MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thiếu “nhạc trưởng”, doanh nghiệp FDI thâu tóm ngành chăn nuôi

Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong tháng 1-2018 đạt 336 triệu USD, tăng 48,02% so với tháng trước và tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả năm 2017 là 3,2 tỉ USD. Như vậy các doanh nghiệp nhập khẩu bình quân gần 267 triệu USD/tháng.

Cơ bản ngăn chặn vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi Phát hiện một số doanh nghiệp dùng hóa chất làm tăng độ đạm trong thức ăn chăn nuôi

Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi tăng “nóng”, trong nước lại thiếu vai trò chủ đạo của một “nhạc trưởng” nên các trang trại chăn nuôi lợn nhỏ lẻ đang ngày càng thu hẹp, còn các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thì ngày càng mở rộng quy mô sản xuất...

Mỗi ngày, TP Hồ Chí Minh tiêu thụ khoảng 8.000 – 10.000 con lợn, trong đó chiếm phần lớn là lợn ở ngoại tỉnh, có “xuất xứ” từ Đồng Nai. Trong những ngày cuối năm 2017, người chăn nuôi khấp khởi mừng thầm vì sau thời gian dài được “giải cứu”, giá lợn hơi đã được cải thiện đáng kể, đỉnh điểm tăng đến mức 33.000 đồng/kg.

Thiếu “nhạc trưởng”, doanh nghiệp FDI thâu tóm ngành chăn nuôi - Ảnh 1.
Giá thịt lợn liên tục sụt giảm khiến ngành chăn nuôi trong nước lao đao.

Tuy nhiên, niềm vui ấy chưa được bao lâu thì giá lợn hơi đã lao xuống mức thấp, chỉ còn từ 27.000 – 29.000 đồng/kg, trong khi giá lợn xuất chuồng khoảng 30.000 đồng/kg, người nuôi nhỏ lẻ vẫn bị lỗ. Đáng lo ngại, mức giá này đã duy trì sang những ngày đầu năm 2018.

Ông Vũ Văn Tiến, chủ trang trại 500 con lợn thịt tại huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai so sánh: “Dịp Tết, giá 1kg khổ qua 80.000 đồng nhưng cũng với số tiền đó thì người tiêu dùng mua đến hơn 2kg thịt lợn. Cũng chính vì giá thịt lợn lao dốc mạnh như vậy mà trước Tết, thương lái đặt cọc mua 80 con lợn của trang trại tôi nhưng sau đó họ chỉ bắt 50 con, bỏ 30 con vì càng bán càng lỗ”.

Theo ông Tiến, trong Tết, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng mạnh nhưng giá lợn hơi “lao dốc” thì sau Tết khó tăng trở lại do nhu cầu sử dụng thịt lợn sau Tết giảm mạnh. Cũng với những tâm tư giống như ông Tiến, nhiều hộ chăn nuôi lợn ở Đồng Nai cũng không được vui do lợn bán lỗ, các chi phí (như cám, thuốc thú y...) buộc phải thanh toán cho các chủ nợ.

“Trước đây, do thiếu vốn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cầm cố sổ đỏ cho ngân hàng để vay tiền. Tuy nhiên, khoảng hai năm nay, giá lợn hơi phập phồng giảm giá nhiều hơn tăng giá khiến người chăn nuôi liên tục bị thua lỗ. Những hộ không còn khả năng đeo bám thì đành phải treo chuồng. Những hộ muốn duy trì chăn nuôi thì không còn cầm sổ đỏ nữa mà đã chuyển sang bán hết đất đai để trả nợ. Số hộ chống chọi được với nghề hiện còn rất ít”, một hộ chăn nuôi ở Đồng Nai cho biết.

Để cầm cự trong thời gian khó khăn này, người chăn nuôi đã cắt giảm bớt những công đoạn làm tăng thêm chi phí. Cụ thể, với mặt hàng cám làm thức ăn chăn nuôi, bà con đã liên hệ trực tiếp với các công ty cung cấp cám để lấy hàng tận gốc, cắt bỏ khâu trung gian.

Lý giải về việc giá thịt lợn giảm mạnh, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, khi xảy ra tình trạng khủng hoảng giá vào đầu năm 2017, nếu các đơn vị chăn nuôi chủ động thực hiện việc giảm đàn thì đã cân đối được cung - cầu và giá cả hợp lý, không xảy ra tình trạng dội hàng, giảm giá như trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua.

Tại Đồng Nai, tổng đàn lợn trong năm 2015 có 1,6 triệu con, năm 2016 có 1,7 triệu con và được thị trường Trung Quốc tiêu thụ rất mạnh. Đến cuối năm 2017, mặc dù các cơ quan chức năng kêu gọi các đơn vị chăn nuôi phải giảm đàn, để tránh xảy ra khủng hoảng thừa nhưng tổng đàn lợn tại Đồng Nai vẫn còn khoảng 2 triệu con.

Theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, có đến 50% trang trại nhỏ lẻ tự đóng cửa, bỏ nghề do ngành chăn nuôi khó khăn liên tiếp nhiều năm qua.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do người chăn nuôi nhỏ lẻ tự “bơi” là chính, không có “nhạc trưởng” để dẫn đầu và quản lý đối với ngành chăn nuôi rất chồng chéo. Thực tế hiện nay cho thấy, với ngành chăn nuôi lợn thì phần lớn các hộ chăn nuôi, trang trại nhỏ... bị sụp đổ. Còn những DN lớn với tiềm lực tài chính dồi dào không bị ảnh hưởng nhiều.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, 2 năm qua, ngành chăn nuôi Việt Nam tăng trưởng tốt, song chủ yếu là nhờ vào sự tăng trưởng của khối DN FDI. Khi giá lợn hơi “lao dốc”, người nuôi nhỏ lẻ bị lỗ nhưng các trang trại quy mô lớn, nhất là các DN DFI không bị lỗ hoặc lỗ không đáng kể do có chuỗi sản xuất khép kín từ đầu vào đến đầu ra nên cắt giảm được các chi phí và giá thành thấp.

Với giá lợn hơi như hiện nay, nhiều người lo ngại, nếu tình hình không được cải thiện thì chỉ cần vài tháng nữa, các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ “chết” hoặc chuyển sang chăn nuôi thuê cho các DN FDI, hay nói cách khác, ngành chăn nuôi trong nước phần lớn rơi vào tay của các DN FDI. Điển hình như công ty CP, ban đầu chỉ đầu tư cám, sau đó mở rộng quy mô chăn nuôi lợn, gà và đến thời điểm hiện nay thì nhà nhà, người người đầu tư trang trại chăn nuôi thuê cho DN FDI này.

Để phát triển ngành chăn nuôi trong nước tránh rơi vào tay của các DN FDI, ông Nguyễn Trí Công cho rằng, các hộ chăn nuôi không thể tiếp tục duy trì việc phát triển nhỏ lẻ như trong thời gian qua. Để chăn nuôi phát triển được thì cần phải chủ động nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, chế biến cho sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, cần xác định rõ vai trò “nhạc trưởng” trong hoạt động chăn nuôi để có kế hoạch phát triển cụ thể, điều phối cung – cầu thị trường.

Theo T.Hà - T.Giang

Công an nhân dân

Trở lên trên