“Không chỉ nguyên dòng vốn tín dụng 30.000 tỷ đổ vào BĐS”
Gói 30.000 tỷ không thể đủ nguồn lực để giải quyết hết tất cả những đối tượng đang gặp khó khăn, nhưng nó như dòng “vốn mồi” kích thích những dòng tiền khác đổ vào thị trường.
Thị trường bất động sản Việt Nam đang gặp tình trạng khủng hoảng “thừa” và “thiếu”. Nguồn cung nhà ở hiện nay được các tổ chức, cơ quan quản lý thống kê cho thấy dư thừa khá nhiều trên thị trường. Chỉ tính riêng lượng tồn kho bất động sản đối với loại nhà ở đã hoàn thiện vào khoảng 40.000 – 50.000 căn hộ, số nguồn cung dư thừa này nằm chủ yếu ở phân khúc cao cấp.
Tuy nhiên, thị trường lại đang “thiếu” nguồn cung căn hộ có diện tích vừa phải, giá cả phù hợp đáp ứng khả năng thanh toán của đại bộ phận người dân. Tại Hà Nội, ở phân khúc này theo thống kê của Bộ Xây dựng nhu cầu cần khoảng 100.000 căn đến 2015, riêng cán bộ của 25 bộ, ngành có nhu cầu 30.000 căn. Cả nước cần xây dựng khoảng 700.000 căn, trong đó hiện tại đang có 157 dự án triển khai với quy mô 68.500 căn.
Gói 30.000 tỷ như dòng “vốn mồi”
Nhận định về việc tác động của những chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ đối với bất động sản vừa qua, nhiều chuyên gia khẳng định có tác dụng tích cực đến thị trường, mặc dù gói tín dụng ưu đãi chỉ hướng trực tiếp vào giải quyết khó khăn về nhà ở cho người thu nhập thấp, tuy nhiên, nó sẽ có tác động “vết dầu loang” đến những phân khúc thị trường khác, ổn định tâm lý cho thị trường.
Tại buổi đối thoại về gói tín dụng 30.000 tỷ chiều 11/6, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam nhận định: “Gói 30.000 tỷ không thể đủ nguồn lực để giải quyết hết tất cả những đối tượng đang gặp khó khăn, nhưng nó như dòng “vốn mồi” kích thích những dòng tiền khác đổ vào thị trường. Không phải là nguyên gói 30.000 tỷ mà có thể có những gói tín dụng khác của các ngân hàng thương mại cũng “ăn theo” chương trình này cho vay BĐS với lãi suất có thể cao hơn 6%/năm nhưng cũng sẽ ở mức hợp lý.”
Theo Thứ trưởng Nam, hiện nay dư nợ bất động sản vào khoảng 210.000 tỷ đồng, với gói tín dụng 30.000 tỷ này được rót vào phân khúc nhà ở bình dân, có thể tương đương với mức tăng trưởng tín dụng 15%. Nếu triển khai trong 2 năm thì mỗi năm cũng tăng trưởng được khoảng gần 10%, trong khi tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế còn chậm trong những tháng qua thì dòng vốn này là con số khá lớn so với các ngành khác.
“Các ngân hàng thương mại cũng phải tìm cách thiết kế các gói tín dụng khác để cạnh tranh, các doanh nghiệp VLXD nhận thấy dự án khả thi có thể bán chịu, bán trước, các nhà thầu có thể ứng tiền làm dự án trước,…Do vậy, dòng tiền hướng vào BĐS không phải chi có 30.000 tỷ đồng. Nguồn lực để tạo ra nguồn cung ở giai đoạn này là tương đối lớn, tín dụng đang tăng trưởng chậm thì dòng vốn này sẽ là cú hích làm ấm lên thị trường", Thứ trưởng Nam nói.
Dấu hiệu tích cực
Được thừa hưởng trực tiếp từ chính sách ưu đãi của Chính phủ, nhiều dự án căn hộ ở phân khúc giá rẻ đang mở bán có thành khoản khá cao như dự án CT6 Đặng Xá trong khoảng 1 tháng vừa qua chủ đầu tư đã gần như bán hết số nguồn cung 144 căn.
Phân khúc căn hộ cao cấp được cho là thừa nguồn cung, với diện tích lớn và tổng giá trị căn hộ rất lớn đã gặp rất nhiều khó khăn trong công tác bán hàng năm 2012. Tuy nhiên, kể từ khi có động thái mới từ Chính phủ, qua phản ánh từ một số chủ đầu tư dự án thì với những dự án tiến độ tốt, vị trí đẹp vẫn “hút khách”, và đặc biệt là những ngày gần đây khách hàng đã “xuống tiền” nhanh hơn.
Theo đại diện sàn BĐS Hà Đô, đơn vị vừa mở bán đợt 2
là 50 căn hộ dự án Hà Đô Park View tại khu đô thị mới Dịch Vọng, Cầu Giấy, Hà Nội, trong đợt mở bán này, chủ đầu tư đưa ra khá nhiều ưu đãi cho khách hàng. Được biết, trong ngày mở bán đã có 15 căn hộ được giao dịch, đến nay số khách hàng đăng ký mua đã là 20.
Còn theo bà Trần Thanh Mai, Giám đốc sàn CTFD, dự án Star Tower có khoảng 140 căn, thì chủ đầu tư để lại 40 căn dùng cho thuê, còn khoảng 100 căn để bán. Đến nay, số lượng căn hộ còn lại của dự án còn hơn 20 căn. Khoảng 1 năm trở lại đây giao dịch thành công lên đến 50 căn.
“Tôi nhận thấy từ khi có những động thái hỗ trợ của Chính phủ thì dường như quyết định “xuống tiền” của khách hàng nhanh hơn.Trước khi chưa có gói hỗ trợ của Chính phủ thì khách hàng rất dè dặt. Mặc dù dòng tiền trực tiếp không đổ vào phân khúc căn hộ cao cấp, tuy nhiên, việc hỗ trợ đó cũng đã có tác dụng phần nào đến tâm lý khách hàng.” Bà Mai nhận định.
Bên cạnh đó, nhiều dự án căn hộ cao cấp khác khu vực Cầu Giấy cũng đang rục rịch cho kế hoạch tung hàng của mình ra thị trường trong giai đoạn có nhiều thông tin tốt đang hỗ trợ. Trong đó, Viglacera dự định tháng 6 này sẽ tiếp tục tung sản phẩm căn hộ dự án Thăng Long Number One ra thị trường, hiện dự án này này sắp hoàn thiện xây thô; Chủ đầu tư dự án Discovery Complex tại số 302 Cầu Giấy cũng đang chuẩn bị cho kế hoạch bán khoảng 100 căn trong đợt mở bán trong tháng 6…
Phạm An