MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệp hội vận tải taxi cho rằng còn nhiều bất hợp lý

07-09-2015 - 09:49 AM | Xã hội

Theo quy định mới của Bộ GTVT, xe taxi tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có niên hạn 8 năm, các tỉnh khác là 12 năm.Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vận tải, hiệp hội vận tải taxi lại cho rằng quy định như thế là gây khó cho doanh nghiệp và lái xe...

Theo quy định mới của Bộ GTVT, xe taxi tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ có niên hạn 8 năm, các tỉnh khác là 12 năm. Lý giải về quy định này, Bộ GTVT cho rằng, qua thực tế theo dõi tại các đô thị đặc biệt cho thấy, hầu hết các phương tiện hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe taxi có niên hạn từ 8 năm trở lên xuống cấp, không đảm bảo chất lượng dịch vụ, do cường độ khai thác suốt 24h/ngày và 7 ngày /tuần.

Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp vận tải, hiệp hội vận tải taxi lại cho rằng quy định như thế là gây khó cho doanh nghiệp và lái xe...

Cho rằng, sự trả lời của Bộ GTVT là chưa thỏa đáng, các chính sách chưa thấu tình đạt lý, ông Lê Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải taxi Hà Nội thẳng thắn dẫn chứng, việc niên hạn sử dụng của xe ôtô được tính bắt đầu từ năm sản xuất xe, theo Nghị định số 95/2009/NĐ-CP là không hợp lý, vì phạm vi điều chỉnh có ghi rõ Nghị định này quy định về niên hạn sử dụng đối với các loại xe ôtô chở hàng, trừ các xe ôtô chở người đến 9 chỗ ngồi.

Như vậy, xe chở người dưới 9 chỗ ngồi không thuộc đối tượng áp dụng quy định về niên hạn sử dụng xe của Nghị định này, vì vậy việc nêu điều 5 của Nghị định này để quy định niên hạn theo năm sản xuất cho xe taxi là chưa thuyết phục.

Ví dụ xe ôtô được sản xuất tháng 12/014, bán ra đầu năm 2015, doanh nghiệp mua xe đăng ký lần đầu năm 2015 chỉ được cấp phù hiệu có thời hạn 7 năm để kinh doanh, nếu tính niên hạn theo năm sản xuất. Điều này đã làm cho các đơn vị kinh doanh taxi đã khó khăn lại càng thêm khó khăn, vì những chính sách chưa thấu tình đạt lý.

Mặt khác, việc quy định xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 8 năm gây khó khăn cho các doanh nghiệp taxi, khó khăn cho đời sống người lái xe taxi và làm lợi cho các doanh nghiệp bán xe. Bởi lẽ, hai phần ba thời gian kinh doanh của một chiếc xe taxi chỉ để nộp thuế và phí.

Để dễ hình dung, ông Bình đưa ra ví dụ một chiếc xe taxi có giá 500 triệu đồng, thì riêng thuế nhập khẩu, thuế VAT; phí trước bạ, phí đăng ký, đăng kiểm, phí đường bộ và chi phí biển số chiếm 66% giá trị xe tương ứng 330 triệu.

Một chiếc taxi nếu chỉ được hoạt động 8 năm, thì thời gian 5 năm 3 tháng kinh doanh chỉ để trả 330 triệu đồng tiền thuế và phí. Như vậy chiếc xe này chỉ còn hoạt động thêm 2 năm để trả phần xe còn lại là 270 triệu và trả lãi vay.

Trong quá trình hoạt động còn phát sinh nhiều rủi ro, như xe hỏng hóc, chờ phụ tùng sửa chữa, xe phải tạm dừng để bảo dưỡng... vì vậy việc quy định xe taxi chỉ có niên hạn hoạt động 8 năm, đã bó buộc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, trước đây, xe taxi có chất lượng thấp hơn, thì niên hạn hoạt động được quy định là 12 năm, nay xe có chất lượng cao hơn, thời gian bảo hành cao hơn, thì niên hạn sử dụng lại quy định thấp hơn 4 năm. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải taxi cho biết thêm, nếu áp dụng đúng quy định trên, thì hàng chục nghìn xe taxi nhãn hiệu GetZ hoặc KIA sản xuất năm 2009 sẽ hết hạn sử dụng vào năm 2016.

“Chúng tôi đề nghị Quý bộ cho đánh giá thực tế dựa trên những luận cứ khoa học, những chiếc xe này sau 7 năm hoạt động có bảo đảm hình thức và chất lượng xe, để phục vụ mọi đối tượng khách hàng đi taxi hay không”, ông Bình nhấn mạnh.

Mà thực tiễn cho thấy, đất nước ta còn nghèo, xe ôtô trong nước chưa sản xuất được, đều phải nhập khẩu xe nguyên chiếc hoặc linh kiện rời, hàng năm số ngoại tệ phải bỏ ra hàng tỷ đô la, để nhập khẩu ôtô.

Việc hạ niên hạn xe taxi làm cho các DN taxi tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hàng năm phải đi vay khoảng 2.000 tỷ đồng để đầu tư 4.000 xe mới (TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 35.000 xe taxi, mỗi năm thay thế khoảng 12,5% xe, tức là khoảng hơn 4.000 xe taxi, do hết thời hạn sử dụng 8 năm).

Điều này đem lại lợi ích cho chính các hãng bán xe và gây khó khăn cho các doanh nghiệp taxi. Cuối cùng, việc quy định niên hạn như trên, lại là tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp lách luật. Cụ thể là một số doanh nghiệp, hợp tác xã đưa xe taxi không được cấp phù hiệu taxi tại Hà Nội, do đã hết niên hạn 8 năm về các tỉnh xin cấp phù hiệu, rồi đưa về Hà Nội tiếp tục kinh doanh thêm 4 năm.

Các doanh nghiệp phải loay hoay tìm mọi cách chạy vòng vèo như trên, nhằm mục địch được cấp phù hiệu cho các xe tiếp tục kinh doanh. Nghịch lý trên xuất phát chính từ quy định niên hạn xe, vì xe hết niên hạn 8 năm chất lượng còn tốt, trong khi đó mua xe mới giá quá cao, vì vậy doanh nghiệp đành phải chấp nhận phương án lách luật để tồn tại. Như vậy, chính sách của các cơ quan quản lý về vấn đề này chưa bám sát thực tế cuộc sống.

Trước hàng loạt các lý lẽ trên, Hiệp hội Vận tải taxi Hà Nội đã đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu, xem xét chấp thuận phương án tính niên hạn xe taxi theo thời điểm đăng kiểm lần đầu (không tính theo năm sản xuất) và nghiên cứu chấp thuận phương án Niên hạn xe taxi là 10 năm tính từ thời điểm đăng kiểm lần đầu, thay cho quy định 8 năm như hiện nay.

Theo Đặng Nhật

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên