MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời bancassurance “ế”, ngân hàng làm gì để đảm bảo lợi nhuận?

15-04-2023 - 20:26 PM | Tài chính - ngân hàng

Thời bancassurance “ế”, ngân hàng làm gì để đảm bảo lợi nhuận?

Bancassurance từ lâu vốn là một con gà đẻ trứng vàng mang về lượng phí dịch vụ khổng lồ cho các nhà băng. Tuy nhiên, các sóng gió trên thị trường bảo hiểm vừa qua đã buộc các nhà băng phải thay đổi.

Theo số liệu từ báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán, hoạt động bancassurance đang chiếm khoảng 40-60% thu nhập dịch vụ của các nhà băng này. Do đó, khi thị trường bảo hiểm có những chuyển biến kém tích cực như vừa qua, các ngân hàng đã buộc phải thay đổi để thích nghi.

Tại đại hội cổ đông NH TMCP Á Châu (ACB) ngày 13/4, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ngân hàng cho biết, khi thị trường Bancassurance có những khó khăn, ngân hàng đã chuyển sang đẩy mạnh hoạt động thẻ tín dụng.

“Khi thị trường banca có khó khăn. Chúng tôi đã chọn phát triển nguồn thu từ thẻ tín dụng. Trong đó, riêng mảng thẻ tín dụng quốc tế tăng trưởng 78% trong khi toàn ngành đang vào khoảng 34%. Chúng tôi hiện đang chiếm 8,1% thẻ tín dụng quốc tế tại Việt Nam. Đây là một nguồn thu rất lớn”, ông Phát chia sẻ.

Ngoài ra, đại hội cổ đông ACB cũng đã quyết định bổ sung 2 nghiệp vụ 1) cung ứng sản phẩm phái sinh hàng hóa và  2) Ngân hàng giám sát (bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán) vào giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và điều lệ ngân hàng.

Tổng giám đốc ngân hàng này giải thích, nghiệp vụ phái sinh giá cả hàng hóa không quá xa lạ với thị trường quốc tế. Hiện cũng đã có một số ngân hàng trong nước thực hiện. Hoạt động ngân hàng giám sát cũng khá phổ biến trong nước và quốc tế. ACB đã ký kết độc quyền nghiệp vụ này với Sunlife Việt Nam, Thời gian tới, ngân hàng kỳ vọng sẽ đóng vai trò giám sát tình hình tài chính, dòng tiền của nhiều doanh nghiệp nữa. 2 nghiệp vụ này cũng sẽ đem lại không ít thu nhập ngoài lãi cho ngân hàng.

ACB có đề xuất đưa vào 2 nghiệp vụ phái sinh hàng hóa và ngân hàng giám sát. Đây là một chiến lược tăng trưởng thu nhập dịch vụ nhằm giảm tỷ trọng thu nhập từ lãi vay”, ông Phát đánh giá.

Tại đại hội cổ đông VIB hồi giữa tháng 3 vừa qua, cổ đông của nhà băng này cũng đã yêu cầu ban lãnh đạo ngân hàng đánh giá những biến động trên thị trường bancassurance sẽ ảnh hưởng thế nào đến ngân hàng.

Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng trả lời, đối với hoạt động bancassurance, VIB tuy tham gia sau, nhưng trong 4 năm vừa qua ngân hàng liên tục đứng top 3 thị trường và từng có 2-3 năm ở vị trí top 1. Mô hình vận hành và suất trên mỗi chi nhánh đều rất tốt.

“Hoạt động bảo hiểm có bị ảnh hưởng nhẹ trong năm 2022, do các vấn đề trái phiếu và một số ngân hàng bán bảo hiểm không chính xác. Các đối tác bảo hiểm của VIB như Prudential hiện nay rất quan tâm việc đưa khái niệm bancas đúng nghĩa đến người dân. Đây là một sản phẩm rất quan trọng ở các nước phát triển. Mức độ gia hạn hợp đồng bancas ở nước ngoài hiện lên đến 85%-95%, ở Việt Nam mới chỉ khoảng 40-60%. Hoạt động này năm 2022 ở VIB vẫn tăng trưởng 8% số lượng bán ra bất chấp tình hình tiêu cực của thị trường. VIB và Prudential đã có những tư vấn rất tốt và có cân bằng giữa bancass và khách hàng vay”, ông Vỹ đánh giá.

Ngoài ra, VIB cũng đang định hướng bán bảo hiểm cho các khoản vay của khách hàng để đề phòng trường hợp có những bất trắc xảy ra, vẫn có bảo hiểm bảo vệ.

“Hiện tại, VIB đang đàm phán với Prudential để gia hạn hợp đồng. VIB và Prudential có cam kết sử dụng các khoản tiền từ bancassurance này để mang lại lợi ích lớn nhất cho khách hàng không chỉ ở bảo hiểm khoản vay mà còn bảo hiểm đầu tư. Với vai trò là người đi trước về phương pháp và khẳng định vị trí số 1 thì hoạt động bancas năm 2023 VIB vẫn đang rất tốt”, ông Vỹ đánh giá.

Tại hội thảo “Hợp tác giữa Bảo hiểm - Ngân hàng: Thực trạng và vướng mắc cần tháo gỡ” do báo Tiền Phong tổ chức ngày 14/04 vừa qua, chuyên gia kinh tế, TS.Cấn Văn Lực có chỉ ra 3 nguyên nhân chính dẫn đến những biến tướng trong hoạt động bảo hiểm nói chung và bancassurance nói riêng như vừa qua. Cụ thể đó là 1) doanh nghiệp bảo hiểm đi chệch hướng, 2) pháp luật chưa nghiêm với bên mua và cả bên bán, 3) Chất lượng tư vấn viên chưa tốt và không ít người còn phải chịu áp lực doanh số.

Theo đó, chuyên gia kiến nghị cần chuẩn hóa hợp đồng bảo hiểm; các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp bảo hiểm cần rà soát lại cơ chế, chính sách, quy trình, chuẩn hóa hơn nữa đội ngũ tư vấn.

Ngoài ra, báo chí cần tuyên truyền nhiều hơn nữa để người dân cũng như thế hệ trẻ hiểu biết nhiều hơn về kiến thức về tài chính, bảo hiểm. Chính phủ cần có thêm các chương trình giáo dục về tài chính ở chương trình giáo dục phổ thông.

“Cuối cùng, tôi kiến nghị với người dân: Khi tham gia mua sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, mọi thứ đã khá rõ ràng và chúng ta không nhất thiết phải đọc thuộc lòng, chỉ cần nắm những điều khoản cơ bản. Với sản phẩm bảo hiểm liên kết, nếu không hiểu biết và không chắc chắn, không yên tâm thì không nhất thiết phải tham ra sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư”, TS.Lực khuyến nghị.

Chuyên gia cũng cho rằng thị trường bảo hiểm tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Vì quy mô bảo hiểm mới chiếm 1,9% GDP trong khi ở Thái Lan chiếm 3,2%, thế giới chiếm 5,7%... Tuy nhiên, cần xây dựng thị trường phát triển an toàn và bền vững.

Văn Tuệ

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên