Thiền và yoga - Khoản đầu tư sinh lời của doanh nghiệp
(CafeBiz) Trước khi đến với thiền và yoga, Chị Lê Thị Phương mỗi tháng tiêu tốn vài triệu tiền thuốc cho chứng đau khớp...
- 22-02-2013Tại sao thiền & thở 'ăn khách' tại Anh?
- 20-02-2013Thiền có gì hấp dẫn doanh nhân hiện đại?
- 22-01-2013Cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tập ngồi thiền, ăn chay
Song từ khi tập yoga, chị thấy sức khỏe được cải thiện rõ rệt, tinh thần thoải mái, làm việc hiệu quả hơn. Thấy chị say sưa luyện tập, giám đốc Trung tâm AD Yoga đã đích thân đào tạo, kèm cặp chị trở thành giáo viên hướng dẫn bộ môn này.
Chị Phương kể, chị đến với yoga cũng do làm việc quá sức. Say sưa làm cơm văn phòng cho công ty chồng chừng 5 năm, nhận thấy cơ thể căng thẳng quá chị quyết định chuyển sang yoga. Sau khi tập một năm rưỡi ở nhà và 2 năm đi sâu, giờ đây chị trở thành giáo viên hướng dẫn tại trung tâm và sẵn sàng đến các doanh nghiệp, ngân hàng như Vietinbank, Vietcombank vào các buổi trưa hoặc sau giờ làm khi có yêu cầu hướng dẫn chị em nhân viên văn phòng cải thiện sức khỏe và tinh thần.
Thiền cùng yoga có tác dụng gì?
Nhiều người buôn bán nhỏ có lẽ thường vẫn nhìn nhân viên văn phòng bằng cặp mắt ghen tị, bởi văn phòng là nơi làm việc “mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”. Thực tế, văn phòng là môi trường dễ phát sinh nhiều loại bệnh. Đó có thể là bệnh về mắt vì liên tục “dán” vào màn hình; ngồi một tư thế khiến vai, gáy, cổ nhức mỏi; cơ thể không được vận động. Nhưng đáng nói hơn là các bệnh tâm thần như trầm cảm, stress gây ra bởi áp lực công việc, tâm lý,…
Tập yoga giúp khởi động, làm mềm dẻo và linh hoạt các khớp. Tập thể dục với nhiều tư thế mất sức nhiều hơn. Yoga ít mất sức nhưng lại đi sâu vào bên trong kết hợp với hít thở. “Khi hít vào nín thở, thở ra nín thở sẽ kích hoạt năng lượng vào cơ thể của mình. Bình thường hít thở rất ít, trong yoga ta hít sâu, thở chậm, cơ thể có nhiều năng lượng, cơ thể cảm thấy dễ chịu, sảng khoái”, chị Phương giải thích tại sao dân văn phòng những năm gần đây chuộng yoga.
Chị Lê Thị Phương, giáo viên Trung tâm AD Yoga: "Yoga rèn luyện thể chất, tinh thần và một chút về tâm linh vì có phần thiền trong đó”
Theo quan sát của chị Phương, tập yoga còn giúp cơ thể trẻ lại. “Có người 60-70 tuổi nhìn như 40-50. Nhiều ca sỹ, diễn viên đi sâu vào yoga kết hợp chế độ ăn ít đạm, nhiều hoa quả và giàu vitamin trẻ lâu, tinh thần vui tươi, minh mẫn. Những em bé hiếu động, tự kỷ đi vào yoga khác hẳn. Yoga rèn luyện thể chất, tinh thần và một chút về tâm linh vì có phần thiền trong đó”, chị cho biết.
Bổ sung thiền vào yoga giúp thu rút tâm trí từ xa về gần. Ví dụ khi nhắm mắt đầu óc ta vẫn lởn vởn với bộn bề công việc, vậy thì thiền giúp loại bỏ điều này, giúp tĩnh tâm hơn. Cho nên trước khi tập yoga bao giờ cũng có thiền 5 phút giúp việc tập luyện hiệu quả hơn. Thiền tập thể giúp mọi người nâng cao ý thức tâm linh. Họ cảm thấy muốn gì gần như toại nguyện.
Tập thế nào cho đúng?
Để có sức khỏe tốt ta nên tập hàng ngày, đúng ra tập được mỗi ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối là tốt nhất. Cần tập lúc đói hoặc sau khi ăn từ 2,5 đến 3 tiếng. Thời gian tập luyện tốt nhất là 1 tiếng 15 phút. Mọi người cần học qua lớp cơ bản, sau đó có thể tập ở nhà qua giáo trình hướng dẫn, băng đĩa. Còn nếu chưa tập bao giờ không nên tự tập ở nhà vì các tư thế làm không chuẩn sẽ bị sai lệch.
Trong tập yoga có 4 bước: khởi động, thực hành, xoa bóp và cuối cùng là thư giãn. “Phải tuân thủ đủ 4 bước không được bỏ qua một bước nào. Nếu không khởi động thì chắc chắn sẽ xảy ra sự cố trong khi tập. Phải làm mềm dẻo các khớp nếu không dễ xảy ra sự cố, gãy xương bất cứ chỗ nào yếu”, chị Phương dặn thêm.
Khởi động ở tư thế ngồi khi tập.
Khi tập xong phải xoa bóp nhằm kích thích các đầu dây thần kinh, thư giãn giúp trút bỏ những bức xúc căng thẳng, xả bỏ từ bên trong và bên ngoài, thân tâm trở nên trong sáng hơn. Thức ăn tốt nhất để có sức khỏe vừa về thể xác vừa về tinh thần là thức ăn thực vật. Người tập yoga nên ăn ít thịt, chủ yếu ăn rau củ quả, đậu, ngũ cốc, sữa và các sản phẩm từ sữa, ít rau thơm và gia vị nhẹ.
Thiền và yoga được áp dụng phổ biến tại các nước phát triển. Hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước đã đưa liệu pháp này vào công ty nhằm cải thiện không khí làm việc, qua đó tăng năng suất và hiệu quả công việc. Hầu hết những chương trình đều dựa trên sự tình nguyện của nhân viên.
Thoạt nhìn, sự đầu tư đó tưởng là sẽ gánh thêm một khoản phí nhưng thực ra hoạt động này đã góp phần giảm chi phí doanh nghiệp. Từ đó, tình trạng căng thẳng công việc dẫn đến ốm đau, nghỉ việc hoặc làm việc kém chất lượng; tiền bảo hiểm sức khỏe cũng giảm đáng kể. Tuy nhiên, công việc của các nhà quản lý là lên tinh thần, chỉ ra tác dụng lâu dài của liệu pháp thiền cùng yoga để nhân viên hiểu rõ và tích cực tham gia.
Diệp Vi