Bộ Giao thông "cấm cửa" nhà thầu yếu, VEC vẫn "thoát"?
Đã có 3 nhà thầu sẽ không được tham gia đấu thầu, không được xem xét chỉ định thầu trong các dự án của ngành.
- 19-03-2014Sai phạm cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình: VEC không thừa nhận?
- 18-03-2014Cục trưởng bị dọa "trảm", VEC sai phạm Bộ trưởng xử sao?
- 15-03-2014Cao tốc Nội Bài - Lào Cai chưa xong, cứ thu phí đã!
- 08-03-2014Đường cao tốc Việt Nam mới chỉ đắt gấp 3 lần Mỹ
Năng lực kém, thi công chậm chạp
Cụ thể, quyết định không xem xét chỉ định thầu các dự án trong ngành giao thông vận tải đối với 3 nhà thầu trên được Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Lê Thanh Hà vừa ký ban hành trong tuần qua.
Theo đó, 3 nhà thầu bị cấm cửa là Công ty cổ phần Bê tông 620 Châu Thới, Công ty Thành An 119 cà Công ty cổ phần Xây dựng Vinashin.
Trong đó, Công ty cổ phần Bê tông 620 Châu Thới (trước kia là Công ty cổ phần Bê tông 620- Bình Minh) sẽ không được tham gia đấu thầu các dự án của ngành trong vòng 2 năm do vi phạm quá trình đấu thầu, không thực hiện hợp đồng theo quy định.
Công ty Công ty Thành An 119, Công ty cổ phần Xây dựng Vinashin không xem xét chỉ định thầu do yếu kém về năng lực, thi công không đảm bảo tiến độ, không có trách nhiệm trong việc thực hiện hợp đồng.
Thông tin trên Pháp luật Việt Nam cho thấy, các nhà thầu trên là 3 trong số khoảng 10 nhà thầu đã nằm trong "danh sách đen" của Bộ Giao Thông Vận tải sau khi Thanh tra Bộ vào cuộc và chỉ ra hàng loạt sai phạm của các đơn vị này.
Như vậy, còn khoảng 7 chủ đầu tư nằm trong “danh sách đen” như Công ty COMA 3, Công ty Cổ phần Tập đoàn xây dựng Thăng Long, Công ty Cổ phần Cơ khí xây dựng công trình 623, Công ty Cổ phần TRACO Hậu Giang, Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Mạnh Hà, Công ty TNHH Xây dựng giao thông Hoàng Mai, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng công trình Hoàng Nguyên, Công ty Cổ phần Kiến trúc và Xây dựng thương mại Mekong miền Tây, Công ty TNHH Tư vấn & Xây dựng công trình 747, Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng Nam Việt…Nhiều nhà thầu thực hiện thi công các dự án đường Hồ Chí Minh, các dự án thuộc Sở GTVT Cần Thơ và Lai Châu đã bị cấm đấu thầu, không xem xét chỉ định thầu, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức trách phong tỏa tài khoản của các nhà thầu này.
Được biết, Công ty Thành An 119 và Công ty Cổ phần Xây dựng Vinashin cũng bị cấm đấu thầu vì thi công đường nối Vị Thanh - Cần Thơ không đảm bảo chất lượng. Chỉ sau vài tháng thông xe đường nối Cần Thơ - Vị Thanh có số vốn đầu tư giai đoạn 1 lên đến gần 3.400 tỷ đồng đã xuất hiện hàng trăm điểm sụt lún, ổ voi, ổ gà giặm vá nham nhở.
Sau đó, Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam đã tiến hành kiểm định và cho biết, các vị trí hư hỏng phần lớn là do lớp bê tông nhựa chưa đạt yêu cầu về hàm lượng nhựa, độ bám dính, thành phần cấp phối.
Nguyên nhân dẫn đến hư hỏng trước hết là do thiết bị công nghệ, công tác vận hành máy móc chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật dẫn đến hàm lượng nhựa trong các mẻ trộn không đồng đều. Thậm chí có một số mẻ trộn có hàm lượng nhựa, bột khoáng chưa đạt tiêu chuẩn.
“Nhà thầu thi công không đạt chất lượng, không đúng hồ sơ thiết kế ban đầu, nên phải chịu trách nhiệm chính", ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Hậu Giang nói.
VEC sai vẫn trúng thầu dự án lớn
Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) là nhà thầu liên tiếp để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng tại cao tốc TP.HCM - Long Thành và cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình.
Cụ thể, dự án đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình có tổng chiều dài 50km, đi qua địa phận 3 tỉnh Hà Nội, Hà Nam và Nam Định. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc 100-120 km/h. Tổng mức đầu tư giai đoạn I là 8.974 tỷ đồng.
Đường Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình sau khi hoàn thành. (Ảnh: TPO) |
Theo kết quả Kiểm toán Nhà nước thì dự án này đã bộc lộ hàng loạt sai phạm từ khâu khảo sát, thiết kế đến thi công… dẫn đến giảm chất lượng công trình, lãng phí đầu tư.
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ, công tác lập phương án thiết kế cơ sở cho dự án này chưa đề xuất được phương án tối ưu theo quy định, kéo theo những điều chỉnh, tổng đầu tư dự án tăng lên gần 2,5 lần, từ mức 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng.
Không dừng lại ở đó, dù mới thông xe được hơn 5 tháng, nhưng nhiều hạng mục của công trình đã bắt đầu xuống cấp.
Như tuyến cao tốc TPHCM- Long Thành - Dầu Giây dài 55km đi qua địa bàn TPHCM và Đồng Nai, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120km/giờ, tổng vốn đầu tư 20.630 tỷ đồng cũng đã có dấu hiệu xuống cấp.
Theo kết quả kiểm tra của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước công tác thi công nền đường tại gói thầu 5A còn một số tồn tại, cụ thể: Vật liệu đắp còn lẫn nhiều cuội, sỏi, đá tảng to so với tiêu chuẩn cho phép, còn lẫn nhiều gốc, rễ cây; công tác thoát nước tạm tại khu vực nền đường đào chưa được quan tâm; bề mặt của nền đường không bằng phẳng.
Còn nhiều khiếm khuyết về chất lượng thi công hạng mục phụ trợ là móng cột hộ lan tại một số vị trí.
Cũng liên quan tới VEC, tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ khi đưa vào sử dụng đến nay đã nảy sinh nhiều bất cập, gây khó khăn cho người dân sống dọc hai bên hành lang tuyến đường.
Tồn tại lớn nhất là thiếu hệ thống cống chui, đường gom dân sinh tại những điểm bất cập. Ngoài ra, việc đi lại để sản xuất cũng gặp rất nhiều khó khăn, do tuyến đường cao tốc chia đôi cánh đồng hay quả đồi. Cho đến nay, còn hai gói thầu trên tổng 8 gói thầu vẫn còn nhiều công việc chưa hoàn thiện, trong khi thời gian hoàn thiện đề án đã được kéo dài ra nhiều lần trước đó.
Mặc dù có nhiều sai phạm tại những dự án mà VEC làm chủ đầu tư nhưng trong quyết định đưa ra vào hồi giữa tháng 7/2014 dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành tiếp tục chọn VEC là chủ đầu tư.
Được biết, tổng mức đầu tư (giai đoạn I) là 31.320 tỷ đồng (tương đương 1.607 triệu USD); trong trong đó vốn vay của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) là 636 triệu USD, vốn vay của Chính phủ Nhật Bản thông qua cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là 635 triệu USD và vốn đối ứng ngân sách Nhà nước là 337 triệu USD. Tốc độ thiết kế dự án giai đoạn I là 80Km/giờ, giai đoạn hoàn chỉnh là 100Km/giờ.
>>>Ai được làm tuyến đường cao tốc đắt nhất Việt Nam?
Theo Thu Phương