MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Thiếu lao động chất lượng cao thì làm sao 'đại bàng' công nghệ hạ cánh, đẻ trứng vàng'

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Khải, Việt Nam đứng trước cơ hội lớn khi nâng cấp mối quan hệ với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, dù có thiện chí, đầu tư nhà xưởng, hạ tầng thế nào nhưng nếu chưa "lót ổ" là lao động chất lượng cao thì "đại bàng" công nghệ khó có thể hạ cánh và đẻ trứng vàng.

Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm nay và dự kiến kế hoạch cho năm 2024. Trong đó, vấn đề về chỉ tiêu tăng năng suất lao động được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm bởi đây là năm thứ 3 liên tiếp "cháy" chỉ tiêu này.

Phát biểu, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đánh giá cao kết quả đạt được trong 9 tháng, nhưng còn 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt kế hoạch, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động. Lo ngại tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đang có xu hướng giảm và thấp hơn mức bình quân của giai đoạn trước, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá bổ sung, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Văn Khải, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho biết, thời gian qua, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã đạt được kết quả nhất định. Chất lượng lao động được cải thiện, từ mức 4,3%/năm ở giai đoạn 2011-2015, và tăng 6%/năm ở giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, thực trạng nguồn lao động sau nửa nhiệm kỳ thực hiện còn nhiều tồn tại hạn chế.

'Thiếu lao động chất lượng cao thì làm sao 'đại bàng' công nghệ hạ cánh, đẻ trứng vàng' - Ảnh 1.

Đại biểu Trần Văn Khải, đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam. Ảnh: Quốc hội.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, chưa có chuyển biến rõ nét, chưa thực sự là động lực, đột phá để phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu ngành nghề được đào tạo chưa bám sát nhu cầu thị trường, nhất là lao động trong các ngành kinh tế mới, thiếu nhân lực trong ngành kinh tế mũi nhọn, ngành phục vụ kinh tế số.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đánh giá, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 chỉ bằng 12,2% mức năng suất lao động của Singapore, bằng 24,4% Hàn Quốc, bằng 58,9% Trung Quốc, bằng 63,9% Thái Lan và bằng 94,2% Philippines. Còn Tổ chức Năng suất châu Á (APO) đánh giá, năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu so với Nhật Bản 60 năm, Malaysia 40 năm và Thái Lan 10 năm.

Bên cạnh đó, báo cáo mới nhất của Bộ KH&ĐT cho biết, riêng lĩnh vực chip, bán dẫn dự báo cần đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn giai đoạn 2025-2030. Điều này cho thấy sự "khát" nguồn nhân lực chất lượng cao.

Vị ĐBQH tỉnh Hà Nam băn khoăn khi nước ta sẽ làm gì để phát triển nguồn nhân lực và tăng năng suất lao động cho bước đi tiếp theo, ngay trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2023-2025.

Phân tích thêm, đại biểu đánh giá, khi quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ được nâng cấp sẽ mở ra cơ hội lớn cho ngành sản xuất quan trọng, sản phẩm cốt lõi của công nghệ cao như chất bán dẫn, chip kim loại hiếm... Song, đại biểu cho rằng, dù chúng ta có thiện chí đến đâu, đầu tư nhà xưởng, hạ tầng thế nào nhưng nếu chưa "lót ổ" là lao động chất lượng cao, chuyên sâu, chuyển đổi năng suất lao động thì làm sao "đại bàng" công nghệ có thể hạ cánh và đẻ trứng vàng.

Theo đại biểu, trong tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Hoa Kỳ, các bên đã ghi nhận Việt Nam là quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn và ủng hộ sự phát triển hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Đây là thời cơ cho một Việt Nam khác biệt và thịnh vượng.

Trước thực trạng nêu trên, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần phân tích, làm rõ hơn nữa thực trạng, khó khăn, nguyên nhân, trách nhiệm và đề xuất giải pháp cụ thể, khả thi trong việc phát triển nhân lực chất lượng cao, cải thiện năng suất lao động. Đồng thời, Quốc hội cần sớm có giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về lao động, phát triển nguồn lực lao động, năng suất lao động. Từ đó, ban hành nghị quyết chuyên đề của Quốc hội, ban hành chính sách đặc thù, đột phá.

Theo Vũ Phạm

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên