Thiết lập mức giá kỷ lục, vốn hóa Vinamilk vượt ngưỡng 7,5 tỷ USD
Đà tăng mạnh của VNM thời gian gần đây liên quan khá nhiều tới câu chuyện nới room cho nhà đầu tư nước ngoài.
- 22-03-2016Bà Mai Kiều Liên lần đầu "mua" cổ phiếu Vinamilk kể từ khi niêm yết
- 11-03-2016Công bố rút khỏi 7 ngành nghề, Vinamilk dọn đường nới room
- 25-02-201613 cổ đông ngoại "quyền lực" nhất kiểm soát 1/4 số cổ phần của Vinamilk
Phiên giao dịch 7/4 khép lại với việc chỉ số VnIndex tăng 3,81 điểm (0,67%) lên 571,6 điểm. Đóng góp quan trọng vào phiên tăng mạnh của thị trường hôm nay phải kể đến Vinamilk (VNM) khi cổ phiếu này tăng 4.000 đồng (2,9%) lên 141.000 đồng, đây cũng là mức giá cao nhất mà VNM đạt được kể từ khi niêm yết tới nay (đã điều chỉnh).
Tại mức giá hiện nay, vốn hóa thị trường của Vinamilk đạt 169.220 tỷ đồng, tương đương 7,5 tỷ USD và đây cũng là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên TTCK Việt Nam.
Trong phiên giao dịch hôm nay, VNM đã đóng góp tới 3,47 điểm cho chỉ số VnIndex. Cổ phiếu đứng thứ 2 về mức độ đóng góp cho VnIndex là GAS với 1,51 điểm.
Đà tăng mạnh của VNM thời gian gần đây liên quan khá nhiều tới câu chuyện nới room cho nhà đầu tư nước ngoài. Tối 4/4 vừa qua, VNM đã chính thức công bố quyết định rút 7 ngành, nghề kinh doanh và điều chỉnh 2 ngành nghề, đây là tiền đề cho việc tiến hành nới room của doanh nghiệp.
Năm 2015, doanh thu thuần của Vinamilk đạt 40.080 tỷ đồng, LNST 7.773 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 15% và 18% so với cùng kỳ năm trước. EPS năm 2015 tương ứng 5.837 đồng.
Với thị giá 141.000 đồng, VNM đang giao dịch với P/E 24,16 lần, cao gấp đôi P/E của VnIndex.
Hệ số P/E được tính bằng cách lấy Price (giá) chia cho EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần)- là một trong những chỉ số phân tích quan trọng, quyết định việc lựa chọn cổ phiếu của nhà đầu tư.
Hệ số P/E thấp mang ý nghĩa như sau:
-Giá cổ phiếu đang thấp và có khả năng tăng lên
-Lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) đang ở mức cao
Diễn biến giao dịch VNM kể từ khi niêm yết
Trí Thức Trẻ