Bộ Tài chính yêu cầu rà soát, chấn chỉnh hoạt động bảo hiểm
Lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ rà soát lại quy trình bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ.
- 15-04-2023Bảo hiểm là kênh phòng ngừa rủi ro, không phải lĩnh vực đầu tư?
- 14-04-2023Chuyên gia nói gì về bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng?
- 13-04-2023NSƯT Kim Tử Long tiết lộ lý do mất hàng trăm triệu đồng khi mua bảo hiểm
Bộ Tài chính vừa đã có Thông báo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ tại cuộc họp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm , Hiệp hội bảo hiểm và một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính ngày 12/4 liên quan đến nội dung truyền thông, báo chí đưa tin về vấn đề tư vấn hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trong thời gian qua.
Theo đó, lãnh đạo Bộ Tài chính chỉ đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ rà soát lại quy trình bán sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, có giải pháp xử lý kịp thời các phát sinh vướng mắc trong quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng, hạn chế tình trạng nhân viên, đại lý tư vấn thiếu trung thực với khách hàng tham gia bảo hiểm.
Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cũng cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện các quy định và quy trình, thủ tục đảm bảo rõ ràng, minh bạch để bảo vệ quyền lợi của khách hàng, quản lý chất lượng đại lý trong quá trình tư vấn và ký kết hợp đồng bảo hiểm tại các văn bản quy phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.
Đối với nhóm vấn đề liên quan đến các yêu cầu, khiếu nại, tố cáo của khách hàng khi tham gia BHNT, Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cần xây dựng quy trình xử lý đối với các thông tin phản ánh liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi, cung cấp và xử lý các thông tin tiếp nhận qua các kênh thông tin phản ánh trực tiếp, đơn thư, đường dây nóng; đồng thời tổ chức thanh tra, kiểm tra theo chức năng và nhiệm vụ được giao.
Tại toạ đàm “Hợp tác giữa Bảo hiểm - Ngân hàng: Thực trạng và vướng mắc cần tháo gỡ” do Báo Tiền Phong và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam vừa tổ chức, bà Phạm Thu Phương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm cho biết, sau khoảng gần 30 năm hình thành và phát triển, thị trường bảo hiểm nhân thọ đến nay đã có 19 doanh nghiệp, cung cấp hơn 500 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe. Quyền lợi bảo hiểm cũng được mở rộng hơn, ngoài các quyền lợi bảo vệ còn có các quyền lợi về đầu tư, tích lũy, đảm bảo cho người tham gia bảo hiểm yên tâm hưởng thụ cuộc sống và dự phòng các kế hoạch tài chính cho tương lai.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã có gần 14 triệu hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 900.000 đại lý, người lao động, trong năm 2022, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đầu tư trở lại nền kinh tế hơn 616.000 tỷ đồng, số tiền bảo hiểm chi trả cho khách hàng lên tới 42.561 tỷ đồng.
Trước đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có công văn gửi các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm, đánh giá chất lượng tư vấn của đại lý BH; đồng thời, yêu cầu nghiêm túc xử lý trách nhiệm của đại lý bảo hiểm trong trường hợp vi phạm.
Tiền phong