MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Môi giới bất động sản: Trong chán, ngoài thèm

Không ít người trong cuộc đã "nản", bất chấp vô khối kẻ "ngoại đạo" vẫn mơ mộng về thu nhập... trên mây của dân môi giới bất động sản.

Âm thầm lặng lẽ với vai trò kết dính thị trường bất động sản, trung gian môi giới địa ốc đang nỗ lực vượt khó. Vận động trong làng môi giới có nhiều nét tương tự giới doanh nghiệp tạo lập bất động sản: sáp nhập, tan rã phá sản rồi lại hồi sinh dưới dạng sáp nhập.

Khó như… làm môi giới

Nhắc lại quãng thời gian bất động sản "trên mây" theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nhiều môi giới đã giải nghệ vẫn nhớ như in thời "vàng son". Chỉ cần biết sơ sơ vài thông tin về quy hoạch (kể cả là tin đồn), nắm hời hợt về dự án, và "khéo mồm", là cá nhân môi giới ("cò") thừa sức hái ra tiền.

Thậm chí, năm 2009-2010, có những cò đất ở Mê Linh, Ba Vì, Sóc Sơn bỗng chốc "xây nhà lầu, mua xe hơi" nhờ khai thác triệt để cơn "sốt" đầu tư liên quan tới trục quy hoạch Hồ Tây – Ba Vì.

Khi xưa, nhà nhà, người người cùng làm bất động sản ngân hàng, các doanh nghiệp trong hay ngoài ngành cũng "hăm hở" tìm tới "mỏ vàng" địa ốc. Chỉ đến lúc vỡ "bong bóng", hàng nghìn doanh nghiệp, hàng triệu nhà đầu tư và vô khối những chủ đất lập tức trở về thực tại "mất tiền, chôn vốn dài hạn", vì một thị trường không có chỗ cho sự minh bạch, chuyên nghiệp.

Cái "khó" đầu tiên cho ngành môi giới, là hàng rào pháp lý liên quan tới Luật Kinh doanh bất động sản năm 2006, Luật Nhà ở kể từ giai đoạn bất động sản tự thanh lọc đào thải 2011-2013. Liên tiếp những quy định, chính sách từ các cơ quan hữu quan được ban hành. Thậm chí, dân môi giới còn "giật mình" trước đề xuất "cá nhân môi giới bất động sản phải có bằng đại học" hay "không bắt buộc giao dịch bất động sản qua sàn". Trong khi, sự "kèn cựa" nội bộ các sàn, trung tâm môi giới đã rất gắt gao, cộng thêm áp lực từ những đơn vị tư vấn "ngoại", môi giới bất động sản đang thực sự gặp khó để tồn tại.

Mờ ảo ánh sáng cuối đường

Trong giới hành nghề trung gian – dịch vụ bất động sản, không thiếu những chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh khi thanh khoản địa ốc còn rất khiêm tốn.

Anh Tuấn, một giám đốc sàn giao dịch bất động sản vừa thành lập ở Hà Nội tâm sự: nếu ai đã từng làm môi giới từ hồi nhà đất còn "sốt" đến nay thì đều thuộc lòng các "bài học cạnh tranh" trong nghề trung gian.

Những lãnh đạo sàn kiểu như nhân vật trên rất phổ biến hiện nay. Chi tiết hơn, đa phần họ ngày càng được trẻ hóa và thực hiện phương án kinh doanh linh động giữa hàng dự án (sản phẩm dự án) và hàng lẻ (môi giới tự kiếm nguồn hàng, khách và khớp nối) để tối đa hiệu quả công việc. Có thể kể ra một vài đơn vị như Markland, THT…

Trên diện rộng, các sàn giao dịch, nhân viên môi giới "trụ" lại với thị trường bất động sản đều biết cách làm việc tuân theo pháp luật. Chỉ có điều, sự "kèn cựa" trong nội bộ giới trung gian luôn khắc nghiệt theo đúng nghĩa "thương trường là chiến trường".

Chị Lan Hương, một nhân viên môi giới ở Hà Nội thừa nhận có rất nhiều "trò bẩn" để hạ uy tín, tranh khách. Hồi mới vào nghề, chị bị "đồng nghiệp" của sàn khác gọi điện giả làm khách hàng thuê nhà mà không hề hay biết. Kết quả, 3 tháng đầu năm 2013, toàn bộ danh sách chủ nhà (cho thuê, bán) của môi giới này bị khai thác triệt để – nỗ lực tìm khách khớp nối của khổ chủ coi như đổ sông đổ bể. Thậm chí, có trường hợp môi giới còn bị đồng nghiệp "qua mặt" ngay khi đang dẫn khách tới xem bất động sản. Có những môi giới vài tháng trời không "chốt" được một căn (mua bán), nhưng không ít nhân viên sàn thực hiện thành công vài căn chỉ trong chưa đầy 1 tháng.

Nghề môi giới, ngoài đòi hỏi về am hiểu kiến thức pháp lý, thị trường, tâm lý khách hàng, còn yêu cầu "duyên may" của từng người. Khi "hết duyên", sẽ là "nợ" – nợ với khách hàng, nợ với đạo đức nghề lẫn sự sa sút của cả thị trường.

Theo Song Hà

ngatt

Thời Báo Kinh Doanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên