Chi 10.000 tỷ xây nhà hát: Việt Nam là trung tâm nhân loại?
Xây nhà hát để ai xem khi dân còn khổ? Người ta chỉ có thể hưởng thụ văn hóa khi mà cuộc sống khá giả. GS Trần Lâm Biền chia sẻ.
- 27-05-2014Chi 10.000 tỷ xây nhà hát: Đầu tư cho... đám cưới thuê!?
- 25-01-2013'Nửa tỉ USD xây nhà hát chưa chắc đã đủ'
Lãnh đạo tư duy ảo tưởng!
PV: - Bộ VHTT&DL vừa đưa ra đề án đầu tư xây mới và trùng đại tu lại 71 nhà hát trên cả nước với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 10 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, thực tế hiện nay, các sân khấu nhà hát không thể sáng đèn hàng đêm vì không có khán giả. Ông đánh giá tính thực tế của đề án này như thế nào, thưa ông?
GS Trần Lâm Biền: - Tôi không thể tin nổi ngành văn hóa có thể chi được số tiền lên đến 10.000 tỷ đồng cho việc xây mới và trùng tu lại hệ thống nhà hát. Câu chuyện đó họa chăng là ở bên Mỹ chứ không phải ở Việt Nam.
Tôi thiết nghĩ, họ đưa ra con số như thế đã tính toán gì hay chưa? Bởi vì, thử nhìn ra thế giới hiện nay, đã có nước nào xây dựng nhiều nhà hát to lớn như thế hay không, hay Việt Nam đang muốn trở thành trung tâm của nhân loại?
GS Trần Lâm Biền - Nhà nghiên cứu văn hóa |
Nếu vậy, thì tôi không biết. Còn con số đó quá lớn, tôi rất mong muốn là tôi đã nghe nhầm.
PV: - Còn nhớ, Thái Nguyên cũng có tới 4 nhà hát mà bỏ hoang cả bốn, rồi các nhà văn hóa xã hiện nay xây ra cũng chỉ để tiếp khách và tổ chức hội nghị, thậm chí để tổ chức đám cưới.
Giờ đây, chúng ta lại chi hơn 10 ngàn tỉ đồng để nâng cấp, trùng tu, xây mới có phải vì chúng ta dự đoán nhu cầu hưởng thụ văn hóa nhà hát của dân sẽ tăng vọt nên phải đón đầu đáp ứng?
GS Trần Lâm Biền: - Tôi rất muốn con số mà đề án này đặt ra là bị nhầm lẫn. Vì hiện nay tôi chưa thấy có cái gì đột biến và muốn có sự tăng vọt về nhu cầu hưởng thụ văn hóa cũng phải có tín hiệu, còn nước ta chưa rõ rệt kể cả đường lối lẫn hiện thực, thì đón đường gì.
Bây giờ chỉ cần đặt ra một bài toán, bao nhiêu trăm năm, bao nhiêu thế kỷ nữa, Bộ văn hóa thu hồi lại được vốn, vì khi làm kinh tế là người ta phải biết đưa ra làm gì cũng phải nghĩ đến chuyện thu hồi vốn, đó là xu hướng chung của toàn nhân loại. Ở đây, đã nghĩ đến chưa, hay mới chỉ là thích thì làm, thích thì xây.
Hay ngay đến những con đường cao tốc hiện nay, còn có trạm thu lệ phí, thu hồi vốn trong bao nhiêu năm, nói chi gì đến xây dựng nhà hát thì lập trạm thu phí ở đâu. Trong khi, có Nhà hát cả tháng không có buổi biểu diễn nghệ thuật nào.
Đùng là hiện trạng, nhà văn hóa, nhà hát cho thuê làm các dịch vụ cưới xin, hội nghị, đang dần phổ biến, vậy xem để làm gì vậy, tại sao không chuyển đổi chức năng, để mà thu hồi vốn. Xin hỏi những người đưa ra đề án này đến bao giờ thu hồi được vốn, đề án xây dựng phục vụ đời sống văn hóa của người Việt hay người nước ngoài.
Không phù hợp thực tế
PV: - Hiện chúng ta đã có 71 nhà hát. Việc xây thêm như vậy chẳng lẽ phải hiểu là cách Bộ văn hóa muốn phổ biến nhà hát theo đầu dân theo kiểu “tính cua trong lỗ”? Nếu không như vậy, theo dự đoán của ông, lý do thực khiến Bộ đưa ra đề án này là gì?
GS Trần Lâm Biền: - Tôi tin chuyện này khi đưa ra chắc chắn sẽ bị phản đối, nhất là trong lúc kinh tế cả nước đang gặp khó khăn. Cũng có thể các nhà làm quản lý đang sống trong tư tưởng mênh mông, nên mới đưa ra con số này.
Tôi tin rằng các lãnh đạo cấp trên sẽ không bao giờ duyệt con số này. Vì đề án không mang tính thực tế chút nào. Nước ta không nghèo, nhưng chúng ta chưa giàu và người ta vẫn hay nói đến một câu "Phú quý sinh lễ nghĩa". Tôi cũng khẳng định luôn là nước ta chưa phú quý, chưa giàu đến mức có thể đặt văn hóa lên hàng đầu.
Còn cũng có thể, chuyện xây thêm là nhà quản lý đang nghĩ đến một tương lai xa chứ không phải trước mắt, đâu có phải đơn giản. Cứ đơn giản mà nhìn, bà chủ của Ngân hàng Bắc Á, có rất nhiều công trình lớn, ở Hà Nội có bao nhiêu ngôi nhà vừa to, vừa đẹp rõ rệt, rồi có mặt cho đến tận Nghệ An, còn có ở nhiều tỉnh thành khác, vậy mà toàn bộ số vốn của bà ấy cũng chỉ có gần 10.000 tỷ.
Tôi nói như vậy để thấy được rằng con số 10.000 tỷ đồng không hề nhỏ, nó có thể dành cho biết bao công việc, đầu tư khác.
PV: - Chúng ta đã có những bài học về chuyện lãng phí những công trình xây dựng như Bảo tàng Hà Nội, rạp Đại Nam. Bài học kinh nghiệm rút ra lẽ ra phải là gì? Sự chậm tiếp thu của các người làm văn hóa bắt nguồn từ những lý do nào?
GS Trần Lâm Biền: - Nói thực đây là một con số khiến tôi quá choáng, nên không biết phải nói sao. Như chúng ta biết một ngôi nhà tình nghĩa hiện nay khoảng 20-30 triệu, như vậy, cứ 1 tỷ sẽ xây được 30 ngôi nhà tình nghĩa.
Vậy 10.000 tỷ thì phải được 300.000 ngôi nhà, trong khi đó nước ta nhiều người còn khốn khó, số nhà đó có thể giúp cho biết bao con người có chốn nương thân, việc làm đó mới là mang đến cho người dân một cuộc sống có ý nghĩa thực sự.
Còn xây nhà hát để ai xem khi dân còn khổ, còn khó khăn về kinh tế? Người ta chỉ có thể hưởng thụ văn hóa khi mà cuộc sống được đảm bảo và tốt nhất.
PV: - Dường như đang có sự lệch pha giữa tình hình thực tế và chiến lược dài hơi được những nhà quản lý vạch ra. Theo ông, sự lệch pha này có nguồn gốc từ đâu, do những nhà quản lý “tính cua trong lỗ” hay do bệnh thành tích?
GS Trần Lâm Biền: - Quá không phù hợp thực tế, có lẽ đây là đề án của tương lai, nằm trong tư duy liên tưởng mênh mông, ngang tầm trời đất của các nhà lãnh đạo ngành văn hóa.
PV: - Thời gian gần đây, các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa đưa ra nhiều kế hoạch phát triển văn hóa dựa trên việc xây dựng cơ sở hạ tầng như việc quy hoạch nhà hát hay quy hoạch điện ảnh. Là một người làm nghề, ông bình luận thế nào về phương cách phát triển bằng xây dựng này của Bộ Văn hóa, thưa ông?
GS Trần Lâm Biền: - Truyền thống của người Việt Nam không phải thể hiện qua các công trình xây dựng, mà nó lấy hoành tráng ở tinh thần, bản sắc văn hóa, chứ không phải to xác, có cái xác mà không có hồn thì văn hóa thế nào?
Tổ tiên chúng ta đã từng dạy rất rõ: "Thảo tự tố tăng", tự là chùa, thảo là tốt, ngôi chùa được xây dựng to lớn, tốt đẹp bao nhiêu thì cái người tu hành ở đấy càng khả ố bấy nhiêu.
Chính vì thế, cho nên khi một cái gì đó, mà nó to lớn quá thì liệu nó có tìm được lại sự phát triển của văn hóa nghệ thuật hay không?
Cái cần là phát triển văn hóa làm sao cho nó tương xứng với sự phát triển chung của xã hội. Văn hóa vừa là cái dẫn đường nhưng đồng thời nó cũng phải là cái phản ánh, được xây dựng trên nền tảng của nền kinh tế, sự phát triển chung của xã hội, nó không thể chạy trước một mình được.
- Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
Theo Thanh Huyền