MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hàng Việt Nam chất lượng cao bị làm giả ở nước ngoài tuồn về nội địa

03-08-2014 - 17:00 PM |

Hàng Việt Nam chất lượng cao lại là hàng trôi nổi hoặc được làm nhái tại nước ngoài.

Mới đây, Cục Sở hữu trí tuệ phối hợp với Trung tâm Chống hàng giả, Tập đoàn Doanh nhân Đất Việt, đã tổ chức hội thảo phòng chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu cho doanh nghiệp tại TP.HCM, có kết luận mới nhất về vấn đề lưu thông hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ Việt Nam.

Theo đó, rất nhiều mặt hàng được cho là hàng Việt Nam chất lượng cao, nhưng thực ra lại là hàng trôi nổi trên thị trường, hoặc được làm nhái từ nước ngoài, tuồn về Việt Nam.

Hàng Trung Quốc mượn mác Việt

Thống kê mới nhất của Cục Sở hữu trí tuệ cho biết, hiện số lượng hàng giả và hàng xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, có nguồn gốc từ nước ngoài đang thịnh hành tại Việt Nam.

Cụ thể qua thống kê cho thấy, có 60-65% hàng hóa trên thị trường Việt Nam có nguồn gốc từ nước ngoài, trong khi đó hàng sản xuất trong nước chỉ chiếm 35-40%.

Đây là vấn đề nan giải của những doanh nghiệp có thương hiệu uy tín trên thị trường. Hiện nay nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam không chỉ bị một số kẻ xấu lợi dụng thương hiệu để nhái hàng bán trong nước, mà còn ngang nhiên làm giả để xuất khẩu ra nước ngoài. Theo tìm hiểu của PV, hiện những mặt hàng được làm giả, nhái nhiều nhất thuộc lĩnh vực may mặc, túi xách, mỹ phẩm, giày dép.

PV báo Đời sống và Pháp luật đã ghi nhận thực tế tại nhiều cơ sở bán hàng trên địa bàn TP.HCM. Theo tìm hiểu của PV, hầu hết những mặt hàng bày bán tại các chợ được người bán cho là hàng Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên, thực chất những mặt hàng này chủ yếu được sản xuất từ Trung Quốc, nhưng được thay nhãn mác hàng Việt Nam.

Chia sẻ với PV, một  chủ cửa hàng túi xách trên đường Nguyễn Trãi (quận 5) cho biết: "Bây giờ người tiêu dùng biết chọn hàng lắm, họ cho rằng hàng nhập khẩu nước ngoài đắt đỏ vì chi phí vận chuyển cao. Cho nên họ chọn hàng Việt Nam có thương hiệu vừa hợp túi tiền, chất lượng cũng đảm bảo".
Trước thắc mắc của chúng tôi, chủ cửa hàng tìm cách trấn tĩnh khách hàng: "Hàng nào cũng xài như nhau cả, chỉ có khác cách ghi nhãn mác, mẫu mã đẹp là người ta mua dùng thôi". Ngay cả trong các siêu thị lớn tại TP.HCM như C., B. cũng nhan nhản hàng Việt.

Có mặt tại siêu thị C. trên địa bàn quận Gò Vấp, PV ghi nhận nhiều mặt hàng như quần áo, giày dép được cho là của Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều khách hàng cho rằng đây là những sản phẩm được sản xuất từ Trung Quốc.

Chị Mai (34 tuổi, nhà quận Gò Vấp) mua giày thể thao cho con trai 5 tuổi tại một gian hàng bán giày trẻ em, khẳng định với chúng  tôi: "Tôi nghĩ đây là hàng Trung Quốc chứ làm  gì có của Việt Nam. Cùng một sản phẩm nhưng chúng tôi mua ngoài chợ chỉ bằng một nửa giá đôi giày này. Và những người bán hàng ngoài chợ đều  thừa nhận với tôi là hàng Trung Quốc".


Sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao của đại lý Việt Tiến được người tiêu dùng lựa chọn. Ảnh: Ái Minh.

Chủ doanh nghiệp im lặng

Theo ông Trương Khánh Long, quản lý Công ty TNHH Nệm Vạn Thành (đường Hòa Bình, quận Tân Phú, TP.HCM), hiện nay tình trạng một số sản phẩm có thương hiệu bị làm giả khá phổ biến.
Nhiều mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài nhưng được tuồn về Việt Nam và lấy mác "made in Việt Nam". Hiện tượng này đã xảy ra với một số doanh nghiệp nhưng họ vẫn im hơi lặng tiếng. Bởi vì tâm lý chung của chủ doanh nghiệp là  sợ ảnh hưởng đến vấn đề tiêu thụ hàng hóa.

Nếu công khai rộng rãi rằng hàng của mình có kẻ xấu làm nhái, làm giả, người dân sẽ có tâm lý lo lắng phải chọn lựa như thế nào cho đúng hàng chính hãng. Chưa kể những vấn đề liên quan đến cơ quan chức năng. Và như vậy, doanh nghiệp sẽ phải tốn chi phí tìm ra một cách nào đó giúp người tiêu dùng phân biệt được hàng giả với hàng thật...

Ông Long cho biết: "Sản phẩm của chúng tôi đã từng bị làm nhái, hoặc có những mặt hàng na ná giống sản phẩm công ty chúng tôi. Hiện tượng này xuất hiện tại một số vùng sâu, vùng xa. Khi nhận được phản ánh của khách hàng, chúng tôi đã chủ động báo cáo với công an kinh tế và quản lý thị trường tại địa phương được cho là làm nhái sản phẩm của chúng tôi.

Hiện tượng này vẫn thường xuyên xảy ra, nhưng chúng tôi đã kịp thời nắm bắt và báo với cơ quan chức năng, yêu cầu họ can thiệp giải quyết ngay để hạn chế tình trạng nhái hàng gây hoang mang cho khách hàng. Chúng tôi không hề ngần ngại với cơ quan chức năng cũng như không  sợ ảnh hưởng doanh số. Chúng tôi xem khách hàng là thượng đế, sẵn sàng tiếp thu ý kiến của họ, can thiệp trước những thông tin họ phát hiện báo về cho chúng tôi".

Hiện những mặt hàng có thương hiệu như áo sơ mi Việt Tiến, giày Hồng Thạnh... vẫn được nhái ở khắp nơi. Ghi nhận của PV tại một đại lý bán quần áo Việt Tiến (trên đường Lê Quang Định, quận Gò Vấp) cho thấy, ngay cả nhân viên bán hàng cũng khẳng định rất khó phát hiện hàng nhái.

Một nữ nhân viên giải thích với chúng tôi: "Vấn đề làm thế nào nhận biết hàng thật, hàng giả, đến chúng tôi là người bán cũng khó phân biệt lắm. Nhận hàng về bán và chúng tôi được nhà phân phối chỉ cho cách nhận dạng sản phẩm Việt Tiến là dựa vào tem trên các mẫu mã sản phẩm.

Từ đó nếu khách hàng hỏi mua chúng tôi cũng chỉ biết giải thích như vậy. Mới đây có khách hàng đến cửa hàng chúng tôi hỏi cách phân biệt sản phẩm hàng chính hiệu với hàng nhái, thì chúng tôi cũng chỉ cho họ là  dựa vào tem. Giả sử có kẻ xấu làm được tem giả Việt Tiến thì chúng tôi cũng đành bó tay".
Trao đổi với PV, một lãnh đạo công ty may Việt Tiến cho biết: "Từ trước đến nay  chúng tôi cũng có nhận được một số trường hợp khách hàng phản ánh là họ mua nhầm hàng. Tuy nhiên sau khi nhận được thông báo, chúng tôi đã báo cáo với cơ quan chức năng để họ xử lý.

Sản phẩm của công ty chúng tôi rất có uy tín ngoài thị trường, nên việc nhái hàng hay làm giả sản phẩm, khách hàng có thể dễ dàng nhận biết. Số hàng hóa trước khi xuất khẩu đi nước ngoài, chúng tôi cũng làm việc chặt chẽ với cơ quan chức năng nên rất ít bị làm giả". Theo thống kê của trung tâm Chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái, hàng giả đang có  mặt ở nhiều phân khúc thị trường.  
Ăn cắp bản quyền

Lãnh đạo một doanh nghiệp ngành cơ khí TP.HCM khẳng định: "Tôi cho rằng, hiện tượng hàng nhái, hàng giả tràn lan không còn mới nhưng vấn đề bây giờ là việc mất bản quyền sản xuất. Ví dụ, chúng tôi nhận nguyên liệu từ nước ngoài, nhưng mẫu mã sản phẩm do chúng tôi chế biến, gia công rồi cho xuất khẩu như dụng cụ hằng ngày là quạt điện, máy bơm nước...

Tuy nhiên  với công việc này, sản phẩm công ty chúng tôi vẫn bị một số phần tử ăn cắp bản quyền. Đây là vấn đề khó khăn mà chúng tôi phải đối mặt. Cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ doanh nghiệp cũng như  khách hàng nước ngoài".


Theo Ái Minh

thuyntt

Đời sống pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên