"Sóng lạ" đang nổi trong M&A bất động sản?
Dù hoạt động của phân khúc văn phòng cho thuê khá ế ẩm nhưng giao dịch đầu tư vào phân khúc văn phòng cho thuê vẫn đang diễn ra rất mạnh, các thương vụ chuyển nhượng trong lĩnh vực này dường như đang trong giai đoạn tăng tốc.
- 20-05-2015Xuất hiện thương vụ M&A đình đám nhất lĩnh vực BĐS toàn cầu
- 15-04-2015Bùng nổ M&A bất động sản tại Tp.HCM
- 18-01-2015Vì sao M&A bất động sản diễn ra sôi động?
Tóm tắt
- Thời gian gần đây thị trường Hà Nội chứng kiến hàng loạt tòa nhà văn phòng cao tầng được sang tên đổi chủ.
- Câu hỏi đặt ra là tại sao các ông lớn lại đổ tiền mua cao ốc văn phòng trong khi phân khúc này đang hoạt động khá ế ẩm.
- Theo các chuyên gia, có rất nhiều lý do để các “ông lớn” bất động sản đẩy mạnh thâu tóm các cao ốc văn phòng. Trong đó, thanh khoản thị trường và tiềm năng của BĐS Việt Nam trong tương lai vẫn là yếu tố quyết định.
Theo nhận định từ phía chuyên gia, hiện thị trường BĐS Việt Nam vẫn có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư ngoại. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đẩy mạnh nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực BĐS tại Việt Nam thông qua nhiều hình thức khác nhau. Đặc biệt, thời gian gần đây thị trường Hà Nội chứng kiến hàng loạt tòa nhà văn phòng cao tầng được sang tên đổi chủ.
Có thể kể đến thương vụ mua bán phần văn phòng tòa nhà Corner Stone giữa Tập đoàn Daibiru của Nhật Bản và VIBank với giá 60,1 triệu USD hồi cuối năm 2014. Hay mới đây, Keangnam cũng đang rao bán tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam Landmark 72 (Hà Nội) với giá gần 80 triệu USD.
Gần đây nhất, Công ty quản lý quỹ Indochina Land vừa công bố thoái vốn một phần từ quỹ Indochina Land Holdings 2 (ILH2) cho Gaw Capital Partners (Gaw). Trong 4 dự án chuyển nhượng có khu tổ hợp căn hộ, văn phòng, thương mại cao cấp Indochina Plaza Hanoi. Dù không công bố giá bán nhưng theo giới chuyên gia thương vụ giữa Indochina Land Holdings 2 (ILH2) và Gaw Capital Partners là một trong những thương vụ mua bán đình đám tại Hà Nội.
Dường như đang có một làn sóng các nhà đầu tư ngoại săn các cao ốc văn phòng tại Hà Nội. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là thời gian gần đây mảng văn phòng cho thuê hoạt động khá cầm chừng, giá thuê liên tục giảm suốt trong khi tỷ lệ trống tăng cao, nguồn cung tăng mạnh khiến thị trường luôn trong tình trạng cạnh tranh gay gắt. vậy tại sao các ông lớn ngoại vẫn đổ tiền vào phân khúc văn phòng cho thuê?
Theo các chuyên gia, có rất nhiều lý do để các ông lớn bất động sản đẩy mạnh thâu tóm các cao ốc văn phòng. Trong đó, tiềm năng của BĐS Việt Nam trong tương lai vẫn là yếu tố quyết định.
Giám đốc điều hành của Savills, ông Neil MacGregor phân tích, trong khi Việt Nam đang cán đáy của chu kỳ BĐS thì nhiều thị trường khác tại Châu Á lại nằm trên đỉnh của chu kỳ, dự đoán vài năm tới có thể giảm, triển vọng phục hồi của thị trường khiến Việt Nam trở thành điểm thu hút lượng nhà đầu tư khá lớn, đặc biệt là ở phân khúc khách sạn và văn phòng.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng đang dần được hoàn thiện cũng như giao thông kết nối giữa các khu vực đô thị và các thành phố trọng điểm cũng góp phần giúp thị trường bất động sản trở nên hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố chính sách khác mới được Quốc hội và Chính phủ thông qua cũng có tác động đến quyết định việc mua lại các dự án BĐS.
Nhìn ở một góc độ khác, ông Phan Xuân Cần cho rằng, khung giá đất tăng gấp đôi, chi phí đầu vào dự án sẽ bị đội lên. Điều này có thể dẫn đến nhiều nhà đầu tư chọn phương án mua lại dự án thay vì phát triển dự án mới. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ diễn ra trong tương lai bởi hiện nay việc mua lại dự án vẫn đang được định giá ở chi phí giải phóng mặt bằng theo đơn giá cũ.