Thịt lợn... xuống và lên
Từ đầu tháng 8.2018 trở lại đây giá lợn hơi và giá thịt lợn đang “leo dốc” với mức kỷ lục.
- 03-10-2018Thị trường cuối năm không lo thiếu thịt lợn
- 20-09-2018Tạm dừng nhập khẩu thịt lợn từ Ba Lan và Hungary
- 18-09-2018Lợn nội dư thừa, vẫn nhập trên 3.263 tấn thịt lợn ngoại mỗi tháng
Còn nhớ, vào thời điểm “đại khủng hoảng” thừa thịt lợn năm 2017, giá lợn hơi có nơi giảm sâu thảm hại xuống chỉ còn 15.000-17.000 đồng/kg thì đầu tháng 8.2018, giá lợn hơi có lúc tăng đến 57.000 đồng/kg. Giá thịt lợn theo đó cũng tăng cao gấp 2 lần so với thời kỳ khủng hoảng thừa của khoảng một năm về trước.
Còn nhớ vào tháng 4.2017, ngay thời điểm cuối tháng cận dịp nghỉ lễ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ động đến làm việc với Samsung Việt Nam đề nghị doanh nghiệp này tăng cường sử dụng thịt lợn vào các bữa ăn của công nhân để góp phần “giải cứu” cho các hộ chăn nuôi. Năm 2017, thị trường thịt lợn được đánh dấu là một năm khủng hoảng thừa, người nuôi thất bát vì phải giải phóng bằng mọi giá đối với các đàn lợn quá lứa bị ứ đọng tại chuồng trại.
Thế nhưng oái oăm, năm trước phải “giải cứu” cho tình trạng thừa, thì năm sau 2018 này có lẽ sắp phải “giải cứu” cho tình trạng khan, thiếu thịt lợn trên thị trường. Hai nguyên nhân lớn được cho khiến giá thịt lợn tăng cao như hiện nay là vì các đàn lợn chưa phục hồi kịp sau năm 2017 do phải bán tháo và số lượng đàn nuôi mới giảm mạnh; cùng đó là nguồn thịt lợn nhập khẩu từ nước ngoài đang khan hàng. Cung không đủ cho cầu thì giá thịt lợn tăng cao là điều tất yếu.
Cho dù phải “giải cứu” cho người nuôi lợn hay người tiêu dùng thì cũng cho thấy thị trường đang có những bất ổn. Bây giờ các đàn lợn nuôi muốn hồi phục về số lượng cũng cần có thời gian. Vấn đề đặt ra là các chiến dịch “giải cứu” cho người chăn nuôi lợn trong năm 2017 có lường trước được hệ lụy cực đoan vào năm sau là tình trạng khan hiếm.
Người dân chăn nuôi lợn chủ yếu là tự phát, chính vì thế rất cần đến sự điều tiết, điều phối trong tầm nhìn quy hoạch dài hạn cũng như các tính toán về nhu cầu ngắn hạn và trung hạn của thị trường của cơ quan quản lý ngành, từ đó kết nối với các hộ dân và doanh nghiệp chăn nuôi để cùng giải bài toán cung - cầu cho năm sau. Nếu không tính đến bài toán này thì thị trường năm sau rất dễ rơi vào khủng hoảng thiếu. Trên thực tế, bộ mặt của cuộc khủng hoảng thiếu đang dần lộ ngày càng rõ và càng lúc càng bào mòn hầu bao các bà nội trợ. Vậy liệu có hay không đặt ra một cuộc “giải cứu” tình trạng thiếu thịt lợn hiện nay?
Lao động