MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị xã gần cảng biển, sân bay phấn đấu sang năm lên thành phố, "rót" hơn 11.000 tỷ đồng đầu tư cho hạ tầng

Thị xã này gần cảng biển quốc tế Lạch Huyện, sân bay Cát Bi, sân bay Vân Đồn nên có không gian phát triển rộng lớn, có tính liên kết mạnh.

Thị xã gần cảng biển, sân bay phấn đấu sang năm lên thành phố,

Quảng Yên là một đô thị ven biển phía Tây Nam của tỉnh Quảng Ninh; giáp với TP Hải Phòng, và các thành phố trong tỉnh là Hạ Long, Uông Bí, gần cảng biển quốc tế Lạch Huyện, sân bay Cát Bi, sân bay Vân Đồn nên có không gian phát triển rộng lớn, có tính liên kết mạnh.

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023, Quảng Yên sẽ là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Ninh trước năm 2025. Trong đó, xây dựng, phát triển Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của Tuyến phía Tây tỉnh và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Những năm gần đây, Quảng Yên đã có nhiều kết quả tích cực về thu hút đầu tư. Năm 2023, thị xã phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh trong công tác xúc tiến đầu tư, thu hút được 29 dự án đầu tư thứ cấp mới với tổng vốn đầu tư khoảng 1,582 tỷ USD. 

Hiện nay, TX Quảng Yên đang ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các công trình giao thông trọng điểm để tạo sức hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) và hoàn thiện hạ tầng giao thông, phấn đấu đưa Quảng Yên trở thành thành phố vào năm 2025, đạt đô thị loại II trước năm 2030.

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Ninh, dự án đường nối cầu Bến Rừng có tổng mức đầu tư gần 360 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh được khởi công từ tháng 5/2023. Dự án có quy mô đường dài 2,2km, điểm đầu nối với cầu Bến Rừng, điểm cuối nối với nút giao tỉnh lộ 338, đoạn qua xã Sông Khoai (TX Quảng Yên). Đường được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng với 6 làn xe, trong đó có 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe hỗn hợp cùng hệ thống dải phân cách, vỉa hè, cảnh quan cây xanh, điệu chiếu sáng. Ngay sau khi cầu Bến Rừng nối Quảng Ninh - Hải Phòng hợp long ngày 31/1/2024, các đơn vị thi công đường nối cầu Bến Rừng (địa bàn tỉnh Quảng Ninh) đã tập trung đẩy nhanh tiến độ các hạng mục.

Đến hết tháng 2/2024, hạng mục đường thi công K95 đạt 0,8/2,18km; đã thi công 5/10 cống các loại, đạt 50% khối lượng; hoàn thành một phần nền đường để tận dụng làm đường công vụ thông dọc tuyến được 1,3km. Hiện nay, nhà thầu đang tập trung xử lý nền đất yếu. Đối với hạng mục nút giao nối với tỉnh lộ 338 đã triển khai thi công đắp nền đường các tuyến nhánh, hạng mục cống hộp. Chủ đầu tư cũng đã phối hợp chặt chẽ với TX Quảng Yên, các cơ quan liên quan để tập trung giải quyết vướng mắc về mặt bằng, báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo bố trí nguồn vật liệu đất đắp, phấn đấu đảm bảo tiến độ theo đúng kế hoạch đã đề ra. Chủ đầu tư phấn đấu trong quý II/2024 hoàn thành dự án này.

Dự án đưa vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh Quảng Ninh và TP Hải Phòng trong việc đáp ứng mục tiêu nâng cao năng lực phục vụ về giao thông, kiến tạo hệ thống kết nối giao thông liên vùng. Đặc biệt, dự án kết nối đồng bộ với tuyến đường ven sông sẽ đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải giữa các KCN, CCN và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, phát huy dư địa đất đai giữa hai khu vực, mở rộng không gian phát triển mới, phát triển du lịch.

Cùng với việc đầu tư Dự án đường nối cầu Bến Rừng, hiện nay trên địa bàn TX Quảng Yên đang triển khai nhiều dự án trọng điểm, như: Nút giao Hạ Long Xanh; nút giao Đầm Nhà Mạc; đường ven sông kết nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến TX Đông Triều. Trong 3 năm gần đây, thị xã tập trung nguồn lực và tranh thủ nguồn vốn tỉnh hỗ trợ để cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 331B; đường tỉnh 338 kéo dài; đường nối đường tỉnh 331 với đường tỉnh 338; đường nối từ nút giao Chợ Rộc đến nút giao Phong Hải...

Để tiếp tục tạo đột phá về hạ tầng giao thông, hiện TX Quảng Yên lập Đề án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Theo Đề án, tổng các công trình hạ tầng giao thông đường bộ đề xuất đầu tư đến hết năm 2030 là 118 công trình. Trong đó, giai đoạn 2024-2025 có 42 công trình, giai đoạn 2026-2030 có 76 công trình (các dự án giao thông đường bộ và các dự án cảng, bến, luồng lạch). Tổng nhu cầu vốn đầu tư là hơn 11.000 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ năm 2024 đến năm 2030.

Nhã Mi

An ninh Tiền tệ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên