Thời cơ của blockchain đã đến, nhưng đa số doanh nghiệp Việt đứng ngoài?
Cùng với việc blockchain đang định hình lại kinh doanh thương mại, nhiều tín hiệu đã chỉ ra các tổ chức đang lo sợ bị tụt hậu khi blockchain ngày một phát triển.
84% lãnh đạo các doanh nghiệp trên thế giới triển khai sáng kiến về blockchain là con số được thống kê lại từ báo cáo của PwC, khảo sát với 600 CEO tại 15 quốc gia và vùng lãnh thổ về sự phát triển và tiềm năng của công nghệ này. Trong đó, 15% doanh nghiệp đã hoàn thành quá trình nêu trên.
Nghiên cứu của PwC cũng chỉ ra nỗi lo sợ của các tổ chức khi blockchain ngày một phát triển, mang theo hàng loạt cơ hội mới cho doanh nghiệp, từ giảm chi phí đến tăng tốc độ, nâng cao minh bạch và mang đến khả năng truy xuát nguồn gốc.
Theo đó, khoảng một phần tư các lãnh đạo doanh nghiệp báo cáo việc đang thí điểm triển khai blockchain (10%) hoặc đã hoàn tất triển khai các ứng dụng (15%). 32% doanh nghiệp đang có dự án đang phát triển và 20% đang trong quá trình nghiên cứu.
Tài chính đang là lĩnh vực mà blockchain đang có nhiều bước tiến mạnh mẽ nhất với 46% người cho biết đây là lĩnh vực dẫn đầu về blockchain và 41% cho rằng lĩnh vực này sẽ dẫn đầu trong tương lai gần (3-5 năm tới). Ngoài ra, các ngành như năng lượng và tiện ích (14%), chăm sóc sức khỏe (14%) và sản xuất công nghiệp (12%) cũng được xem là tiềm năng phát triển lớn trong 3-5 năm tới.
Tuy nhiên, một rào cản lớn được chỉ ra đối với blockchain là vấn đề lòng tin với 45% ý kiến trả lời. Ngoài ra, 48% cho rằng quy định cho blockchain vẫn còn thiếu rõ ràng. Mối lo ngại về sự thiếu rõ ràng trong quy định cao nhất ở Đức (38%), Úc (37%) và Anh (32%).
Việt Nam cũng có tiềm năng rất lớn về blockchain, theo ông Robert Trọng Trần, Lãnh đạo Dịch vụ An ninh mạng và Bảo mật, PwC Việt Nam. Tại Việt Nam cũng đã liên tục diễn ra các sự kiện thảo luận về tầm quan trọng và ứng dụng của blockchain trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh.
Dù vậy, theo một nghiên cứu khác của Navigos Search, sự sẵn sàng của doanh nghiệp Việt với AI, Blockchain vẫn thua xa nước ngoài mà cụ thể, có đến 70% doanh nghiệp đứng ngoài cuộc chơi. Tỷ lệ này được cấu thành bởi những doanh nghiệp có chưa quan tâm hoặc có quan tâm nhưng chưa có điều kiện tham gia vào.
Trong đó, một lý do được nêu ra, tương tự với thế giới, là sự thiếu hụt hành lang pháp lý, sự không rõ ràng đối với hoạt động kinh doanh mới như blockchain (khoảng 9% người trả lời).
Giúp doanh nghiệp có thể áp dụng công nghệ mới, nghiên cứu của PwC đã xác định bốn lĩnh vực chính để tập trung vào sự phát triển của nền tảng blockchain nội tại hoặc áp dụng rộng khắp các ngành công nghiệp.
Thứ nhất là xây dựng đề án kinh doanh. Theo đó, các tổ chức có thể bắt đầu từ những dự án nhỏ, nhưng cần phải nêu rõ mục đích của sáng kiến để những người tham gia khác có thể xác định và căn chỉnh phù hợp với nó.
Thứ hai là xây dựng một hệ sinh thái. Những người tham gia dự án nên đến từ các công ty khác nhau trong một ngành để làm việc trên một bộ quy tắc chung khi quản lý các blockchain. Trong số 15% người trả lời khảo sát cho biết rằng họ đã có ứng dụng trực tiếp từ blockchain, 88% là lãnh đạo hoặc là thành viên tích cực của một hiệp hội blockchain.
Thứ ba là chủ định thiết kế xung quanh những gì người dùng có thể xem và làm. Đối tác cần quy tắc và tiêu chuẩn cho quyền truy cập. Lãnh đạo cần sự tham gia ngay từ đầu của các chuyên gia về rủi ro, bao gồm pháp lý, tuân thủ, an ninh mạng, để đảm bảo cho hành lang pháp lý về blockchain mà các nhà quản lý và người dùng có thể tin tưởng.
Thứ tư là điều hướng việc thiếu rõ ràng trong quy định. Nghiên cứu cảnh báo rằng các nhà phát triển blockchain nên theo dõi nhưng không thể chờ đợi, do các yêu cầu pháp lý sẽ tiếp tục thay đổi và phát triển trong những năm tới. Điều quan trọng là lãnh đạo doanh nghiệp cần phải tham gia với các nhà quản lý để giúp định hình lại phương thức mà môi trường blockchain đang phát triển.