MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Thổi bay” 65 ngọn đồi để xây dựng “tàu sân bay” lơ lửng giữa trời, đường băng siêu hẹp trên độ cao gần 700 mét thách thức mọi phi công: Trung Quốc lại khiến thế giới ngỡ ngàng

08-02-2024 - 07:24 AM | Tài chính quốc tế

Sân bay độc đáo này khiến nhiều hành khách “toát mồ hôi” bởi địa hình quá hiểm trở.

Kế hoạch xây dựng

Thành phố Hà Trì, nằm ở giáp ranh với Quý Châu, là nơi sở hữu sân bay cao nhất ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Do nhu cầu phát triển, năm 2002, lãnh đạo thành phố đã tính tới việc xây dựng một sân bay nhằm thúc đẩy kinh tế và du lịch. Tuy nhiên, một vấn đề lớn là vùng này nhiều đồi núi, nhiều vòng cung chia cắt địa hình nên việc lựa chọn địa điểm xây dựng sân bay không hề dễ dàng.

Sau khi tính toán và cân nhắc trong số 23 địa điểm được đề xuất, các chuyên gia nhất trí san phẳng một vùng để xây dựng sân bay trên núi.

Ngày 3/12/2008, Hà Trì đã bắt đầu xây dựng sân bay độc nhất trong khu vực, mất hơn 5 năm mới hoàn thành. Tổng vốn đầu tư khoảng 850 triệu nhân dân tệ (khoảng 2.800 tỷ đồng), chính thức thông tuyến vào ngày 28/8/2014 ở Hà Trì, quận Kim Thành Giang, nên được gọi là "Sân bay Kim Thành Giang Quảng Tây Hà Trì". Sân bay này nằm trên đỉnh núi có độ cao 677 mét, cách khu đô thị 40 km.

Nhà ga Sân bay Kim Thành Giang Quảng Tây Hà Trì

Địa điểm được chọn có lợi thế bao gồm nền núi đá phiến, không giống các đoạn khác là địa hình karst (núi đá vôi bị phong hóa). Hơn nữa, khu vực còn gần các tuyến đường thủy, các đoạn đường cao tốc liên kết cũng được xây dựng đồng bộ trong quá trình hình thành sân bay, tạo nên “mạng lưới giao thông 3 chiều”, giúp đa dạng hóa hình thức di chuyển, vận chuyển hàng hóa cũng như giúp khai thông tuyến đường thuận lợi cho du lịch. Trước đây, để tới khu vực, hành khách thường phải đi tàu hỏa từ nửa ngày tới một ngày. Nhưng từ sau khi sân bay hoàn thành, thời gian chỉ còn lại dưới 2 tiếng đồng hồ.

Thành phố Hà Trì, được mệnh danh là quê hương của những người trường thọ ở Trung Quốc, nằm ở biên giới phía Tây Bắc và sát phía Nam của cao nguyên Vân Nam-Quý Châu, thuộc Khu tự trị Choang Quảng Tây, có diện tích 33.500 km2.

Xây sân bay trên đỉnh núi là việc vô cùng khó khăn. Trong quá trình thi công, đội ngũ nhân công đã “thổi bay” 65 ngọn đồi với độ cao khác nhau, lấp đầy 23 khe núi, “cắt” một ngọn núi xuống chỉ còn cao hơn 70 mét.

2/3 diện tích thi công cũng được san phẳng, khiến sân bay trở thành một mặt phẳng nổi bật giữa vùng đồi núi xung quanh. Vì lí do này, sân bay Hà Trì còn được mệnh danh là “sân bay ở rìa vách đá”. Nhìn xuống sân bay từ trên không, sân bay được bao quanh bởi những vách đá và khe núi cao 300 mét. Các hành khách mô tả nơi đây trông giống như "một tàu sân bay đang nghỉ ngơi trên biển", có người còn đặt tên sân bay là “Đường lên bầu trời”.

Hoạt động của sân bay

Theo trang web chính thức của sân bay vào tháng 2/2020, sân bay Hà Trì Kim Thành Giang có diện tích nhà ga là 4.621 mét vuông, chiều dài đường băng 2.200 mét, diện tích sân ga 14.400 mét vuông.

Sân bay này lọt vào danh sách một trong những sân bay sở hữu đường băng hẹp nhất thế giới. Do xây trên núi cao, việc cất cánh – hạ cánh dễ gặp gió lớn, chưa kể khung cảnh đồi núi trùng điệp cũng có khả năng gây ảnh hưởng tâm lý cho phi công, nên sân bay này còn được cho là một trong những sân bay nguy hiểm nhất Trung Quốc.

Sân bay Kim Thành Giang Hà Trì là một sân bay trung chuyển quan trọng ở phía tây bắc Quảng Tây, hoạt động của nó đã giúp thiết lập một "hành lang hàng không" cho Hà Trì.

Từ sân bay có thể dễ dàng thấy khung cảnh đồi núi trùng điệp

Tuy nhiên, do địa hình phức tạp nên có rất ít hành khách tới sân bay. Tới năm 2023, sân bay mới chỉ phục vụ 5 tuyến. Theo người địa phương, mỗi ngày sân bay chỉ đông đúc một lúc, sau khi máy bay cất cánh, nhân viên đóng quầy và… nghỉ luôn.

Trong dịp thấp điểm, máy bay chỉ bay theo từng tuần hoặc mỗi tháng một lần. Thống kê cho thấy trong năm 2021, sân bay chỉ có 13.000 hành khách, tương đương 35 người mỗi ngày.

Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), trong năm 2019, sân bay Hà Trì Kim Thành Giang đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc tổng cộng khoảng 37,94 triệu nhân dân tệ, trực tiếp tạo ra khoảng 73 việc làm tại địa phương.

Tham khảo Sina, Sohu

Tất Đạt

Nhịp sống thị trường

Từ Khóa:
Trở lên trên