Hà Nội xử phạt người đi bộ, nhiều người ngơ ngác
Nhiều người bị công an thổi phạt đã tỏ ra ngơ ngác vì trước giờ chưa để ý quy định này, cũng có ý kiến phản ứng cho rằng mình vi phạm vì lòng, lề đường đã bị chiếm dụng.
- 01-02-2016Các quy định "sát sườn" có hiệu lực trong tháng 2/2016
- 28-01-2016Quy định mới về việc dừng xe kiểm tra của CSGT
- 27-01-2016Từ 1/2, xử phạt người đi bộ vi phạm giao thông
- 22-01-2016Ráo riết bỏ “bẫy” giao thông đường bộ
- 15-01-2016Luật Giao thông đường bộ: Phát sinh nhiều hạn chế sau 6 năm
Sáng 1-2, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP. Hà Nội) đã tiến hành kiểm tra xử phạt, tuyên truyền với những người đi bộ không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của tín hiệu đèn, biển báo, vạch kẻ đường, đi không đúng làn đường...
Ghi nhận tại các khu vực giao thông có đông người đi bộ qua đường như Hàng Bài, trước tượng đài Lý Thái Tổ, trước đền Ngọc Sơn có rất nhiều người đi bộ tỏ ra “ngơ ngác” khi bị thổi phạt.
Tuy nhiên sau khi được giải thích, đa phần người đi bộ đều đồng tình với việc xử lý nghiêm những trường hợp người đi bộ gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông.
Ông Nguyễn Văn Trường (55 tuổi, ở Bắc Giang) làm nghề đánh giày ở Hà Nội cho biết: “Khi đi lại qua đường nhiều lúc chúng tôi không để ý mà chỉ thường đi theo do thói quen. Nay bị nhắc nhở thì sẽ rút kinh nghiệm để đi cho đúng”.
Anh Tạ Việt Dũng (28 tuổi, quê Hà Tĩnh) cho biết anh vừa từ quê đưa người nhà ra Hà Nội chữa bệnh, khi đi qua đường thì lực lượng CSGT nhắc nhở.
“Ở trong quê chúng tôi chưa từng bị xử phạt vì đi chưa đúng với vạch kẻ dưới đường. Nay được nhắc nhở tôi nghĩ người dân cũng cần tự giác và ý thức hơn với việc đi bộ của mình. Đi bộ sai sẽ làm ảnh hưởng đến người khác và hình ảnh văn hóa giao thông bị xấu xí đi”, anh Dũng nói.
Tuy nhiên, cũng có nhiều người đi bộ sai quy định bị công an nhắc nhở đã có ý kiến phản ứng rằng nhiều khu vực lòng đường, hè phố đã bị chiếm dụng hết khiến cho người đi bộ bắt buộc phải đi xuống lòng đường.
Đại diện PC67 cho rằng hiện tại lực lượng CSGT chỉ xử phạt ở những tuyến đường có biển báo, đèn báo tín hiệu và vạch kẻ đường. Những tuyến phố bị lấn chiếm đơn vị này sẽ phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Hà Nội kiểm tra và điều chỉnh cho phù hợp.
Trao đổi với chúng tôi- đại úy Nguyễn Minh Đức - đội phó Đội CSGT số 1 (PC67) cho biết: “Quan điểm của PC67 mong muốn người đi bộ tham giao thông có ý thức hơn với chính bản thân mình cũng như cho người khác.
Người đi bộ đi không đúng với tín hiệu đèn, vạch kẻ đường sẽ là nguyên nhân tiềm ẩn gây tai nạn giao thông”.
“Ngoài ra đi bộ sai quy định cũng làm xấu đi hình ảnh của Thủ đô, đặc biệt trong mắt khách du lịch. Những ngày đầu chúng tôi sẽ tiến hành tuyên truyền là chính tuy nhiên những trường hợp đi bộ qua đường nguy hiểm cho người tham gia giao thông thì sẽ xử phạt luôn”.
Mức xử phạt người đi bộ vi phạm
Theo quy định, người vi phạm sẽ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi như: Đi không đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.
Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm như: Mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; Vượt qua dải phân cách; Đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn; Đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, duy trì đường cao tốc.
Một người đánh giày đi không đúng làn được được CSGT hướng dẫn, tuyên truyền
Người đi bộ vi phạm luật giao thông bị thổi phạt
Một người đánh giày “ngơ ngác” vì bị thổi phạt do đi sai làn đường
Lực lượng CSGT ghi thông tin về người vi phạm
Nhắc nhở trường hợp người đi bộ đi không tuân thủ theo vạch kẻ đường
Tuổi Trẻ