"Tất cả các con cưng đều hư, chiều quá thì hư"
Ngoài việc đưa ra các con số tồn kho không chính xác, hiệp hội còn “doạ dẫm” sẽ bỏ mua mía của dân.
- 05-12-2013Hiệp hội Mía đường mất dần “bảo bối“
- 29-11-2013Bầu Đức và lời cảnh báo sớm cho tiền đồ ngành mía đường
- 29-11-2013Cùng một đồng doanh thu, mía đường HAGL lãi gấp 3-4 lần doanh nghiệp trong nước
- 26-11-2013Bảo hộ mía đường, người dùng chịu thiệt hàng ngàn tỉ đồng
Trao đổi với báo chí về diễn biến việc Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) xin nhập đường từ Lào về Việt Nam ngày 10.12, thứ trưởng bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, hiện bộ Công thương chưa nhận được trả lời của các bộ ngành liên quan khi bộ xin ý kiến.
Ông Tú nói, nếu nhìn dưới góc độ của hiệp hội Mía đường thì chúng ta chỉ nhìn một chiều thôi. Đường HAGL từ đâu mà ra? Do doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Lào mà có. Đầu tư sang Lào giải quyết được hai việc, thứ nhất là vấn đề kinh tế, công ăn việc làm cho Lào, thứ nữa là vấn đề an ninh đất nước.
Thưa ông, vậy tại sao hiệp hội Mía đường lại tỏ ra lo ngại?
Việc hiệp hội Mía đường lo ngại là đúng, nhưng những điều họ nói ra thì không hoàn toàn đúng. Điều đầu tiên là họ đưa ra những con số khủng khiếp mà qua thực tế theo dõi chúng tôi không thấy như thế.
Cụ thể, năm ngoái, hiệp hội Mía đường nói sản xuất thừa khoảng 200.000 tấn, thực tế chúng tôi cho xuất 50.000 tấn, hết vèo, chẳng còn đâu mà xuất. Năm nay họ tung ra con số khủng khiếp hơn, thừa 600.000 tấn. Cho đến giờ phút này, chúng tôi cho xuất 270.000 tấn, xuất một nửa đã không đủ. Vụ tới, có lẽ họ sẽ còn vống lên thành 1 triệu không biết chừng. Năm 2010 chúng ta thiếu đường, đến tháng 12.2012 còn thiếu đường sản xuất, các con số hiệp hội đưa ra không chính xác.
Cái thứ hai, hiệp hội còn “doạ dẫm” sẽ bỏ mua mía của dân. Thực tế là gì, sản xuất đường từ mía và từ đường thô là hai công nghệ tương đối khác nhau, chỉ có sử dụng một phần nào đấy dây chuyền công nghệ giống nhau. Đường Biên Hoà có đặc thù, khi làm ra không có đường nguyên liệu, chủ yếu sản xuất đường thô thôi, đó là điểm hiệp hội nói không đúng.
Điểm thứ ba, hiệp hội nói con đường đi qua cửa khẩu Bản Vược sang Trung Quốc là con đường duy nhất, nếu bây giờ HAGL chen vào thì không còn cửa nữa. Thực tế không đúng thế. Tôi là người theo dõi, từ tháng 3 đến tháng 12 tôi cấp 270.000 tấn đường được phép đi qua cửa khẩu Bản Vược, hôm nay chỉ xuất được 120.000 tấn. Có hai lý do. Có những thời điểm Trung Quốc cấm biên, điều đó đúng, nhưng hiệp hội chỉ nhìn vào việc đó thôi. Lý do thứ hai là doanh nghiệp xuất khẩu đường biên không mua được đường của các nhà máy, vì không có. Cái đó họ lại lờ đi.
Vậy là yêu cầu của hiệp hội Mía đường mang tính tư duy bảo hộ?
Đương nhiên. Nếu lật lại báo chí trong tám năm gần đây, có hiện tượng hiệp hội Mía đường luôn luôn nói hai giọng. Khi nào vào vụ mía, bắt đầu vào vụ đường thì ông kêu “ôi giời ôi nhanh nhanh bán, đường thừa nhiều lắm, buôn lậu nhiều lắm”, để cố gắng đẩy ra thật sớm. Nhưng đến khi nào vào cuối vụ thì ông lại nói khác, giọng ông lại khác, ông đẩy giá lên. Không có hiệp hội nào như hiệp hội Mía đường.
Tức là hiệp hội không phải xuất phát từ lợi của người nông dân?
Tất nhiên không hoàn toàn, nhưng phần lớn xuất phát từ lợi ích của họ. Đây chính là lợi ích nhóm. Nhiều khi chỉ vài ông doanh nghiệp với nhau cũng thành lợi ích nhóm. Ở đây tôi không khẳng định cái gì cả, trường hợp đường HAGL cần cân nhắc thật kỹ, các bộ thận trọng là đúng thôi.
Ông đánh giá cạnh tranh trong các doanh nghiệp mía đường thế nào?
Nói chung, tôi khẳng định tất cả các con cưng đều hư, chiều quá thì hư. Doanh nghiệp nhà nước chiều lắm cũng hư.
Vừa qua, công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã đề nghị được nhập 30.000 tấn đường thô từ Lào về Việt Nam, tinh luyện rồi tái xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu phụ Bản Vược (Lào Cai). Tuy nhiên, hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã lên tiếng phản đối, cho rằng việc làm này sẽ khiến 40 nhà máy đường trong nước cùng hàng triệu nông dân trồng mía bị ảnh hưởng do mất đi thị trường tiêu thụ.VSSA còn gửi công văn đến Thủ tướng Chính phủ đề nghị không cho nhập. Đại diện HAGL lập luận, sở dĩ họ có lợi thế giá thành thấp hơn là nhờ chi phí sản xuất mía, chỉ bằng 1/3 so với giá mía trong nước. Đại diện bộ Công thương cho rằng việc nhập đường của HAGL sẽ không ảnh hưởng đến thị trường. Một số ý kiến khác cho rằng ngành đường cần “xem lại mình”, khi Việt Nam đang mở rộng thị trường với bên ngoài, cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Trước tình hình còn nhiều tranh cãi, bộ Công thương được Chính phủ giao xin ý kiến các bộ ngành liên quan rồi mới quyết định HAGL có được phép nhập đường hay không. |
>>Hoàng Anh Gia Lai không thuộc đối tượng phân giao hạn ngạch nhập khẩu đường
Theo Việt Anh