MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Án tham nhũng, không để "chia chác" tài sản trước khi khởi tố"

26-10-2014 - 07:55 AM | Xã hội

"Khi khởi tố mọi việc đã xong, tài sản, tiền nong đã được chia chác, đó là lý do tại sao các vụ án tham nhũng chỉ thu hồi được 10% tài sản".

Theo Báo cáo về công tác của Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình gửi đến Quốc hội cho thấy, năm 2014, tội phạm về tham nhũng vẫn xảy ra nhiều; cơ quan này đã phát hiện nhiều vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt số tài sản lớn tại các ngân hàng, trong thực hiện các dự án lớn của Nhà nước.

Qua kiểm sát, đã yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố 5 vụ án về tham nhũng. Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phát hiện, khởi tố điều tra 17 vụ án về tham nhũng trong hoạt động tư pháp, chiếm 38,6% số vụ án thụ lý điều tra. Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao thừa nhận, việc phát hiện tội phạm về tham nhũng, kinh tế chức vụ còn hạn chế, chất lượng giải quyết chưa cao.

Điểm tên một số vụ án do VKSND Tối cao thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm, như vụ Dương Chí Dũng, vụ Huỳnh Thị Huyền Như, vụ Nguyễn Đức Kiên…, Viện trưởng Viện KSND tối cao khẳng định, công tác giải quyết các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế chức vụ có nhiều tiến bộ, tiến độ nhanh hơn kết quả xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TPHCM)

Theo một báo cáo mới đây về công tác phòng chống tham nhũng, 1 tháng có khoảng 20.000 cuộc thanh tra các loại các lĩnh vực, trung bình 1 ngày có khoảng 700 cuộc, nhưng kết quả chỉ xử lý được khoảng 10 người. Nêu quan điểm về kết quả này, đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TPHCM) cho rằng, kết quả thanh tra này bao gồm cả thanh tra ở chính phủ và địa phương. Theo ông Đương, không nên hiểu thanh tra chỉ nhằm xử lý, mà còn nhằm quản lý, phát hiện sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý để uốn nắn chấn chỉnh hay đề xuất những kiến nghị mới.

Theo đại biểu Đỗ Văn Đương, thời gian qua, cơ quan thanh tra, đặc biệt là thanh tra chính phủ là hoạt động thực sự có hiệu quả (trừ trường hợp bất minh tài sản báo chí nêu ra), rõ ràng họ đã phát hiện ra hàng nghìn vụ vi phạm, kiến nghị thu hồi hàng nghìn tỷ đồng và trên hàng nghìn héc ta đất. Tuy nhiên vấn đề nằm ở chỗ, thanh tra chính phủ phát hiện ra sai phạm, thậm chí có kết luận nhưng việc tổ chức thực hiện của chính quyền địa phương chưa nghiêm túc, triệt để.

“Theo tôi phải có sự kết nối giữa thanh tra hành chính với tố tụng hình sự, các cơ quan chống tham nhũng phải gắn bó với nhau để khi phát hiện dấu hiệu sai phạm kinh tế phải đồng thời có biện pháp phong tỏa cũng như truy tìm tài sản bị chiếm đoạt. Không để xảy ra tình trạng, khi khởi tố mọi việc đã xong, tài sản, tiền nong đã được chia chác, đó là lý do tại sao các vụ án tham nhũng chỉ thu hồi được 10% tài sản. Quan trọng nhất của việc đánh vào tội phạm kinh tế, tham nhũng là ở chỗ thu hồi tài sản chứ không phải vấn đề tù hay tử hình, và phải xử lý mạnh tay hơn”, đại biểu Đỗ Văn Đương kiến nghị.

Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị)

Đồng quan điểm với đại biểu Đỗ Văn Đương, đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) cho rằng tỷ lệ thu hồi tài sản do tham nhũng mà có vẫn rất thấp là trách nhiệm của các cơ quan thi hành pháp luật, đặc biệt là thi hành án. Đã có bản án, việc thực thi bản án như thế nào là do cơ quan thi hành án. Đại biểu Lê Như Tiến đề nghị cơ quan này cần phải thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt hơn hơn nữa.

Đại biểu Lê Như Tiến cũng cho rằng công tác phòng chống tham nhũng chưa đạt kết quả như mong muốn là do khâu triển khai thực hiện còn thiếu kiên quyết. "Tôi cũng đồng ý với báo cáo của Chính phủ là do tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp, câu kết với nhau thành lợi ích nhóm nên không dễ phát hiện và nếu phát hiện thì cũng không dễ xử lý kịp thời".

>>>Gần đây ít phát hiện các vụ án tham nhũng lớn

Theo Thanh Hà

cucpth

VOV Online

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên