Những dự án BĐS dính tranh chấp “nảy lửa” năm 2013 (Phần 2)
Hiện tại, niềm tin của người mua nhà tiềm năng đang dần bị xói mòn nghiêm trọng bởi đầy rẫy những tranh chấp và kiện cáo với chủ đầu tư.
(Xem thêm: Những dự án BĐS dính tranh chấp “nảy lửa” năm 2013 (Phần 1))
6. Chung cư Đại Thanh
Dạng tranh chấp: Cách tính diện tích căn hộ
Cao trào: Khánh hàng biểu tình trước Sàn giao dịch Mường Thanh
Dự án Chung cư Đại Thanh (tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) từng gây sóng gió trên thị trường bất động sản từ quý III/2012, khi được Sàn giao dịch bất động sản Mường Thanh mở bán với mức giá thấp nhất là 10 triệu đồng/m2. Nhiều khách hàng và giới đầu tư bất động sản Hà Nội đã lập tức “gom” hàng, đẩy giá căn hộ tại dự án với mức “chênh” lên đến vài chục triệu đồng/căn.
Ngay sau khi khu chung cư hoàn tất và chuẩn bị bàn giao thì hàng loạt bất cập liên quan đến cách tính diện tích căn hộ, cách tính thuế, phí quản lý... của chủ đầu tư khiến khách mua nhà rất bức xúc.
Khách hàng chung cư Đại Thanh biểu tình
Vụ việc đã lên đến đỉnh điểm, khi vào ngày 26/10/2013, hàng trăm dân cư của Dự án Chung cư Đại Thanh tập trung trước Sàn giao dịch Mường Thanh “tố” chủ đầu tư giao nhà thiếu diện tích, chưa đủ điều diện bàn giao... và đề nghị được đối thoại với ông Lê Thanh Thản, Giám đốc Công ty Xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên. Nhiều khách hàng yêu cầu chủ đầu tư tính lại diện tích căn hộ và giảm 50% thuế VAT theo Thông tư 141/2013TT – BTC (hướng dẫn thi hành Nghị định 92/NĐ - CP của Chính phủ) ban hành mới đây.
Trước tình trạng căng thẳng "leo thang", ngày 29/10 Bộ Xây dựng đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Xây dựng và các sở, ngành có liên quan khẩn trương tiến hành kiểm tra tình hình thực hiện dự án, tình hình kinh doanh tại dự án theo quy định pháp luật, xử lý tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư.
7. Tổ hợp chung cư Lê Văn Lương Residentials
Dạng tranh chấp: Khách hàng tố chủ đầu tư ăn gian diện tích
Cao trào: Bộ Xây dựng phải vào cuộc
Không chỉ tranh cãi nảy lửa về cách tính cách tính giá căn hộ, khách hàng và Công ty CP tập đoàn Nam Cường (liên quan đến tổ hợp chung cư Lê Văn Lương Residentials thuộc khu đô thị Dương Nội, Q.Hà Đông, Hà Nội) còn bất đồng về cách tính diện tích sở hữu chung-riêng.
Trong bản Hợp đồng mua bán căn hộ đã ký giữa hai bên có điều khoản quy định rõ: “Đơn giá chuyển nhượng được áp dụng tại thời điểm tỷ giá giữa Việt Nam đồng và đôla Mỹ là 19.500 VND/USD. Nếu tại thời điểm bàn giao căn hộ, tỷ giá giữa Việt Nam đồng và đô la Mỹ biến động tăng giảm hơn 2% so với 19.500 VND/USD thì số 30% giá trị căn hộ thanh toán của đợt cuối cùng còn lại (đợt 6) sẽ được điều chỉnh theo tỷ giá bán ra giữa đồng Việt Nam và đôla Mỹ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam tại thời điểm đó”.
Đến nay, tỷ giá Việt Nam đồng và đô la Mỹ đã tăng hơn 2%. Theo đó, khách hàng yêu cầu chủ đầu tư hủy điều khoản liên quan đến tiền thu thêm của khách hàng từ việc tính giá tiền 30% giá căn hộ theo tỷ giá USD. Phản hồi lại ý kiến của khách hàng, tập đoàn Nam Cường khẳng định: Không nhận thanh toán bằng tiền USD, chỉ nhận tiền Việt Nam đồng, khi tỷ giá xuống thì khách hàng được lợi, tuy nhiên, hiện tỷ giá đã tăng, theo hợp đồng, khách hàng sẽ phải đóng thêm tiền khi nhận nhà.
Tiếp sau đó, ngày 14/10, gần 100 khách hàng mua căn hộ tại tổ hợp chung cư Lê Văn Lương Residentials thuộc Khu đô thị mới Dương Nội đã kéo đến trụ sở của Công ty CP tập đoàn Nam Cường (tập đoàn Nam Cường) căng băng rôn, biểu ngữ tố chủ đầu tư ăn gian diện tích. Chủ đầu tư đã có câu trả lời nhưng không làm hài lòng khách hàng. Tiếp tục bất đồng quan điểm, hai bên cho rằng cần phải làm văn bản trình và nhờ Bộ Xây dựng phân xử.
Đầu tháng 11, thanh tra Bộ Xây dựng vừa có công văn trả lời chính thức về cách tính diện tích căn hộ nhà chung cư đối với các dự án do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư. Theo kết luận, hơp đồng mua bán căn hộ giữa Nam Cường và khách hàng rõ ràng, minh bạch thông tin về giá bán nhà dựa trên cách tính diện tích nào. Hợp đồng được ký kết giữa 2 bên dựa trên cơ sở tự nguyện, tự thỏa thuận. Chính vì vậy, việc Tập đoàn Nam Cường tính diện tích căn hộ chung cư theo tim tường là không trái với các quy định của pháp luật về nhà ở.
8. Chung cư cao cấp The Mannor
Dạng tranh chấp: Phí dịch vụ, sở hữu chung riêng
Đỉnh điểm: Cư dân đã căng băng rôn biểu tình đòi quyền lợi
Vài năm trước, The Manor (Mỹ Đình, Hà Nội) là một trong những tổ hợp chung cư hiện đại nhất Hà Nội. Cảnh quan đẹp, các khu vực dịch vụ tiện ích như bể bơi, khu vui chơi, siêu thị, nhà hàng được quy hoạch hợp lý.
Tuy nhiên, khi tòa nhà mới hoạt động năm 2007, cư dân đã giăng băng rôn phản đối chủ đầu tư tính phí quản lý nhà quá cao, mỗi tháng là 14.000 đồng/m2, phí gửi xe máy cũng tới 160.000 đồng/xe và ôtô là 1,6 triệu đồng/xe. Đỉnh điểm là tháng 3/2009, tranh chấp lại tái phát. Một số cư dân không chịu đóng phí nên chủ đầu tư đã chặn barier trước cửa hầm.
Hàng chục xe hơi đắt tiền của cư dân The Manor vừa qua không được vào tầng hầm vì những tranh chấp giữa hai bên
Hiện nay, sau 5 năm đưa vào sử dụng cùng với thời gian khu chung cư này cũng đã bắt đầu xuống cấp do việc bảo trì, bảo dưỡng các công trình, hạng mục công cộng gần như không được quan tâm khi xảy ra nhiều tranh chấp của các cư dân và chủ.
Ngày 9/3, tại buổi làm việc giữa các Sở, ban ngành, chính quyền địa phương, các hộ dân và tập đoàn Bitexco tại UBND TP Hà Nội, cư dân đã tố "5 tội" của chủ đầu tư Bitexco: Thứ nhất, Bitexco áp đặt phí dịch vụ quá cao nhưng không minh bạch trong khi môi trường sống không được đảm bảo; Thứ 2, Bitexco không tuân thủ các quy định của nhà nước. Tự ý đưa ra quy định và thu phí gửi xe cao hơn quy định chung của UBND TP Hà Nội.
Thứ 3, không tôn trọng người dân của khu chung cư, ngang nhiên phá vỡ cam kết với các hộ dân. Thứ 4, cố tình đưa thông tin sai lệch gây mâu thuẫn trong nội bộ dân cư. Thứ 5, đối phó với yêu cầu của cộng đồng dân cư về việc tổ chức Hội nghị nhà chung cư, Bitexco đưa ra quy chế nhiều điểm không minh bạch, không công bằng...
9. Chung cư cao cấp Keangnam Hanoi
Dạng tranh chấp: Phí dịch vụ
Cao trào: Đại diện cơ quan chức năng, chính quyền nhiều lần phải can thiệp
Giữa năm 2011, cư dân tại tòa nhà cao nhất Việt Nam - Keangnam Hanoi Landmark Tower (Cầu Giấy, Hà Nội) làm thủ tục kiện chủ đầu tư do thu phí dịch vụ và tiền trông xe cao gấp vài lần so với mức quy định của thành phố. Bên cạnh đó, cư dân còn cho rằng chủ đầu tư đã sử dụng một số phần diện tích chung để kinh doanh.
Chủ đầu tư đã đưa ra nhiều lý lẽ như mức phí tương đương với dịch vụ, máy móc hiện đại, đồng thời nhằm hạn chế người ngoài vào gửi xe... Có thời điểm, vì phản đối, nhiều cư dân đã không chịu đóng phí và bị chủ đầu tư cắt dịch vụ. Để đạt được thỏa thuận, các cư dân tại đây dùng rất nhiều biện pháp như rải tờ rơi, mang bếp than tổ ong ra đốt, trải chiếu để "ăn ngủ tại sảnh", phát loa phản đối...
10. Chung cư cao cấp Golden Westlake
Dạng tranh chấp: Phí gửi xe
Cao trào: Dàn kín ô tô trước lối đi biểu tình phản đối chủ đầu tư
Được đánh giá là căn hộ cao cấp 5 sao ở Hà Nội, nhưng chỉ sau 3 năm đi vào sử dụng hàng loạt những bất cập tại chung cư Golden Westlake (162 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) khiến cư dân ở đây bức xúc cho rằng: tòa nhà không xứng tầm đẳng cấp.
Theo phản ánh, đầu tháng 4/2012, chủ đầu tư Golden Westlake đột ngột thông báo: Từ tháng 5/2012 tăng phí trông giữ ô tô từ 1 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng/tháng mà không có một sự thỏa thuận nào với cư dân. Ngoài việc âm thầm tăng phí gửi xe, nhiều hộ dân tại chung cư cao cấp này cho rằng, họ cảm thấy việc thu chi của chủ đầu tư không minh bạch.
Cư dân đỗ xe và giăng băng rôn để phản đối mức phí của chủ đầu tư |
Đỉnh điểm những bức xúc của cư dân diễn ra vào ngày 11/5/2012, khi hàng chục người đã dùng ô tô dàn kín lối ra vào sảnh của hai tòa chung cư khu A và khu B chung cư Golden Westlake để phản đối chủ đầu tư tăng giá trông giữ xe khủng.