MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Hạn chế làm đường sá phục vụ phương tiện cá nhân”

01-04-2016 - 08:41 AM | Xã hội

Phát ngôn của TS Huỳnh Thế Du "Không mở đường, cứ để kẹt xe người dân chịu hết nổi sẽ chuyển sang dùng phương tiện công cộng" tại Hội thảo các giải pháp giảm ùn tắc và tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020 vừa tổ chức gây ra nhiều tranh cãi.

TS. Huỳnh Thế Du
TS. Huỳnh Thế Du
Giảng viên Chính sách công Giám đốc Đào tạo Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright
27 bài viết

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi trực tiếp với TS Huỳnh Thế Du xung quanh ý tưởng của ông.

Giảng viên của chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng: Theo tôi trong giai đoạn này thành phố cần làm là phải xây dựng chương trình đột phá phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) và lấy đây làm xương sống cho hệ thống giao thông TP.HCM. Bởi vì những siêu đô thị lớn trên thế giới họ đều dựa vào VTHKCC để giảm ùn tắc giao thông. Phát triển theo hướng VTHKCC được xem là xu hướng đáng mong đợi nhất hiện nay. Không có một siêu đô thị nào như TP.HCM giảm được kẹt xe nếu không đầu tư phát triển VTHKCC.

Xin ông giải thích rõ hơn về lý do không nên làm thêm hay mở rộng đường sá, cứ để kẹt xe?

- Nếu như chỉ tập trung vào làm đường sá, làm cầu vượt như hiện nay mà không đầu tư VTHKCC thì không thể giảm ùn tắc giao thông. Nguyên nhân là khi xây thêm đường nhiều người sẽ có xu hướng mua sắm thêm phương tiện cá nhân và sử dụng thường xuyên hơn. Kết quả là ùn tắc giao thông chỉ được giảm trong giai đoạn đầu, sau đó lại tiếp tục tắc nghẽn.

Do vậy trong vòng 5 – 10 năm nữa thành phố cần tập trung nguồn lực phát triển VTHKCC, chứ không phải chỉ tập trung vào phát triển đường sá. Nếu không có khả năng trong 5 – 10 năm tới thành phố sẽ trở thành một bãi xe khổng lồ như Bangkok, Jakata.

Nhưng thực trạng hạ tầng giao thông của TP.HCM khác với cả Bangkok, Jakata nhiều chứ?

- TP.HCM đang làm theo cách là cứ kẹt thì mở thêm đường, làm thêm cầu vượt, làm như vậy không hiệu quả. Hiện nay đường giao thông chiếm khoảng 8% diện tích đất thành phố, trong khi thành phố phát triển rất nhanh. Giả sử nếu giảm xe hai bánh, người dân chuyển sang đi ô tô thì 1 chiếc ô tô chiếm diện tích đường bằng 4 chiếc xe máy khi đó thành phố cần thêm 4 lần diện tích mặt đường nữa, tức khoảng 1/3 diện tích thành phố. Đây là điều không thể thực hiện được.

Theo tôi, trong điều kiện nguồn lực có hạn, giao thông ngày càng quá tải thì nên đầu tư phát triển VTHKCC chứ không nên ưu tiên làm đường sá cho phương tiện cá nhân. Theo tôi cần xây dựng quy mô công trình là các tuyến VTHKCC công suất lớn gắn với phát triển đô thị dọc tuyến và dự án cải cách hệ thống xe buýt; tăng số lượng vận tải công cộng lên gấp 2 – 3 lần hiện nay (khoảng 2.800 xe buýt). Ở những tuyến đường có hướng phát triển VTHKCC, nên hạn chế phát triển các công trình phục vụ phương tiện cá nhân. Nếu làm đồng thời thì đương nhiên người dân vẫn sẽ đi xe cá nhân. Bởi vì hiện nay vận tải công cộng đang bất lợi so với các loại hình khác.

Tăng lượng xe buýt lên gấp 2 – 3 lần hiện nay liệu có khả năng gây ùn tắc giao thông nhiều hơn?

- Trong tương lai các tuyến tàu điện ngầm chỉ đáp ứng một phần nhu cầu đi lại ở một số trục chính, phần còn lại vẫn là vai trò của xe buýt. Do đó cần xây dựng đầu tư mới hệ thống xe buýt để tăng số lượng xe lên 2 – 3 lần so với hiện nay (tỷ lệ 500 – 1000 xe buýt/triệu dân). Đây là một thách thức rất lớn nhưng nếu không có đủ mật độ xe một cách hợp lý thì sẽ không tạo ra sự tiện lợi mà kết quả là đa phần người dân sẽ không sử dụng xe buýt.

Để làm điều này, cần thiết kế các làn đường dành riêng cho xe buýt trên một số tuyến, nhất là những tuyến đông người đi. Cần thiết kế để người dân thấy đi xe buýt thì thông thoáng, đi các phương tiện khác thì mệt nhọc do tắc nghẽn giao thông. Bên cạnh đó cần sáp nhập các đơn vị vận tải hành khách bằng xe buýt để giảm sự chồng chéo và cạnh tranh không cần thiết, đồng thời xem xét kết hợp giữa trợ giá theo hành khách và trợ giá theo số km vận hành để tạo động cơ vận hành ở những tuyến vắng khách nhưng cần thiết cho việc kết nối.

Trong điều kiện dân cư phân tán như hiện nay, lấy VTHKCC làm chủ đạo liệu có khả thi?

- Đây cũng là một bài toán mà thành phố cần giải quyết. Xưa nay nhiều người đổ thừa cho kẹt xe là do xây nhiều cao ốc, khu thương mại ở trung tâm. Nhưng thực tế không phải vậy, ở các thành phố lớn trên thế giới họ đều xây dựng theo mô hình thành phố nén. Ở các khu trung tâm họ có những tòa nhà chọc trời, những khu dân cư đông đúc để dễ tổ chức giao thông, nhất là giao thông công cộng.

Do đó theo tôi cần phát triển đô thị nén, hạn chế phát triển đô thị phân tán, mật độ thấp, phát triển đô thị phải dựa vào định hướng vận tải công cộng. Trên các tuyến vận tải công cộng cần có các khu cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại để phục vụ nhu cầu người dân. Nếu như chất lượng VTHKCC tốt, thuận tiện hơn loại hình khác thì không sợ thiếu người đi.

Xin cảm ơn ông.

“TP.HCM đang làm theo cách là cứ kẹt thì mở thêm đường, làm thêm cầu vượt, làm như vậy không hiệu quả. Giả sử nếu giảm xe hai bánh, người dân chuyển sang đi ô tô thì 1 chiếc ô tô chiếm diện tích đường bằng 4 chiếc xe máy khi đó thành phố cần thêm 4 lần diện tích mặt đường nữa, tức khoảng 1/3 diện tích thành phố. Đây là điều không thể thực hiện được. Theo tôi, trong điều kiện nguồn lực có hạn, giao thông ngày càng quá tải thì nên đầu tư phát triển VTHKCC chứ không nên ưu tiên làm đường sá cho phương tiện cá nhân”

Theo Hữu Ký

Dân Việt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên