Thỏa thuận lãi suất rút tiền gửi trước hạn: Lợi thì có lợi…
Nhiều người gửi tiền đang khá quan tâm đến Dự thảo về việc áp dụng lãi suất rút tiền gửi trước hạn tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài…
- 23-10-2021Người gửi tiền lưu ý: Rút tiền gửi trước hạn theo quy định mới có thể lợi hơn quy định cũ, nhưng muốn được lợi nhiều hơn hãy lưu ý mẹo dưới đây
- 22-10-2021Quy định mới về rút tiền gửi trước hạn: Người gửi tiền lợi hay thiệt hơn so với trước?
- 21-10-2021Người gửi tiền lưu ý: Quy định mới về lãi suất rút trước hạn tiền gửi tại ngân hàng
Đây là Dự thảo mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến, dự kiến thay thế cho Thông tư số 04/2011/TT-NHNN ngày 10/03/2011 Quy định áp dụng lãi suất trong trường hợp tổ chức, cá nhân rút tiền gửi trước hạn tại tổ chức tín dụng (TCTD) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là các ngân hàng).
Thỏa thuận lãi suất rút tiền gửi trước hạn theo quy định mới có thể mang đến lợi ích cho người gửi tiền (ảnh: Giao dịch tại Kienlongbank)
Liên quan đến các điểm mới nổi bật của Dự thảo so với Thông tư 04 khi quy định cụ thể về việc rút tiền gửi trước hạn gồm rút một phần hoặc rút toàn bộ tiền gửi trước ngày đến hạn và lãi suất áp dụng đối với phần tiền gửi rút trước hạn, lãi suất áp dụng đối với phần tiền gửi còn lại, không ít người gửi tiền đã bày tỏ mối quan tâm bao giờ Dự thảo này được áp dụng; cũng như căn cứ trên thực tế thì liệu việc họ được đàm phán, thỏa thuận lãi suất với ngân hàng ra sao.
Theo quy định tại Thông tư 04, nhiều ngân hàng không cho phép khách hàng được rút tiền gửi trước hạn một phần. Nếu khách hàng có nhu cầu sẽ phải rút toàn bộ và chịu lãi suất không kỳ hạn. Nhưng thực tế để đáp ứng nhu cầu có vốn linh hoạt nhưng vẫn "giữ sổ, giữ tài khoản tiền gửi" khi kỳ tất toán còn một thời gian, khách không mất toàn bộ lãi suất tiền gửi đã gửi thời gian qua, một số TCTD tạo thuận lợi bằng cách cho cầm cố sổ tiết kiệm hoặc tài khoản tiền gửi để vay mới bằng một khoản có giá trị tương đương hoặc thấp hơn giá trị ghi trên sổ tiết kiệm/ tài khoản tiền gửi. Ghi nhận của DĐDN cho thấy hầu hết các khoản vay dạng này đều theo kỳ hạn ngắn (tùy thuộc thời gian còn lại chờ đến kỳ tất toán trên sổ tiết kiệm), được ưu đãi với lãi suất vay thấp nhất mà ngân hàng đang áp dụng tại kỳ hạn đó.
Chị Nguyễn Hồng Anh, một khách hàng của ngân hàng N. tại TP HCM cho biết, thực tế không ít ngân hàng phê duyệt mục đích khoản vay cầm cố sổ tiết kiệm rất chặt chẽ. Ví dụ như khi chị cầm cố sổ tiết kiệm để vay lại khoản đó nhằm mục đích mua nhà, thì có ngân hàng sẽ không giải ngân cho tài khoản người vay, mà bắt buộc giải ngân thẳng vào tài khoản bên thứ ba được ghi rõ trong hợp đồng tín dụng, kèm hợp đồng đặt cọc, hợp đồng mua bán nhà. "Có ngân hàng giải thích đây là do quy định chặt của cấp quản lý để tránh các trường hợp gửi tiết kiệm rồi "rút ruột" làm giảm thực chất nguồn vốn huy động của ngân hàng đi đầu tư mục đích khác; cũng là giải pháp quản lý dòng tiền vay. Nhưng nói chung là khá… cách rách về mặt thủ tục, điều đó khiến khách hàng sẽ gặp phiền phức hơn so với việc chấp nhận chịu chi phí chuyển đổi vốn đầu tư từ tiết kiệm sang loại hình khác khi có nhu cầu".
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia Tài chính, mặc dù quy định mới tại Dự thảo cho phép khách hàng yên tâm hơn khi được linh hoạt rút tiền một phần và thỏa thuận lãi suất với ngân hàng, song quyền thỏa thuận lãi suất ghi chung chung "thấp hơn hoặc bằng lãi suất khoản gửi ban đầu" và cơ bản sẽ thuộc về TCTD ấn định. Do đó, "nếu NHNN không quy định mức "sàn" thấp của thỏa thuận thì khách hàng vẫn sẽ là người chịu thiệt hoặc "nắm đằng chuôi" nếu muốn được rút tiền và vẫn giữ được phần nào lãi suất của phần tiền còn gửi lại", chuyên gia nói.
Dù vậy, quy định mới đang lấy ý kiến để áp dụng này nhìn chung, vẫn được đánh giá là có thể tạo không gian để giúp các TCTD linh hoạt hơn trong xây dựng các sản phẩm dịch vụ, tiền gửi đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền; quan trọng không kém là giữ chân người gửi tiền trong bối cảnh xu hướng gửi tiền không kỳ hạn (CASA) tăng mạnh tại nhiều ngân hàng và trên toàn hệ thống do tính linh hoạt khi rút tiền, dễ dàng chuyển đổi mục đích sử dụng, đầu tư.
"CASA tăng mạnh một mặt giúp các ngân hàng có nguồn vốn giá rẻ để kinh doanh và góp sức cải thiện biên lợi nhuận, song bên cạnh đó, một mặt cũng cho thấy người gửi tiền chuộng sự linh hoạt trong sử dụng vốn, đặc biệt trong bối cảnh có thể dịch chuyển tiết kiệm ra khỏi ngân hàng để đầu tư chứng khoán, bất động sản, hoặc thậm chí rút tiền thanh toán, chi dùng. Trên tổng thể, xu thế tiền gửi tiết kiệm dân cư sụt giảm mạnh cũng cho thấy nếu không có giải pháp để phát triển các sản phẩm huy động vốn, các TCTD có thể sẽ ngày càng không bắt kịp được nhu cầu thị trường hiện tại và tương lai", ông Hoàn đánh giá.
Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối tháng 7/2021, tiền gửi của người dân, tăng nhẹ so với tháng trước đó nhưng là mức tăng thấp nhất trong gần 1 thập niên trở lại đây. Đến tháng 8/2021, tiền gửi khu vực dân cư vào hệ thống ngân hàng tiếp tục sụt giảm thêm 1.000 tỷ đồng so với cuối tháng 7 và như vậy đã có 2 tháng liên tiếp người dân không tăng gửi tiền vào hệ thống. Thống kê dài hơi theo đó từ tháng 3 đến tháng 8, tiền gửi của dân cư tăng trưởng rất thấp, không có tháng nào tăng trên 0,5%, thậm chí có những tháng tăng trưởng âm. Điều này phản ánh khó khăn của khu vực dân cư trong đợt COVID-19 lần thứ 4 và mặt khác cũng phản ánh sự kém hấp dẫn của lãi suất huy động ở mặt bằng thấp. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp tạm thời tăng tỷ lệ gửi tiền mặt được cho cũng do COVID-19 nên không có cơ hội làm ăn.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định, định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, NHNN sẽ tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất như hiện tại, không đặt vấn đề hạ lãi suất đầu vào và sẽ hết sức thận trọng với chính sách nới lỏng tiền tệ. Theo đó, lãi suất huy động về mức "đáy của đáy" và thấp nhất trong khu vực mà Việt Nam đã thiết lập từ 2020 cho đến nay, cũng được giới chuyên môn dự đoán khó có thể điều chỉnh giảm sâu thêm nếu vẫn muốn giữ lực hút huy động vốn cho các nhà băng từ thị trường 1.
Diễn đàn doanh nghiệp