Theo thông báo từ Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 1-10-2014, mức phí phục vụ hành khách (lệ phí sân bay) đi các chuyến bay nội địa và quốc tế tại các sân bay trên cả nước sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng khá mạnh.
Cụ thể, đối với các sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc, Cần Thơ, Đà Nẵng, Cát Bi (Hải Phòng)… khoản lệ phí tăng từ mức 55.000 đồng lên 70.000 đồng/hành khách; các sân bay Phù Cát (Bình Định), Cà Mau, Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Liên Khương (Lâm Đồng), Tuy Hòa (Phú Yên), Đồng Hới (Quảng Bình)… tăng từ mức 45.000 đồng lên 60.000 đồng/hành khách. Hành khách đi các chuyến bay quốc tế qua nhà ga mới T2 tại Cảng quốc tế Nội Bài có mức phí áp dụng 25USD/hành khách.
Thêm vào đó, phí soi chiếu an ninh hành khách, hành lý quốc nội cũng sẽ được tính 10.000 đồng/hành khách, khách qua cửa ưu tiên 20.000 đồng, phí soi chiếu đối với hành khách, hành lý quốc tế 32.000 đồng (tương đương 1,5USD/hành khách), trong khi trước đây phí soi chiếu này được tính theo chuyến bay với giá chỉ bằng 20% - 30% của mức phí mới sắp áp dụng. Phí soi chiếu an ninh hàng hóa được điều chỉnh tăng thấp nhất, nhưng cũng tới 10% so với phí hiện hành. Được biết, phần lớn các khoản lệ phí này sẽ được cộng vào giá vé máy bay của hành khách. Vì thế, giá vé trên nhiều chặng bay nội địa, quốc tế dự báo sẽ tăng lên đáng kể.
Dường như những quy định mới ban hành đang đi ngược những nỗ lực của ngành hàng không. Bởi lẽ, trong khi các hãng bay đang tiết kiệm chi phí tối đa, bao gồm cả việc nghiên cứu mở đường bay mới để giảm giá vé cho người dân vì mục tiêu đưa máy bay trở thành phương tiện đi lại phổ thông và an toàn, cơ quan quản lý lại “dội gáo nước lạnh” lên nỗ lực ấy bằng việc tăng các phí dịch vụ và bắt người tiêu dùng phải gánh chịu.
Việc tăng lệ phí sân bay và chi phí khác không chỉ trực tiếp ảnh hưởng lên giá vé của mỗi hành khách, đẩy lùi cơ hội đi máy bay của người dân, mà còn khiến các hãng hàng không thêm khó khăn, bởi họ đã đầu tư rất lớn, nay lại phải đối mặt với các loại chi phí sân bay, bến bãi tăng. Theo đại diện của một hãng bay, họ rất khó hiểu khi cơ quan quản lý quyết định tăng phí dịch vụ vào thời điểm tháng 10 - mùa thấp điểm của ngành hàng không.
“Trong khi chúng tôi vẫn phải tìm mọi cách để giảm giá vé nhằm thu hút hành khách, nhà quản lý lại tăng phí khiến việc kích cầu trở nên khó khăn hơn, thậm chí bị mất khách vì giá vé sẽ trở nên đắt đỏ hơn trước” - vị đại diện này nói.
Phân tích việc tăng giá dịch vụ sân bay này, một chuyên gia kinh tế cho rằng không có lý do chính đáng để điều chỉnh phí dịch vụ cao hơn cả mức tăng của lạm phát. Cơ quan quản lý giải thích mức phí mới phù hợp hơn, thay cho các mức phí áp dụng từ năm 2010, nhưng thực tế không thể biện minh cho việc tăng phí “khủng” như vậy, ngoại trừ sự độc quyền của dịch vụ.
“Trong khi các hãng hàng không đang nỗ lực giảm chi phí để người dân tiếp cận giá vé ngày càng rẻ thì phí dịch vụ lại tăng, có loại (phí soi chiếu an ninh) tăng tới vài trăm phần trăm không thể chấp nhận được. Chừng nào doanh nghiệp ngành này chưa cổ phần hóa, chưa có sự cạnh tranh lành mạnh, e rằng các loại hàng hóa độc quyền còn tăng nữa, người dân khó mà mơ giá rẻ” - một chuyên gia bức xúc nói.
Nhiều người cũng đặt câu hỏi, khi đưa ra quyết định tăng giá sản phẩm, dịch vụ nào đó, người ta thường đi kèm với cam kết dịch vụ, chất lượng sẽ tốt hơn. Thế nhưng trong trường hợp của ngành hàng không hiện nay, phí dịch vụ tăng lên, tình trạng dịch vụ và trang thiết bị yếu kém tại các sân bay cũng như quản lý điều hành bay có được cải thiện hơn? Hay người tiêu dùng vẫn phải than vãn với phí ăn uống đắt đỏ, chất lượng hàng hóa không đảm bảo, các chuyến bay bị chậm, hủy chuyến và lo lắng về sự yếu kém về chuyên môn cũng như công tác quản lý điều hành của một bộ phận các cán bộ quản lý mặt đất khiến sự cố của ngành hàng không diễn ra liên tục như thời gian qua?
Với nghịch lý còn đang tồn tại hiện nay tại các sân bay là các hãng hàng không đầu tư lớn, đưa hành khách tới các sân bay nhưng những dịch vụ “hái ra tiền” đều nằm ở doanh nghiệp dưới mặt đất (từ các cửa hàng ăn uống, bán đồ lưu niệm, đến cửa hàng miễn thuế…) và họ nghiễm nhiên khai thác, thụ hưởng trên số lượng vài chục triệu hành khách mỗi năm mà các hãng hàng không chuyên chở đến với lợi nhuận cao chót vót.
Nên chăng các dịch vụ này có sự cạnh tranh lành mạnh với sự góp mặt của các doanh nghiệp thuộc các hãng bay, có lẽ các hãng sẽ được san sẻ phần nào những khó khăn, người tiêu dùng đỡ phải gánh những khoản phí vô lý, còn ngành hàng không Việt Nam có thể hiện thực hóa ước mơ hàng không phổ thông cho người dân và ngày càng phát triển.
Theo Mai Anh