Vì sao bóng đá Trung Quốc lại 'bét bảng' thế giới?
Có thể ngẩng đầu tự hào với thế giới về mảng 'bóng nhỏ', nhưng còn 'bóng lớn' thì vô cùng lép vế.
- 12-06-2014Bóng đá: Chơi đẹp nhưng làm ăn bẩn?
- 09-05-201420 CLB bóng đá giàu nhất hành tinh
- 05-05-2014Khoe của và chơi ngông như các siêu sao bóng đá
- 28-09-2013Khi doanh nhân làm bóng đá
Xưa nay hễ nhắc đến Trung Quốc, người ta luôn nghĩ đến hai chữ "đồ sộ", từ dân số, kiến trúc, cung điện cho tới cái bát ăn mì cũng "đồ sộ" hơn người. Nhưng có một thứ xem chừng là ngoại lệ: bóng đá nam.
Thật vậy, quốc gia tỉ dân này chỉ đứng thứ 103 trong xếp hạng của FIFA, thấp hơn cả Guinea Xích Đạo của Tây Phi. Mùa World Cup năm nay, Trung Quốc đã bị loại ngay từ "vòng gửi xe". Vậy người hâm mộ bóng đá Trung Quốc sẽ cảm thấy thế nào? Một nhà báo bóng đá ở Thạch Gia Trang, Trung Quốc nói: "Nếu Trung Quốc mà vào World Cup thì luật bóng đá chắc phải viết lại".
Có nhiều nguyên nhân giải thích cho tình trạng bi đát của bóng đá nam Trung Quốc (bóng đá nữ thì lại rất khá). Ở những mảnh đất như Brazil, trẻ em lớn lên với trái bóng trên bàn chân, nhưng Trung Quốc thì ngược lại. Nơi đây không có truyền thống yêu bóng đá từ thưở nhỏ, cho dù một số người yêu nước còn khẳng định như đinh đóng cột rằng thực chất bóng đá được bắt nguồn từ Trung Quốc mới phải. Chẳng có một hệ thống giải đấu nào cho trẻ em như ở Hoa Kỳ bởi sau khi tan buổi học ở trường, trẻ em Trung Quốc lại phải về nhà... học tiếp.
Điều đó cũng không ngăn được hàng triệu người Trung Quốc thưởng thức môn thể thao vua này, ít nhất là với tư cách khán giả. Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vốn cũng là một fan bóng đá mà ai cũng công nhận.
Trung Quốc cũng có giải bóng đá nội địa nhưng nạn đút lót, dàn xếp tỉ số ở đây lùm xùm đến nỗi FIFA trông vẫn còn "trong sạch" chán. Cùng sự hỗ trợ của các tỉ phú Trung Quốc, nước này cũng có những nỗ lực nhằm chuyên nghiệp hóa các giải đấu, nhưng có lẽ đây là chuyện của về sau.
Năm 2002 là lần duy nhất Trung Quốc lọt vào chung kết World Cup. Trong những trận đấu quốc tế năm vừa rồi, Trung Quốc còn bại trận dưới những đội chủ yếu toàn cầu thủ trẻ như Uzbekistan, Iraq và Thái Lan. Và trận thua với Thái Lan khiến người hâm mộ bóng đá Trung Quốc phải cáu điên.
Bắc Kinh đặt nhiều trông đợi vinh dự quốc tế vào thể thao. Thành công của Trung Quốc là nhờ vào những môn thể thao động tác như bắn súng, bơi lặn và thể dục dụng cụ, nhưng nước này cũng đã gặt hái được thành công trong những môn thể thao đối kháng không thể đoán trước. Riêng bóng đá nam thì đi ngược lại nỗ lực của cả quốc gia.
Thật vậy, các quan chức thể thao nước này than thở rằng Trung Quốc chỉ thống trị ở mảng "bóng nhỏ" như quần vợt, cầu lông, còn mảng "bóng lớn" thì không. Bên Trung Quốc chia làm hai ban thể thao mang tên "Tiểu Cầu" (bóng nhỏ) và "Đại Cầu" (bóng lớn).
Nếu như hiện nay Qatar vẫn chưa thoát khỏi cái bóng của vụ bê bối lớn nhất FIFA và mất cơ hội tổ chức World Cup 2022, thì sau đó một quốc gia châu Á khác có thể giành vị trí hoặc đấu thầu được quyền đăng cai World Cup tiếp theo.
Một số người Trung Quốc cho rằng việc đăng cai World Cup sẽ là chất xúc tác cho nền bóng đá nước nhà nhưng cũng không ít người phản đối. Lưu Y Phàm, giám đốc điều hành công ty thể thao Y Phàm Bắc Kinh lại cho ý kiến: "Chúng ta nên dùng số tiền đó để cải thiện đời sống người dân, nhất là người nghèo".
>> Vì sao thế giới ngày càng ghét Trung Quốc?
Thùy An