MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thời đại của máy móc tại quỹ đầu tư lớn nhất thế giới BlackRock

03-04-2017 - 12:18 PM | Tài chính quốc tế

BlackRock, quỹ đầu tư lớn nhất trên thế giới, đối mặt với thách thức nặng nề kể từ khi mua lại quỹ đầu tư chỉ số ETF từ Barclays năm 2009.

Những quỹ đầu tư có mức phí rẻ và dựa vào máy tính này đã tăng trưởng một cách đáng kinh ngạc, thậm chí vượt qua cả những nhà đầu tư từng giúp doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn đầu.

Sự trỗi dậy của xu hướng đầu tư thụ động - ETF, quỹ đầu tư chỉ số (index fund) và các mô hình tương tự - đã cách mạng hóa thế giới đầu tư. Phương pháp này mang lại cho các nhà đầu tư cơ hội lớn hơn với mức phí thấp, tạo áp lực lên cả những nhà quản lý tiền lớn nhất của phố Wall.

Chính vì vậy, sau nhiều năm đắn đo, Laurence D. Fink, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của BlackRock, quyết định "liên minh" với máy móc.

Mới đây, BlackRock đặt ra một kế hoạch đầy tham vọng là hợp nhất một số lượng lớn các quỹ tương hỗ chủ động với các quỹ thiên về việc dựa vào các thuật toán và mô hình để chọn cổ phiếu.


Laurence D. Fink, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của BlackRock

Laurence D. Fink, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành của BlackRock

Là một phần của kế hoạch tái cơ cấu, 7 trong số 53 nhà đầu tư cổ phiếu của BlackRock dự kiến sẽ rút khỏi quỹ. Một số nhà quản lý tiền sẽ ở lại với vai trò cố vấn. Ít nhất 36 nhân viên liên quan đến quỹ sẽ rời khỏi công ty.

Theo số liệu do công ty cung cấp, BlackRock - công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới trị giá hơn 5 nghìn tỷ USD - có khoảng 275 tỷ USD trong các sản phẩm chứng khoán quản lý chủ động. Khoảng 200 tỷ USD là ở nhóm quỹ đầu tư chủ động truyền thống, còn lại là 75 tỷ USD trong nhóm quỹ định lượng. Khoảng 6 tỷ USD đang chuyển từ truyền thống sang định lượng trong đợt tái cơ cấu, với các quỹ cổ phiếu vốn hóa lớn của Mỹ đang chứng kiến tác động lớn nhất. Phí cho các quỹ định lượng cũng sẽ thấp xuống, BlackRock cho biết.

Các nhóm quỹ định lượng được thiết kế để tìm cơ hội đầu tư bằng cách khai thác số lượng lớn dữ liệu, chẳng hạn như bài bình luận doanh nghiệp hoặc dữ liệu trực tuyến, và phát triển các danh mục đầu tư từ phân tích đó. Cách này tương tự, nhưng tách biệt với các chiến lược được gọi là "beta thông minh", sử dụng các quy tắc đơn giản hơn để phát triển danh mục đầu tư xung quanh các chiến lược cụ thể, như "giá trị" hoặc "tăng trưởng".

Trong khi BlackRock đang tiến hành dần dần, theo nhiều cách kế hoạch mới chính là một cuộc tấn công trực tiếp vào sự sùng bái các nhà quản lý quỹ tương hỗ “có đầu óc”, được phổ biến trong những năm 1980 và 1990 bởi Peter Lynch, một phù thủy đầu tư cổ phiếu của người khổng lồ Fidelity.

Peter Lynch, phù thủy đầu tư cổ phiếu, tin rằng trí thông minh của một người có thể đánh bại thị trường
Peter Lynch, phù thủy đầu tư cổ phiếu, tin rằng trí thông minh của một người có thể đánh bại thị trường

Ngày nay, các nhà quản lý tài sản như Pimco, Franklin Templeton, Aberdeen và, tất nhiên, Fidelity vẫn khăng khăng rằng các nhà quản lý vốn và trái phiếu của họ có thể đánh bại thị trường và thu phí cao hơn vì lý do đó.

Tuy nhiên, từ năm 2009, khi hoạt động của các quỹ đi xuống, hàng triệu nhà đầu tư đã bác bỏ khẳng định này. Họ từ bỏ các quỹ tương hỗ tốn kém để đến với các quỹ theo dõi các chỉ số khác nhau, hoạt động tốt hơn với chi phí chỉ bằng một phần.

4 quỹ đầu tư hàng đầu luôn tự hào với trí tuệ của các nhà quản lý của mình
4 quỹ đầu tư hàng đầu luôn tự hào với trí tuệ của các nhà quản lý của mình

Hiện nay, 2 quỹ đầu tư lớn nhất là Vanguard, nhà tiên phong trong việc đầu tư theo chỉ số, và BlackRock. Tính chung, 2 quỹ này hiện đang quản lý khối tài sản gần 10 nghìn tỷ USD.

BlackRock có một sự hiện diện to lớn trên “sân khấu” đầu tư theo chỉ số, đặc biệt là trong các quỹ ETF. Dòng iShares của công ty có hơn 800 sản phẩm, 1,4 nghìn tỷ USD tài sản, dẫn đầu ngành với 36,4% thị phần, theo công ty nghiên cứu thị trường ETFGI.

Tuy vậy, Vanguard mới là “con quái vật” trong ngành quỹ tương hỗ, với dòng vốn thông qua các quỹ chỉ số và các quỹ ETF làm nên lịch sử.

Theo Morningstar, năm ngoái có 423 tỷ USD rời quỹ đầu tư chứng khoán quản lý chủ động và 390 tỷ USD đổ vào các quỹ chỉ số. Trong số này, Vanguard thu được 277 tỷ USD, gần gấp 3 lần số tiền chảy vào đối thủ lớn nhất, BlackRock.

John C. Bogle - nhà sáng lập quỹ đầu tư Vanguard
John C. Bogle - nhà sáng lập quỹ đầu tư Vanguard

Ông Fink luôn tuyên bố không quan tâm đến việc khách hàng mua một quỹ ETF theo dõi chứng khoán có độ biến động thấp hay một quỹ tương hỗ đắt tiền đầu tư vào các công ty nhỏ của Mỹ.

Để khách hàng chọn từ lâu đã là châm ngôn của ông.

Nhưng có một thực tế vẫn chưa được nêu ra: Ông Fink giờ đây đã trở thành tín đồ thực sự của các phong cách đầu tư có hệ thống dựa trên các thuật toán, khoa học và các mô hình xây dựng từ dữ liệu thay cho sự nhạy bén trong việc chọn cổ phiếu đầu tư của các nhà quản lý danh mục.

Trong những năm gần đây, ông thuê Andrew Ang, giáo sư tài chính nổi tiếng của đại học Columbia, để đưa BlackRock vào xu hướng đầu tư dựa trên các yếu tố.

Và kể từ năm ngoái, những nhà đầu tư cổ phiếu lâu năm của BlackRock đã bắt đầu làm việc trong cùng một bộ phận với các nhà phân tích định lượng. Giờ đây, các nhà quản lý, nhiều người trong số họ có bằng Tiến sỹ, có thể đưa ra quyết định mua (hoặc bán) cổ phần của Walmart dựa trên cơ sở số lượng ô tô trong bãi đậu xe siêu thị được dữ liệu vệ tinh tiết lộ thay vì với một cái nhìn sâu sắc từ bên trong bảng cân đối kế toán.

Nói chung, ông Fink hoàn toàn bị thuyết phục rằng BlackRock phải đặt cược lớn vào sức mạnh của máy móc, dù đó là Aladdin, nền tảng quản lý rủi ro của công ty, tư vấn robo, kho dữ liệu lớn hay thậm chí là trí tuệ nhân tạo.

“Cái thời người ta ngồi trong phòng chọn cổ phiếu, nghĩ rằng họ thông minh hơn người khác – đã qua rồi”, ông Wiseman nói. "Đây là thời kỳ ‘đầy bão tố’ cho các nhà quản lý theo chiến lược đầu tư tích cực, nhưng BlackRock là một con tàu lớn, và chúng tôi sẽ vững bước tiến qua vùng biển động".

Theo Trang Hồ

Người Đồng hành

Trở lên trên