MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Sở 'thách đố' Bộ trưởng Thăng: Luật sư lên tiếng

19-10-2015 - 15:22 PM | Xã hội

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội vừa đề nghị Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng cung cấp thông tin liên quan đến việc doanh nghiệp chi 500 - 600 triệu đồng để có “lốt” xe khách (giờ một chuyến xe ra vào bến theo tuyến cố định).

Câu hỏi này đã được trả lời chính trong văn bản do ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, ký ngày 16/10. Cụ thể, văn bản nêu: Hiện nay, một số tờ báo đăng ý kiến của Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tại cuộc họp giải quyết kiến nghị của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam ngày 15/10: “Có người nói với tôi, xin một “lốt” xe (văn bản chấp thuận tuyến) vào bến xe Mỹ Đình mất đến 500-600 triệu đồng”. Sở GTVT Hà Nội đề nghị Bộ trưởng cung cấp thông tin nhằm kiểm tra, xác minh, báo cáo UBND thành phố Hà NộiBộ GTVT xử lý nghiêm.

“Với cách nói của Bộ trưởng GTVT, tôi cho đó là một nội dung phản ánh mạnh mẽ về tiêu cực trong xã hội và nhiệm vụ của cơ quan cấp dưới như Sở GTVT phải đi tìm sự thực, chứ không nên truy ngược cấp trên. Cần phải nói thẳng, nói mạnh hơn về các hiện tượng tiêu cực” .

Luật sư

Trương Thanh Đức

Tuy nhiên, trả lời Tiền Phong, một số chuyên gia, luật sư nhìn nhận động thái này theo hướng khác. Ông Trương Thanh Đức, luật sư chuyên về các vấn đề pháp lý kinh tế nhận định: “Công văn đó là một sự thách đố, coi thường cấp trên và dư luận.

Nội dung văn bản thực chất là câu hỏi “chứng cứ đâu?” và đó là câu hỏi rất thiếu trách nhiệm. Việc chạy chọt để có “lốt” xe tôi tin đến người bình thường cũng biết và trách nhiệm của Sở GTVT phải làm rõ hoặc ban hành cơ chế để dẹp bỏ, chứ không cần hỏi thêm. Ngoài ra, nếu Bộ trưởng GTVT có bằng chứng trong tay đã chuyển cho công an chứ không phải cho Sở GTVT” – ông Đức nói. Ông Đức cho rằng, công văn của Sở GTVT hàm ý khẳng định không có tiêu cực trong cấp “lốt” và việc này tương tự như việc nói không có chạy chọt vào công chức ở Hà Nội hoặc “Đồ Sơn không có gái mại dâm”.

Luật sư Phạm Văn Phất, Trưởng Văn phòng luật sư An Phát Phạm cũng cho rằng, công văn của Sở GTVT Hà Nội mang tính “thách đố” nhiều hơn mục tiêu làm rõ vấn đề. “Nếu Bộ trưởng GTVT đưa vấn đề ra nhằm kỷ luật, tố cáo một ai đó cụ thể sẽ cần chứng cứ. Ở đây, ông Thăng đưa ra vấn đề không nhằm mục tiêu đó mà để thúc giục thay đổi chính sách. Hơn nữa, Bộ GTVT không phải là cơ quan điều tra chống tham nhũng nên công văn của Sở GTVT gửi không đúng địa chỉ” –luật sư Phất nói.

“Ì ạch” như Vụ vận tải

Liên quan đến vấn đề cơ chế quản lý luồng tuyến, ông Trần Bảo Ngọc (Vụ trưởng Vận tải - người chậm trễ trong triển khai sửa đổi quy định để bãi bỏ chấp thuận luồng tuyến theo chỉ đạo của Bộ trưởng GTVT) cho biết, đang triển khai sửa đổi thông tư về quản lý vận tải theo hướng rút gọn. Ông Ngọc chưa cho biết đến ngày nào hoàn tất.

Trong khi đó, Tổng cục Đường bộ cũng đã yêu cầu các sở GTVT công khai toàn bộ các tuyến vận tải đã/chưa đăng ký để doanh nghiệp biết. Cho đến chiều tối 18/10, Bộ GTVT vẫn chưa có động thái chính thức nào về công văn của Sở GTVT Hà Nội.

Nói về ý nghĩa của việc bỏ quy định chấp thuận tuyến, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, đó là bước tiến trong quản lý, cần thực hiện sớm để tránh khó khăn cho doanh nghiệp. “Chưa cần nói đến tiêu cực nhưng việc bỏ chấp thuận tuyến đã bớt cho doanh nghiệp công tìm hiểu, gặp gỡ, giao tiếp với các cơ quan chức năng”, ông Thanh nói. Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, việc bỏ chấp thuận tuyến loại bỏ nguy cơ tiêu cực và đồng tình với việc sớm đấu thầu các nốt xe chạy vào giờ đẹp để thu thêm kinh phí cho ngân sách.

Thực chất, câu chuyện doanh nghiệp vận tải phải bỏ tiền mua “nốt” xe khách đã từng được đề cập một số lần trước đây. Thậm chí, vấn đề này còn được nhiều tờ báo chất vấn trong cuộc họp báo của UBND TP Hà Nội sau vụ quá tải Bến xe Mỹ Đình gần đây. Năm 2005, Sở GTVT Hà Nội (lúc đó là Sở Giao thông Công chính) từng ban hành một văn bản (số 1818) trái với quan điểm Bộ GTVT.

Theo đó, quy định của Bộ GTVT (Quyết định 09) muốn tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải: Nếu không vi phạm những quy định, nội quy hoạt động trên tuyến, hoặc quy định khác của pháp luật thì được khai thác trong 7 năm mới phải đăng ký lại và chỉ cần đăng ký tại một đầu tuyến. Tuy nhiên, Sở GTVT Hà Nội cho rằng có đặc thù nên doanh nghiệp vận tải muốn hoạt động vào địa bàn, hàng năm phải đăng ký 2 đầu tuyến (điểm đi và điểm đến).

Theo Nhóm PV Kinh tế

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên