Có nên xây dựng TP.HCM thành đặc khu như Thượng Hải?
Nêu quan điểm về việc biến TP.HCM thành đặc khu kinh tế, ĐBQH Mai Xuân Hùng (Hậu Giang) cho rằng, xây đặc khu kinh tế là quan trọng nhưng chỉ nên đẩy nhanh khoảng 2-3 khu kinh tế đặc biệt.
- 31-03-2016Bí thư Thăng: Mong hợp tác với Microsoft để lấy lại vị trí số 1
- 29-03-2016Bí thư Đinh La Thăng: 50 năm trước Lý Quang Diệu mơ được như Sài Gòn, nên không ai cấm Sài Gòn khát vọng trở lại vị trí số 1
- 27-03-2016Ông Đinh La Thăng: TP HCM phải giành lại vị trí số 1!
ĐBQH Mai Xuân Hùng (tỉnh Hậu Giang) - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đã có cuộc chia sẻ với phóng viên bên hành lang Quốc hội sáng 1/4 về ý tưởng xây dựng TP.HCM thành đặc khu kinh tế.
- Thưa ông, Bí thư Thành uỷ TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng vừa đưa ra ý tưởng biến TP. Hồ Chí Minh thành đặc khu kinh tế giống mô hình Thượng Hải (Trung Quốc). Chúng ta định hướng phát triển kinh tế vùng nhưng vẫn cho phép xây dựng đặc khu kinh tế hoặc có những cơ chế riêng cho từng địa phương liệu có mâu thuẫn không, thưa ông?
Hai cái này khác nhau, việc xây dựng các khu kinh tế đặc biệt và khu hành chính kinh tế đặc biệt là điều cần thiết và là việc quan trọng.
Trong giai đoạn vừa rồi, Trung Quốc phát triển mạnh nhờ chính sách đối với các đặc khu kinh tế. Khảo sát thực tế cho thấy, họ không đầu tư nhiều mà đầu tư bằng cơ chế.
Kết quả là chỉ sau 10, 15 năm sau Trung Quốc đã thu được lợi nhuận cao. Do đó, việc phát triển đặc khu kinh tế, tạo ra mô hình kinh tế cho tất cả mọi người nhìn thấy kết quả thực để đánh giá là cần thiết.
Theo tôi, về định hướng, đặc khu kinh tế là quan trọng. Tuy nhiên, nguồn lực của ta là yếu nên chỉ đẩy nhanh khoảng 2-3 khu kinh tế đặc biệt và đó là nút để tạo sự lan tỏa cho sự phát triển kinh tế vùng.
- Sau nhiều năm, vấn đề liên kết vùng vẫn được đánh giá là lỏng lẻo và không theo chuỗi, vậy theo ông nguyên nhân này là do đâu?
Nguyên nhân trước hết do doanh nghiệp chưa lớn, hiện 97% doanh nghiệp của Việt Nam là vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ.
Tiếp đến là nguồn lực dành cho doanh nghiệp nhà nước trong thời gian qua không quá lớn, không công bằng, do đó theo tôi cần tái cấu trúc doanh nghiệp, trong đó cần xã hội hóa để đưa nguồn lực đầu tư cho DN tư nhân và DN nhà nước được công bằng với nhau.
Theo tôi ngoài liên kết lãnh thổ thì quy hoạch vùng là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới vì có liên kết vùng mới xây dựng được chuỗi sản phẩm.
Chuỗi sản phẩm đang là vấn đề của Việt Nam vì để làm ra được sản phẩm, đôi khi DN phải mua một phần nguyên liệu ở miền Bắc, một phần ở miền Nam, một phần ở miền Trung để lắp ra sản phẩm. Như vậy phải liên kết vùng và quy hoạch vùng kinh tế để phát huy những công năng của nền kinh tế và giúp sản phẩm tham gia vào chuỗi.
Hiện chuỗi sản phẩm đã có nhưng đến nay phải làm sao sau khi sản xuất phải đưa sản phẩm ra thị trường ngay lập tức, tránh lưu kho, từ đó mới giảm được giá sản phẩm vì trong hội nhập, nếu không giảm giá được thì cũng không cạnh tranh được.
Có thể thấy, hàng nước ngoài rẻ hơn trong nước, ví dụ mặt hàng đường của Trung Quốc chi phí sản xuất chỉ bằng 60% đường sản xuất ở Việt Nam và nhiều sản phẩm khác cũng vậy, giá thành sản xuất cũng rẻ hơn.
Trong khi đó, năng suất lao động của ta kém, lại bị triệt tiêu trong quá trình vận chuyển, mua bán, sản xuất vì không theo chuỗi, do đó, vấn đề liên kết vùng giai đoạn 2016 - 2020, phải chú ý để giải quyết được những vấn đề trên.
- Nhưng có ý kiến cho rằng do các địa phương có tư tưởng phát triển khép kín và việc hành chính hóa trong kinh tế đã tạo ra việc này?
Điều đó cũng là vấn đề. Khi thẩm tra luật thống kê, chúng tôi đã thống nhất không có 63 nền kinh tế riêng mà phải liên kết với nhau cũng như không có GDP các tỉnh, khi xóa được cái đó thì dần dần sẽ xóa tư duy này.
Hiện cứ đến đại hội thì thống kê các tỉnh tăng cao nhưng tổng tăng trưởng cả nước lại chỉ là 5%, cho nên cần xóa khép kín vùng. Hơn nữa, liên kết vùng chưa mở ra, thực tế vừa qua liên kết lãnh thổ chỉ một phần và liên kết vùng chưa rõ ràng. Nếu làm được 2 việc này, sẽ xóa được hạn chế.
- Vậy theo ông, vai trò của Chính phủ trong giai đoạn tới sẽ phải phát huy ra sao?
Vai trò của Chính phủ và Quốc hội rất nặng, bởi vì ba Hiệp định mà Việt Nam đã đàm phán và ký kết trong thời gian qua như: TPP, ASEAN, EU đều là những hiệp đinh lớn. trong khi Việt Nam lại là nước nhỏ nhất trong các nhóm này nên sức ép của Chính phủ rất lớn.
Điều này có thể thấy rõ, đơn cử chỉ tính riêng Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì đã có tới gần 30 vấn đề đặt ra đối với nền kinh tế. Như vậy cả cơ hội và thách thức đều là vấn đề. Điều này đòi hỏi tất cả mọi lực lượng phải vào cuộc. Báo chí cũng phải tuyên truyên thật mạnh.