Sư cô Liên Thanh - Ngày khoác blouse trắng, đêm mặc áo cà sa
Với gương mặt phúc hậu, ban ngày thì khoác áo blouse trắng, ban đêm lại khoác áo cà sa của vị chân tu đắc đạo, nhưng, dù mặc áo gì chăng nữa thì "cô tiên" ấy chỉ làm việc nhân nghĩa ở đời.
Em bé mồ côi dưới làn mưa đạn
Chuyện kể rằng cách đây hơn 40 năm về trước, một sư cô đi hành khất, trong lúc di tản dưới làn mưa đạn nơi một vùng chiến tranh ác liệt của miền Trung bèn ghé vào trú tại một ngôi miếu hoang ở Quảng Trị. Chợt có tiếng khóc của một em bé từ xa vọng lại. Sư cô đã đến cứu em bé mới vài tháng tuổi. Dứt bom đạn, vị sư cô bồng theo em bé đi hỏi khắp nơi mong tìm được người thân thích, thế nhưng giữa thời loạn lạc chiến tranh, ai nấy đều lắc đầu không biết.
Em bé được mang về chùa để chăm sóc đồng thời đặt tên là Nguyễn Thị Kim Anh. Từ đó, lưu lạc ở đâu, sư cô cũng bồng theo em bé và nuôi dưỡng em bằng những lẽ sống đạo đức và tấm lòng bao dung rộng mở với cuộc đời. Sư cô đã giảng về đạo, về đời, về thế nào là bể khổ, bi ai cùng hành thiện và nhiều triết lý nhà Phật sâu xa khác vào tâm hồn em bé Kim Anh. Em bé Kim Anh đó sau này trở thành một sư cô, tức sư cô Thích nữ Liên Thanh ngày nay. Sư cô thông minh, học thành tài và rồi sau đó trở thành một bác sĩ.
Năm 2010 sư cô vào khoảng 43 tuổi. Đến bây giờ sư cô cũng không hề biết rõ họ tên, ngày tháng năm sinh thật của mình. Còn về quê quán thì cũng chỉ nhớ mang máng là Thái Bình.
Vượt khổ học giỏi để giúp đời
Sư cô tâm sự là bà học được nhiều điều nhân ái trong đạo và nhiều triết lý nhà Phật sâu xa đã khắc sâu vào tâm hồn bà. Bà tự nhủ sẽ làm điều gì đó thật có ý nghĩa để không phụ lòng những người đã cứu mạng bà và nuôi dưỡng, cho bà cuộc sống. Bởi thế, trong những ngày ấu thơ, dù theo chân thầy hành đạo khắp nơi, việc học hành gặp nhiều cản trở, nhưng bà vẫn gắng học và mơ ước trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho người nghèo khổ và bệnh tật, những người lang thang không nhà, không cửa và không có tiền chạy chữa. Bà đã vượt qua bể khổ, học được cả nghìn thứ trên đời, để rồi tự suy ngẫm và rút ra chân lý rằng nếu bà không có kiến thức thì sẽ không thể giúp được họ.
Sư cô nói việc học hành chủ yếu là học lỏm những người đi trước. Hồi bà thi đậu vào lớp 10 cũng là lúc sư thầy của bà nhận trụ trì chùa Trụ Yên ở một huyện ngoại thành TP. HCM nên bà có cơ hội được theo học chính quy. Để đến trường, bà phải đi xe đạp 30km, mang theo mấy cuốn sách cũ, ít cơm nguội cùng muối vừng... Cực khổ là thế, nhưng năm nào bà cũng đạt danh vị học sinh giỏi. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, bà thi đậu vào Khoa Tim mạch, Trường Đại học Y khoa TP. HCM với số điểm rất cao. Sau 7 năm trời bà tốt nghiệp đại học và được nhận về công tác ở Khoa Tim mạch, bệnh viện Chợ Rẫy TP. HCM.
Cùng thời điểm đó, bà tốt nghiệp Khoa Sử học Phật giáo, Trường Cao cấp Phật học TP. HCM. Bên cạnh đó bà lấy thêm hai bằng thạc sĩ (Master) là thạc sĩ xã hội học và thạc sĩ sử học Phật giáo.
Là một trong những sinh viên xuất sắc nhất của Đại học Y dược TP. HCM nên bà vinh dự được nhận học bổng sang Nhật Bản du học. Thế nhưng, cô sinh viên trẻ đã khiến cho thầy cô, bạn bè không khỏi thán phục bởi lối suy nghĩ rất tiến bộ lúc bấy giờ. Bà đã quyết định từ chối đi du học, ở lại và học tập tại Việt Nam. Dẫu đã gần 20 năm trôi qua, dường như, bà vẫn không thay đổi suy nghĩ: "Nếu sang Nhật Bản học và làm việc thì tất cả chất xám, kiến thức mình học được đều chỉ để phục vụ cho nước bạn. Khi đó, sẽ không còn cơ hội để trở về xây dựng quê hương, mang kiến thức và tâm đức để giúp đời".
Không phụ lòng mong mỏi của thầy cô, bạn bè, khi đang tiếp tục theo học tại Đại học Y dược TP. HCM, bà là 1 trong 5 sinh viên xuất sắc được nhận học bổng của Nhật Bản. Với tư chất thông minh, bà đã tận dụng số tiền học bổng để mua một đồn điền cà phê tại địa bàn tỉnh Đắk Nông với niềm tin: “Những cây cà phê sau một thời gian được chăm bón sẽ đơm hoa, kết trái. Thành quả đó có thể chuyển hoá được thành những viên thuốc quý để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo không có tiền chữa bệnh sau này.”
Bỏ phố lên rừng, tích cực cứu thế
Có trong tay nhiều bằng cấp như thế, nhiều người nghĩ bà sẽ có vị trí làm việc cao trong xã hội nhưng bà lại xin chính quyền lên vùng sâu, vùng xa lập nghiệp. Duy chỉ có thầy trụ trì chùa Trụ Yên là không nói gì, có lẽ thầy trụ trì đã hiểu tâm ý sâu xa của bà là một người ngộ đạo.
Vào đúng thời điểm đó, tỉnh Bình Dương có chính sách kêu gọi nhân tài khắp nơi về phục vụ tỉnh. Sư cô Liên Thanh tâm sự là nếu vẫn làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì sẽ chỉ phục vụ được một số đối tượng nhất định đến bệnh viện mà thôi. Chính vì vậy, sư cô đã “bỏ phố lên rừng”, làm đơn xin về chùa Long Bửu, một ngôi chùa nằm hẻo lánh bên những cánh rừng cao su hun hút gió. Chùa được xây dựng khá lâu, thiếu người trông coi nên bị xuống cấp nghiêm trọng, hoang vắng và rêu phong dột nát.
Với quyết tâm, sư cô Liên Thanh đã thành lập một Phòng khám bệnh đa khoa từ thiện trên khuôn viên chùa Long Bửu để chữa bệnh miễn phí. Bước đầu gặp vô vàn khó khăn, thiếu tiền bạc, thuốc men, nhưng người dân cảm mến nên đã cùng bà gây dựng một phòng khám dành cho người nghèo trong chùa. Sau đó cơ sở gồm 5 khu vực: Tây y (gồm các khoa nội, ngoại, tổng quát, tim mạch, sản, tai - mũi - họng, vật lý trị liệu...); Xét nghiệm (chẩn đoán); Đông y; Dinh dưỡng (bếp ăn tình thương) và An dưỡng (dành cho chư tôn đức tăng ni.)
Với gương mặt phúc hậu, ban ngày thì khoác áo blouse trắng, ban đêm lại khoác áo cà sa của vị chân tu đắc đạo, nhưng, dù mặc áo gì chăng nữa thì "cô tiên" ấy chỉ làm việc nhân nghĩa ở đời tại một bệnh viện, mà nói đúng hơn là ngôi chùa mới phải... Sư cô tâm sự là có hạnh nguyện đem sở học của mình để chăm sóc sức khỏe cho người nghèo, làm một chiến sĩ từ thiện xã hội, chữa trị tâm bệnh và thân bệnh cho chúng sinh. Bà nhận thấy, y phương minh (trong ngũ minh) là phương thức thực hành công tác xã hội rất thích hợp với lòng từ bi, là phương cách thể hiện tinh thần cứu thế tích cực của đạo Phật vì chủ trương của đạo Phật là “từ bi hỉ xả.”
(còn nữa)
(Tiêu đề bài viết và tít phụ do BBT CafeBiz đặt).
Theo Tâm Minh Ngô Tằng Giao
Thư viện Hoa sen