MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thỏa thuận NAFTA mới có tạo ra cú hích lịch sử cho nền kinh tế Mỹ?

05-10-2018 - 17:09 PM | Tài chính quốc tế

Thỏa thuận NAFTA mới, có tên gọi USMCA được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều thay đổi với nền kinh tế Mỹ và giúp ông Trump ghi điểm với cử tri.

Cách đây không lâu, Tổng thống Donald Trump gần như rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (gọi tắt là NAFTA). Nhưng bây giờ ông đã thay thế Hiệp định này bằng một thỏa thuận khác mà ông cho là “thỏa thuận tốt nhất trong mọi thời đại lịch sử của nước Mỹ”.

Thỏa thuận NAFTA mới có tạo ra cú hích lịch sử cho nền kinh tế Mỹ? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Reuters.

Ngày 1/10, chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố Canada sẽ tham gia thỏa thuận mới mà Mỹ và Mexico đã đàm phán xong. Kết quả là thỏa thuận 3 bên mới về hợp tác kinh tế và trao đổi thương mại với tên gọi Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada, viết tắt là USMCA ra đời. Thỏa thuận này vẫn giữ lại nội dung quan trọng nhất của NAFTA là miễn thuế với hầu như tất cả các loại hàng hóa . Với USMCA, cả ba nước Mỹ-Mexico-Canada giờ đây có thể tạm thời tránh được những bất đồng về thương mại. Phần lớn các điều khoản của thỏa thuận này phải đến năm 2020 mới có hiệu lực vì cần Quốc hội cả ba nước phê chuẩn.

Thắng lợi của ông Trump

Với USMCA, có thể nói Tổng thống Donald Trump đã đạt được chiến thắng lớn sau khi giải quyết được cuộc khủng hoảng do chính ông tạo ra. Nhà lãnh đạo Mỹ chủ trương xóa sổ thỏa thuận NAFTA thì hiện giờ ông đã thực hiện được mục tiêu của mình, đó là có một thỏa thuận khác thay thế. Hơn nữa, ông cũng đã có được sự nhượng bộ cần thiết của cả Canada và Mexico. Xét đến những khía cạnh vừa nêu, thì đây đúng là “thỏa thuận tuyệt vời cho tất cả mọi người”, theo nhận xét của Tổng thống Donald Trump.

Mặc dù USMCA không phải là một cuộc cách mạng thương mại tổng thể như Tổng thống Donald Trump từng cam kết, nhưng thỏa thuận này sẽ tạo ra những thay đổi đáng kể để hiện đại hóa các quy tắc về thương mại có hiệu lực từ năm 1994 đến năm 2020 và mang lại một số lợi ích cho nông dân Mỹ cũng như công nhân trong ngành sản xuất ô tô.

Điều khiến Tổng thống Donald Trump cảm thấy hài lòng là thỏa thuận mới sẽ đưa công ăn việc làm trong ngành sản xuất ô tô từ Mexico về Mỹ. Một khi thỏa thuận được thực thi, để được hưởng ưu đãi thuế 0%, ô tô hay xe tải phải có 40% phụ tùng được sản xuất bởi những xưởng sản xuất có công nhân nhận mức lương tối thiểu là 16 USD/giờ, tức là gấp 7 lần mức lương của công nhân Mexico. Điều khoản này chủ yếu nhằm ngăn chặn các tập đoàn ô tô toàn cầu xây dựng nhà máy lắp ráp ở Mexico để tận dụng nhân công giá rẻ, rồi xuất khẩu ô tô sang Mỹ. Ước tính số lượng ô tô và xe tải hạng nhẹ mà Mỹ nhập khẩu nhiều hơn số lượng các sản phẩm này được bán ra trên các thị trường Canada và Mexico, vì thế các nhà máy hoặc công ty có thể ưa thích đặt cơ sở sản xuất tại Mỹ hơn, và do đó tạo công ăn việc làm cho người dân Mỹ. Tuy nhiên, điều khoản này sẽ kéo theo hệ lụy là gia tăng chi phí sản xuất trong ngành công nghiệp ô tô.

USMCA có kỳ hạn 16 năm và sẽ được xem xét lại 6 năm một lần. Đây là một điều khoản mang tính thỏa hiệp cho thấy Tổng thống Trump muốn mở ra khả năng tái đàm phán thỏa thuận thường xuyên. Nhiều khả năng USMCA sẽ được ra soát lại sau khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ.

Ngoài ra, cũng có nhiều lý do khác để Tổng thống Donald Trump cảm thấy tự hào. Thỏa thuận USMCA sẽ giúp mở rộng thị trường sữa của Canada cho nông dân Mỹ và kéo dài thời gian bảo vệ bản quyền của các công ty dược phẩm Mỹ. Đây vốn là mục tiêu lâu dài của nước Mỹ. Bên cạnh đó, thỏa thuận cũng giúp gia tăng lượng hàng hóa Mỹ xuất khẩu sang Canada hoặc Mexico mà không phải chịu các loại thuế hoặc chịu các thủ tục rườm rà. Điều này sẽ có lợi cho các nhà xuất khẩu Mỹ.

Với những lợi thế nêu trên, thỏa thuận này sẽ giúp Tổng thống Trump cũng như Đảng Cộng hòa của ông lấy lại uy tín đối với cử tri trong bối cảnh sắp diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

Nhược điểm của thỏa thuận

Đối với những thương nhân già dặn kinh nghiệm như Tổng thống Donald Trump, thì thỏa thuận USMCA vẫn không tránh khỏi những hạn chế. Khi chi phí sản xuất ô tô gia tăng, các nhà sản xuất ô tô tại 3 nước Mỹ, Mexico và Canada sẽ nhận thấy khó khăn hơn để cạnh tranh với các nhà sản xuất ở Châu Á và Châu Âu. Nhiều nhà sản xuất Mexico sẽ đánh mất thị phần, trong khi các nhà sản xuất phụ tùng ô tô của Mỹ cũng chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Trong bất cứ trường hợp nào, các thỏa thuận thương mại thường không được đánh giá qua cách chúng bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa tốt như thế nào, mà ở cách chúng phục vụ người dân như thế nào, nhìn về mặt tổng thể. Dựa trên thước đo này, nhiều nhà phân tích cho rằng USMCA thậm chí còn tồi tệ hơn Hiệp định NAFTA mà nó thay thế.

Việc mở rộng thị trường sữa tại Canada đối với nông dân Mỹ rất đáng hoan nghênh nhưng không thấm vào đâu so với chi phí tăng cao và năng suất sản xuất thấp hơn trong ngành công nghiệp ô tô. Canada chi tiêu 11 tỷ USD vào các sản phẩm sữa trong năm 2017, trong khi Mỹ chi tiêu 498 tỷ USD vào ô tô và các phụ kiện ô tô. Về mặt này thì rõ USMCA đang thua xa so với Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ rút khỏi vào năm 2017. Bởi TPP hiện đại hóa các quy tắc về thương mại trong ngành công nghiệp kỹ thuật số và dịch vụ tài chính mà không làm ảnh hưởng tới ngành công nghiệp ô tô.

Tuy vậy, các nhà thương mại tự do vẫn có thể nhìn thấy được sự tươi sáng từ thực tế rằng, để đạt được thỏa thuận USMCA, Mỹ đã sẵn lòng thỏa hiệp với Canada, đó là chấp nhận giữ nguyên cơ chế giải quyết tranh chấp như trong NAFTA theo quan điểm của Canada.

Điều này cũng làm gia tăng hy vọng về khả năng ông Trump sẽ đạt được một thỏa thuận trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng, bởi Canada là đồng minh của Mỹ, trong khi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn. Việc thuyết phục Trung Quốc từ bỏ mô hình kinh tế của nước này là nhiệm vụ khó khăn hơn nhiều so với tái đàm phán NAFTA. Hơn nữa Trung Quốc cũng phụ thuộc ít hơn vào việc xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ so với Canada hay Mexico nên ông Trump cũng có ít ưu thế hơn khi buộc Trung Quốc nhượng bộ, thậm chí ngay cả khi USMCA dọn đường cho các nước phương Tây thực hiện những biện pháp cứng rắn đối với Trung Quốc. Trước đó, phương Tây từng nhiều lần chỉ trích các hoạt động thương mại của Trung Quốc.

Theo Economist


Theo Hồng Anh

VOV

Trở lên trên