xuất thực hiện cho giai đoạn tiếp theo.
Chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương rà soát, xác định nhu cầu nhà ở xã hội và xây dựng chương trình phát triển nhà ở của địa phương phù hợp với nội dung Chiến lược và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ký kết hợp tác triển khai Chiến lược với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Ngân hàng BIDV.
Ngoài con số trên 1,7 triệu người có khó khăn về nhà ở, nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp đến năm 2020 sẽ tăng thêm khoảng 200.000 căn (nếu nhu cầu đến năm 2015 được giải quyết hết vào năm 2015).
Trên cơ sở đó, Bộ đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội để từng bước đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội của nhân dân. Tính đến nay, trên toàn quốc đã có 157 dự án nhà ở xã hội đang được triển khai xây dựng với quy mô 68.500 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 19.900 tỷ đồng (trong đó có: 58 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp với quy mô trên 33.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 10.900 tỷ đồng và 99 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, với quy mô xây dựng khoảng 35.500 căn hộ, với tổng mức đầu tư trên 9.000 tỷ đồng).
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết, để việc phát triển nhà ở xã hội hiệu quả, Bộ đã hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tập trung phát triển nhà ở xã hội.
Theo đó, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp, điều chỉnh sản xuất kinh doanh, tập trung phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, tích cực phối hợp với các địa phương hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại và chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ theo tinh thần Nghị quyết 02/NQ-CP và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Tính đến nay đã có 56 chủ đầu tư dự án đề xuất điều chỉnh quy mô căn hộ hoặc chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, với quy mô 33.000 căn hộ (chủ yếu tại các đô thị lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), trong đó: Hà Nội có 27 dự án với quy mô hơn 14.900 căn hộ (Ủy ban nhân dân Thành phố đã thống nhất chủ trương cho chuyển đổi 4 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, các dự án khác đang được Tổ công tác thẩm tra); TP. Hồ Chí Minh có 23 dự án với quy mô 14.500 căn hộ, chưa kể các dự án nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp ở các tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp...
Giá nhà đất đã giảm mạnh
Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia theo Nghị quyết số 02/NQ-CP được đánh giá là phù hợp với tình hình thực tế của thị trường, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn hiện nay, được các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và đa số người dân đồng tình ủng hộ, bước đầu đã phát huy hiệu quả, củng cố niềm tin cho thị trường.
Nghị quyết số 02/NQ-CP đã được Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành và các địa phương tích cực triển khai; một số địa phương có nhiều dự án bất động sản như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã thành lập Tổ công tác riêng để thường trực giải quyết nhanh các thủ tục cho doanh nghiệp. Qua rà soát, các địa phương đã tổng hợp được số liệu cơ bản về các dự án phát triển nhà ở và những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, bước đầu đã phân loại các dự án cần tạm dừng, các dự án được tiếp tục triển khai và các dự án cần điều chỉnh cơ cấu cho phù hợp với nhu cầu và khả năng thanh toán của thị trường.
Đến nay đã cơ bản xác định nhu cầu về nhà ở xã hội của các địa phương. Các cơ chế chính sách phát triển nhà ở xã hội được các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và người dân rất quan tâm, ủng hộ. Hàng loạt các dự án phát triển nhà ở xã hội được triển khai thời gian qua không chỉ mang ý nghĩa kinh tế, chính trị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, hướng tới người nghèo, tạo điều kiện để người nghèo có nhà ở, mà còn góp phần quan trọng tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh như: tập trung phát triển nhà ở xã hội; chia nhỏ căn hộ, sử dụng vật liệu hoàn thiện trong nước để giảm giá thành; bán hạ giá để cắt lỗ; hỗ trợ cho người mua nhà bằng nhiều hình thức như hỗ trợ vay ngân hàng, khuyến mại. Thị trường bất động sản đã hướng tới bộ phận đa số người mua, cung cấp các hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường.
Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008-2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006. Đây cũng là điểm tốt, tạo điều kiện cho người có nhu cầu có thể mua nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, gần đây thị trường bất động sản đối với phân khúc nhà ở bình dân ở Hà Nội và TP. HCM đã có dấu hiệu ấm dần lên.
Sắp tới, theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, khi Quốc hội thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi và Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi với nhiều cơ chế ưu đãi như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng cho nhà ở xã hội; đồng thời, khi gói hỗ trợ tín dụng cho các dự án nhà ở xã hội và nhà ở thương mại diện tích nhỏ, giá bán thấp theo Nghị quyết 02/NQ-CP được thực hiện và phát huy tác dụng thì chắc chắn những khó khăn của thị trường bất động sản sẽ từng bước được tháo gỡ.
Tuy nhiên, vị Bộ trưởng này cũng cho rằng, thị trường bất động sản rất rộng lớn và phức tạp, liên quan đến nhiều loại thị trường khác, vì vậy để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cần sự quyết tâm và nỗ lực không chỉ của ngành xây dựng mà còn phải có sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc của các ngành, các cấp, các địa phương; các chính sách điều tiết thị trường cũng cần phải có thời gian để có thể đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.