Hà Nội tuyển mới không quá 50% biên chế đã tinh giản, nghỉ hưu
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.
- 10-03-2016Kiên trì tinh giản biên chế, đổi mới công tác cán bộ
- 05-03-2016Hà Nội chi gần 2 tỷ đồng trả cho 20 người bị tinh giản biên chế
- 12-02-2016Thứ trưởng Bộ Nội vụ chỉ ra ba trở ngại khi tinh giản biên chế
- 27-01-2016Bộ Công thương tinh giản gần 200 biên chế trong năm 2015
- 20-01-2016Đã tinh giản hơn 9.500 biên chế năm 2015
Thành ủy Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trí về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị gắn với hoàn thiện, bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp. Trước mắt, giữ ổn định tổ chức như hiện nay.
Không thành lập các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn.
Đồng thời rà soát lại bộ máy các sở, ban, ngành của thành phố để kiện toàn các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP. Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập theo ngành, lĩnh vực. Phân loại đơn vị sự nghiệp để thực hiện các hình thức chuyển đổi phù hợp (hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, từng bước cổ phần hóa, hợp tác công tư...).
Bên cạnh đó, đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động (trường học, bệnh viện...) theo hướng tiếp tục đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, nhân sự và khuyến khích thành lập các tổ chức cung ứng dịch vụ công thuộc các thành phần ngoài nhà nước, nhất là lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học.
Kiên trì thực hiện chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị thành phố. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì các cơ quan tổ chức, đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế hiện có.
Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thành lập mới trường, tăng lớp, tăng học sinh; lĩnh vực y tế thành lập mới tổ chức, tăng quy mô giường bệnh... thì có thể bổ sung biên chế phù hợp, nhưng phải quản lý chặt chẽ. Giữ ổn định biên chế của các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp đến hết năm 2016.
Từ năm 2017, thực hiện khoán hoặc hỗ trợ kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập từ thành phố đến cơ sở phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2020) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện.
Trong đó, phải xác định tỷ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của đơn vị. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu sự nghiệp, khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi thêm 10% số lượng viên chức sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và xã hội hóa, thay thế nguồn trả lương từ ngân sách nhà nước bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.
Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện các quy định về số lượng cấp phó trong các cơ quan, tổ chức của Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội từ cấp thành phố đến cấp cơ sở. Tiếp tục thực hiện cơ chế khoán kinh phí quản lý hành chính gắn với chế độ tiền thưởng để khuyến khích những người làm việc tốt, hiệu quả...
BizLIVE