Chính phủ và Thủ tướng nghiêm túc nhìn nhận 7 hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ
Chiều 24/2, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011- 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nhìn lại 5 năm qua, báo cáo nhấn mạnh những kết quả đã đạt được trong điều hành.
Như, kiềm chế được lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; duy trì được tăng trưởng ở mức hợp lý và đạt tăng trưởng cao hơn ở những năm cuối; thực hiện có kết quả bước đầu các đột phá chiến lược và tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ quốc gia và giữ được hòa bình, hữu nghị với các nước; bảo đảm ổn định chính trị xã hội; nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển cao hơn trong giai đoạn tới.
Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng nghiêm túc nhìn nhận 7 hạn chế, yếu kém trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Một là việc quán triệt, thể chế hóa và ban hành các kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện chủ trương chính sách của Đảng, thi hành Hiến pháp, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội trong một số lĩnh vực và ở một số bộ, ngành, địa phương còn lúng túng.
Khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách trong một số lĩnh vực còn chậm được hoàn thiện. Việc thực thi pháp luật có lúc, có nơi chưa thực sự hiệu quả.
Hai là, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong một số trường hợp tính khả thi chưa cao. Tiến độ xây dựng một số dự án luật, pháp lệnh còn chậm, chất lượng thẩm định còn thiếu tính bao quát, khả thi.
Công tác phối hợp trong nghiên cứu, xây dựng luật, pháp lệnh chưa thật chặt chẽ. Giám sát, phản biện xã hội hiệu quả chưa cao.
Ba là công tác chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội trong một số lĩnh vực còn những hạn chế, yếu kém và gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Ở hạn chế này, báo cáo nói rõ thêm, khả năng nắm bắt, xử lý thông tin, năng lực phân tích, dự báo còn hạn chế. Sự phối hợp giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư và các chính sách khác trong thực hiện các mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế có thời điểm còn chưa đồng bộ, chưa theo kịp yêu cầu thực tiễn.
Nhiều cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, chưa cân đối đủ nguồn lực để triển khai. Việc huy động nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng còn nhiều hạn chế.
Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế ở nhiều lĩnh vực còn chậm. Công tác quy hoạch, quản lý thực hiện thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với cân đối nguồn lực.
Chính phủ cũng nhìn nhận việc chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và chăm lo đời sống nhân dân nhiều mặt còn hạn chế.
Chậm khắc phục trùng lặp trong một số quy định chính sách về an sinh xã hội, giảm nghèo. Phát triển thị trường lao động, xây dựng hệ thống thông tin về cung - cầu lao động còn chưa đáp ứng yêu cầu. Quản lý nhà nước về văn hoá, nghệ thuật, thông tin truyền thông có mặt còn lúng tong.
Việc khắc phục quá tải bệnh viện còn chậm. Thực hiện lộ trình giá thị trường đối với dịch vụ y tế và cơ chế tự chủ trong các đơn vị sự nghiệp y tế công lập còn khó khăn. Quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ chưa theo kịp yêu cầu đổi mới.
Công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường còn hạn chế; huy động nguồn lực phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu chưa đáp ứng yêu cầu, Chính phủ đánh giá.
Hạn chế thứ tư là tổ chức bộ máy hành chính nhà nước ở nhiều bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa tinh gọn, hiệu quả và còn chồng chéo. Công tác phối hợp trong giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng còn nhiều vướng mắc.
Công tác cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều quy định về thủ tục hành chính còn phức tạp. Công tác quản lý công chức, viên chức còn hạn chế. Việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức còn lúng túng, bất cập.
Thứ năm là công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo ở một số bộ ngành, địa phương còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt mục tiêu đề ra là ngăn chặn, đẩy lùi.
Hạn chế thứ sáu: công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự trên một số địa bàn còn hạn chế; việc tuyên truyền vận động quần chúng tham gia phòng chống tội phạm chưa thật sâu rộng, thiết thực. Ùn tắc giao thông tại đô thị lớn khắc phục còn chậm, chưa bền vững.
Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế có mặt chưa thật chủ động, chưa phát huy hết các lợi thế. Công tác chuẩn bị để chủ động hội nhập còn nhiều hạn chế, truyền thông về hội nhập hiệu quả chưa cao.
Cuối cùng, hạn chế thứ bảy được nhìn nhận là quan hệ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các đoàn thể nhân dân còn hạn chế.
Việc cập nhật thông tin, phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh có lúc chưa kịp thời, đầy đủ. Còn tình trạng chậm gửi một số báo cáo, tài liệu tại các kỳ họp Quốc hội và phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của Quốc hội, đại biểu Quốc hội.
Đề cập nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên đây, báo cáo nêu rõ nguyên nhân chủ quan là chủ yếu.
Trong đó, có nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên nhiều lĩnh vực chưa đủ rõ và còn khác nhau nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng, thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp với kinh tế thị trường, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Chính phủ và Thủ tướng cũng nhìn nhận, phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành kinh tế xã hội chưa thật phù hợp, hiệu lực hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Tổ chức bộ máy và phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức nhiều mặt còn hạn chế. Khả năng phân tích, dự báo và phản ứng chính sách chưa đáp ứng yêu cầu trước tình hình quốc tế biến động rất nhanh, phức tạp.
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
VnEconomy