Mua nhà trả góp: Làm sao quản lý dòng tiền trong tay chủ đầu tư?
Làm sao để kiểm soát dòng tiền người mua nhà nộp cho chủ đầu tư theo tiến độ công trình. Làm sao để kiểm soát chủ đầu tư để tiền trả góp được dùng đúng mục đích?
Đại gia huy động vốn trái phép: Người vào tù, kẻ bỏ trốn…
Chỉ trong 2 năm trở lại đây, thị trường bất động sản đã chứng kiến sự xáo trộn lớn chưa từng thấy. Ngay cả trong giới chuyên gia, doanh nghiệp địa ốc trong hai năm qua cũng đã dự cảm sự sụp đổ dây chuyền toàn ngành BĐS. Căn cứ để đưa ra những dự báo này là hàng loạt các đại gia BĐS lừng danh một thời nay đã bóc lịch trong tù.
Có kể ra một vài tên tuổi nổi bật nhất như Chủ tịch Tập đoàn Vina Megastar Nguyễn Hoàng Long huy động hàng trăm tỷ tiền mua nhà lâm vào cảnh vỡ nợ vừa mới bị bắt cách đây một năm. Một vụ khác xa hơn vào tháng 9.2012 ông Trần Ứng Thanh, Tổng GĐ Công ty cổ phần vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà đã bị bắt để điều tra về tội lừa đảo hàng trăm khách hàng chiếm đoạt gần 200 tỉ đồng với danh nghĩa bán căn hộ tại dự án giãn dân phố cổ.
Không những bị bắt, nhiều chủ đại gia biết tin đối mặt với pháp luật đã bỏ trốn. Điển hình cách đây một năm, hàng trăm khách hàng đã sụp đổ khi chứng kiến Việt kiều Edward Chi, Tổng GĐ công ty CPĐT Minh Việt là chủ đầu tư dự án Tricon Tower (Bắc An Khánh, Hà Nội) đã bốc hơi cùng với hàng trăm tỷ người mua nhà đã nộp trước đó.
Điểm chung tất cả các đại gia địa ốc khiến người vào tù, kẻ bỏ trốn là bởi đã huy động một số tiền rất lớn của người mua nhà. Tiếp theo, các ông chủ này đã sử dụng số tiền đó sai mục đích tiếp tục đầu tư dự án khác với mong chờ siêu lợi nhuận. Tuy nhiên, khi thị trường đi xuống tất cả số tiền này đều đem chôn dưới các bãi đất, công trình hoang lạnh.
Tổng kết lại những trường hợp đại gia địa ốc vướng vòng lao lý, Phó GĐ Công ty Địa ốc Đất Lành đã từng phải than lên đau xót: "Một thế hệ doanh nhân non trẻ đầy nhiệt huyết, tạo dựng được tài sản, góp phần vận hành đất nước trong một thời gian dài bỗng chốc sụp đổ. Bạn bè có người phải trốn tránh, tù đày…”
Kiểm soát dòng tiền trong tay chủ đầu tư?
Chính vì những đổ vỡ hàng loạt các tên tuổi BĐS trong thời gian qua nên giới chuyên gia, doanh nghiệp BĐS đặt ra quan trọng nhất là niềm tin người mua nhà. Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường phục hồi nhanh hay chậm là do niềm tin được vun đắp trở lại nhanh hay chậm. Mấu chốt trong niềm tin của người mua nhà là câu hỏi: Nộp tiền mua nhà, làm sao quản lý chủ đầu tư sử dụng đúng mục đích?
Bởi vậy, một trong những kiến nghị mấu chốt của Hiệp hội BĐS TP HCM gửi lên các cấp cao nhất là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng, Bộ Xây dựng về luật Kinh doanh BĐS (sửa đổi) là chế tài kiểm soát dòng tiền ứng trước của chủ đầu tư thu từ người mua nhà.
Cụ thể, theo Hiệp hội BĐS TP. HCM thì luật Kinh doanh bất động sản chưa có cơ chế chế tài đủ mạnh để bắt buộc chủ đầu tư chỉ được sử dụng vốn huy động trước của khách hàng đúng mục đích để hoàn thành bất động sản bàn giao cho khách hàng theo hợp đồng.
Trao đổi với PV về kiến nghị này, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho hay hiện nay pháp luật quy định khi xây xong móng chủ đầu tư được bán nhà trả góp theo tiến độ ghi trong hợp đồng tuy nhiên người mua nhà không thể biết chủ đầu tư làm gì với số tiền đó.
“Có thể họ đầu tư trực xây dựng dự án đó, nhưng có thể họ cầm tiền để triển khai dự án khác hoặc đầu tư cái gì khác thì người mua nhà đâu có biết được. Bởi vậy, tôi kiến nghị số tiền người mua nhà đóng theo tiến độ sẽ mở một tài khoản đóng trong ngân hàng. Khi tiến độ xây dựng đến đâu thì ngân hàng giải ngân đến đó”, ông Châu nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh thì với cách làm này ngân hàng sẽ là bên thứ 3 tham gia vào dự án với vai trò giám sát, quản lý dòng tiền của người mua nhà.
>>>Cần có hội bảo vệ quyền lợi người mua nhà