Thiết bị điện tử chiếm 40% giá trị ôtô
Những chiếc ôtô ngày nay sử dụng hệ thống máy tính để vận hành với nhiều thiết bị điện tử, góp phần lớn trong cơ cấu giá của xe.
- 07-05-2020Cuộc đua giảm giá tiếp tục sôi động, nhiều mẫu ô tô xuống thấp chưa từng có
- 04-05-2020Sản xuất ô tô tại Thái Lan lao đao vì dịch bệnh, xe nhập về Việt Nam có thể bị ảnh hưởng
- 04-05-2020Đầu mùa, dưa lê, dưa bở bán đầy quốc lộ, giá chỉ 20-35 ngàn đồng/kg hút khách đi đường dừng lại mua cả xe ô tô
Khó có thể phủ nhận những bước tiến đối với ôtô hiện nay, chúng mang lại sự thực dụng, an toàn và cho cảm giác thoải mái hơn so với nhiều năm trước đây. Tất cả lợi ích đó có được nhờ vào các thiết bị điện tử và hệ thống máy tính trên xe, nhưng về cơ bản lại khiến giá thành của một chiếc xe tăng lên đáng kể.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi công ty kiểm toán và tư vấn Deloitte, các thiết bị điện tử hiện chiếm tới 40% giá trị ôtô, chúng xuất hiện ở khắp nơi trong một chiếc xe. Để tìm ra con số này, không cần thiết phải nghiên cứu trên những mẫu xe chứa đầy công nghệ như Tesla, mà chỉ cần nhìn ngay ở những ôtô phổ thông, đang dần được trang bị nhiều hệ thống và tính năng hơn.
Khoang nội thất với hàng tá công nghệ của BMW Series 7.
Khoang nội thất ngày càng có nhiều thiết bị điện tử. 15 năm trước, chưa đầy 20% số ôtô trên thị trường được trang bị hệ thống ổn định thân xe nhưng hiện tính năng này đã được "phổ cập" đến hầu hết các mẫu ôtô du lịch.
Điều tương tự cũng xảy ra với các hệ thống kiểm soát hành trình, đèn pha tự động, mở cốp điện,... Về phần động cơ, bộ phận mang tính cơ khí này cũng ngày càng đi kèm với nhiều thiết bị điện tử và máy tính, giúp giảm mức tiêu thụ nhiên liệu, quản lý hệ thống truyền động Hybrid hoặc khởi động và dừng xe tạm thời. Thậm chí, Volkswagen trước đây đã tận dụng sức mạnh công nghệ để gian lận mức khí thải cho các ôtô Diesel.
Deloitte cũng bổ sung, các thiết bị điện tử chiếm khoảng 18% giá trị ôtô vào năm 2000, 27% vào năm 2010 và dự kiến sẽ tăng tới 45% trong năm 2030.
Dù nhiều người không thích và cho rằng các thiết bị điện tử quá phức tạp, gây khó khăn và tốn kém khi sửa chữa, nhưng không thể phủ nhận độ an toàn mà chúng mang lại, điển hình như Autopilot của Tesla, giúp giảm đáng kể nguy cơ tai nạn.
Tuy vậy, khi công nghệ càng phát triển sẽ càng có nhiều vấn đề xảy ra, các thiết bị điện tử trên ôtô hoàn toàn có thể là một nguồn khai thác thông tin người dùng như những chiếc điện thoại hiện nay. Gần đây, một hacker mũ trắng đã phát hiện dữ liệu cá nhân vẫn được lưu trữ trong hệ thống máy tính tích hợp của xe Tesla, điều này khiến mối lo ngại về an toàn thông tin hiển hiện rõ ràng hơn bao giờ hết.
Tiền phong