MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thói quen gây ra đột quỵ khi tập thể dục, chơi thể thao

19-09-2022 - 23:00 PM | Sống

Theo các chuyên gia, dự phòng đột quỵ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với điều trị đột quỵ. Nguyên nhân là do đột quỵ thường xảy ra đột ngột và diễn biến khó lường.

Những vấn đề xảy ra khi vận động quá sức

BSCKI Phạm Văn Cường, Khoa Đột quỵ não (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), cho biết đột quỵ trong lúc chơi thể thao, tập luyện thể dục thường gặp ở người có sẵn yếu tố nguy cơ dẫn đến nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Bản thân người có nguy cơ đột quỵ cũng không kiểm soát được mức độ tập luyện, dẫn đến quá sức.

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ Cường đã ghi nhận rất nhiều trường hợp bệnh nhân dưới 50 tuổi bị đột quỵ, thậm chí có những trường hợp mới hơn 10 tuổi. Các trường hợp đột quỵ sớm khi còn quá trẻ thường có yếu tố di truyền, bất thường về mạch máu hay tình trạng đông máu. Từ đó, tăng nguy cơ vỡ hoặc tắc mạch máu.

Bác sĩ Cường cho biết: "Vận động gắng sức không đúng phương pháp có thể là điều kiện thuận lợi gây khởi phát đột quỵ ở những người trẻ có yếu tố nguy cơ tiềm tàng. Ví dụ ở những người trẻ có rối loạn yếu tố đông cầm máu, bệnh lý tim mạch, dị dạng mạch máu não. Khi tập luyện quá sức có thể gây ra cơn tăng huyết áp dẫn tới khởi phát đột quỵ".

Theo bác sĩ Cường, đột quỵ trong quá trình tập luyện thể dục, thể thao không chỉ gặp ở người trẻ mà còn ở cả người cao tuổi. Đặc biệt, vào thời điểm chuyển mùa, thời tiết khắc nghiệt (quá nóng, quá lạnh…), người cao tuổi có tăng huyết áp dễ xảy ra đột quỵ khi tập luyện.

Do cơ chế điều hòa tuần hoàn não của người già kém hơn người bình thường, cộng thêm tập gắng sức có thể gây cơn tăng huyết áp kịch phát và xảy ra đột quỵ.

Việc bắt đầu luyện tập mạnh ngay khi thức dậy cũng tiềm tàng nguy cơ khởi phát đột quỵ, bởi cơ thể vừa chuyển trạng thái ngủ sang trạng thái thức, các hormone điều khiển hoạt động hệ thống tim mạch tăng tiết, trong khi một số chất hóa học ảnh hưởng quá trình cầm máu (Nitric oxit) đã tiêu hao sau một đêm dài. Những vận động gắng sức không hợp lý vào thời điểm này có thể gây đột quỵ vào buổi sáng sớm.

Thói quen gây ra đột quỵ khi tập thể dục, chơi thể thao - Ảnh 1.

Bệnh nhân trẻ bị đột quỵ, ảnh N.M.

"Năm nào cũng vậy, vào những ngày miền Bắc chớm lạnh, các ca đột quỵ nhập viện cấp cứu thường gia tăng. Tôi gặp rất nhiều trường hợp người cao tuổi uống thuốc tăng huyết áp rồi nên chủ quan không theo dõi huyết áp, dy rất sớm đi tập luyện ngay, sau đó huyết áp tăng lên cao, gây đột quỵ.

Để phòng ngừa đột quỵ cho người cao tuổi khi thời tiết thay đổi, cần ngủ đủ giấc, sau khi thức dậy cần chờ cơ thể thật tỉnh táo, có thể vận động nhẹ nhàng quanh giường cho tỉnh táo hẳn, tập vừa sức, không luyện tập khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

Đặc biệt, với những người có bệnh tăng huyết áp, trước khi tập luyện nên kiểm tra huyết áp, không tập luyện khi huyết áp tăng cao. Trong quá trình tập luyện nếu có bất thường phải ngừng tập và nghỉ ngơi", bác sĩ Cường nói.

Với người trẻ, bác sĩ Cường lưu ý nếu có triệu chứng đau đầu, chóng mặt bất thường nên kiểm tra có dị dạng mạch máu não, phình mạch máu não hay bệnh lý tim mạch hay không để lựa chọn phương án luyện tập vừa sức. Đối với người trẻ có các yếu tố nguy cơ cao đột quỵ, khi chơi môn thể thao gắng sức nào cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những dấu hiệu cảnh báo đột quỵ

Bác sĩ Cường cho hay các dấu hiệu cảnh báo sớm đột quỵ có thể dễ dàng ghi nhớ qua cụm từ viết tắt: BEFAST, trong đó:

B(Balance): mất thăng bằng, chóng mặt.

E(Eyesight): giảm hoặc mất thị lực đột ngột.

F(Face): lệch mặt, méo miệng.

A(Arm): một bên tay, chân bị tê yếu hoặc liệt hoàn toàn.

S(Speech): nói khó, nói ngọng.

T(Time): khẩn trương gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Thói quen gây ra đột quỵ khi tập thể dục, chơi thể thao - Ảnh 2.

Ảnh: BSCC

Đột quỵ có thể xảy ra với bất kỳ ai. Nhiều người trẻ vẫn cho rằng đây là bệnh người già nên chủ quan, không khám sức khỏe định kỳ. Ngoài tập luyện thể thao, người trẻ cũng cần tầm soát yếu tố nguy cơ để phòng ngừa đột quỵ.

- Nếu bị tăng huyết áp cần đi khám điều trị để kiểm soát tốt huyết áp.

- Nếu có đau tức ngực, choáng ngất cần khám tim mạch để biết có bị rung nhĩ hay các loại bệnh tim khác hay không. Nếu có vấn đề tim mạch, cần phải khám điều trị ngay và thường xuyên.

- Nếu hút thuốc lá, hãy bỏ ngay.

- Không lạm dụng rượu bia và chất kích thích.

- Nếu tăng cholesterol cần tập luyện, tiết chế ăn uống và uống thuốc theo toa.

- Nếu đái tháo đường cần khám và làm theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát đường huyết thật tốt.

- Chăm vận động, tránh ngồi nhiều một chỗ, nên tập thể dục đều đặn.

- Chế độ ăn ít muối (tránh ăn mặn), ít mỡ và chất béo,...

Hiện nay, nhiều bệnh viện đã có phòng khám sàng lọc và đánh giá yếu tố nguy cơ đột quỵ não, các bạn trẻ nên đi khám ngay khi phát hiện mình có một trong các biểu hiện trên.

Theo Ngọc Minh

Trí thức trẻ

Trở lên trên