Cán bộ tài chính nộp lại 322 triệu đồng quà biếu trong gần 10 năm
Thống kê từ năm 2007 đến năm 2015 của Bộ Tài chính cho thấy, các cơ quan tổ chức của ngành tài chính đã kê khai, nộp lại 322 triệu đồng quà biếu tặng và một số vật phẩm khác.
- 29-12-2015Tặng quà nhỏ, mua lại to
- 23-12-2015220 cuộc gọi tố tham nhũng, tặng quà Tết trái quy định
- 28-10-201523 người nộp lại quà tặng gần 500 triệu đồng
- 12-03-2014Phải nộp thuế nếu quà biếu, tặng vượt quá 30 triệu đồng
Đây là kết quả vừa được lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết trong Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng tổ chức chiều 18/1.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, hàng năm, Bộ Tài chính đều có văn bản chỉ đạo các cơ quan, tổ chức thuộc và trực thuộc bộ thực hiện nghiêm túc quy định về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng, nhất là trong các dịp lễ, Tết.
Theo báo cáo, trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến năm 2015, tổng số quà biếu tặng đã được ngành tài chính kê khai, nộp lại gồm 322 triệu đồng, 01 bộ máy vi tính; 15 bức tranh thêu; 1 lọ hoa; 1 bộ sách và đĩa hát.
"Các đơn vị của Bộ Tài chính đã thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật, thực hiện báo cáo thống kê kịp thời, đầy đủ việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của đơn vị và của cán bộ, công chức, viên chức, chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm quy định," lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết.
Nói rõ hơn về công tác thanh kiểm tra, Thứ trưởng cho biết, cơ quan chức năng đã triển khai hơn 341.000 cuộc thanh, kiểm tra. Kết quả thanh tra, kiểm tra đã kiến nghị xử lý về tài chính số tiền trên 90.700 tỷ đồng.
Đặc biệt, theo lãnh đạo ngành tài chính, trong giai đoạn năm 2006 tới năm 2015, cơ quan chức năng đã phát hiện 166 vụ việc liên quan đến tham nhũng. Giá trị tài sản bị thiệt hại do tham nhũng theo tính toán là khoảng 66,6 tỷ đồng và đã được thu hồi, bồi thường là hơn 30 tỷ đồng.
Đánh giá lại kết quả này, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho rằng, tình hình tham nhũng trong ngành tài chính tuy có xảy ra nhưng ở mức độ thiệt hại thấp và chủ yếu do một số cá nhân có các hành vi cấu kết, thông đồng làm giảm số phải nộp ngân sách Nhà nước, lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để tham ô, biển thủ công quỹ.
Theo Thứ trưởng, so với thời điểm sơ kết 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, kết quả phòng chống tham nhũng của Bộ Tài chính đã có nhiều chuyển biến tích cực, tham nhũng, lãng phí đã căn bản được kiềm chế.
Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn công tác phòng chống tham nhũng, lãnh đạo ngành tài chính đề xuất, cần phải có quy định niêm phong, kê biên, phong tỏa tài sản ngay từ khi phát hiện có dấu hiệu tham nhũng. Điều này theo Thứ trưởng để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng, chứ không chờ đến khi đã kết án về hành vi tham nhũng.
"Cần sửa đổi quy định pháp luật theo hướng khi xác định hình phạt, việc hoàn trả tài sản cần được xem là một tình tiết bắt buộc chứ không phải tình tiết giảm nhẹ," lãnh đạo ngành tài chính nói.
Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tổng kết, đánh giá triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt để kiểm soát các nguồn thu nhập của cán bộ, công chức, người dân và doanh nghiệp. Đây là giải pháp theo lãnh đạo Bộ Tài có vai trò cơ bản để phòng, chống tham nhũng hiệu quả.
Việt Nam+