MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không chỉ dừng ở việc kỷ luật hơn 50.000 đảng viên

16-01-2015 - 17:29 PM | Xã hội

Nghị quyết TW4 không chỉ dừng ở việc xử lý kỷ luật hơn 50.000 đảng viên mà còn góp phần vào công tác cán bộ, phòng chống tham nhũng.

Cách đây 3 năm, ngày 16/1/2012, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã được ban hành. Mục tiêu của Nghị quyết là tạo sự chuyển biến rõ rệt, khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng. Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết đã được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đón nhận với một tình cảm vui mừng, phấn khởi, tin tưởng và nhất trí cao.

Tại Hội nghị TW10 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tiếp tục kiên trì – kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Trả lời phỏng vấn của chúng tôi sau 3 năm triển khai Nghị quyết, ông Nguyễn Đức Hà- Vụ trưởng, Ban Tổ chức Trung ương, thành viên Tổ giúp việc Bộ Chính trị thực hiện Nghị quyết TW4 cho biết: Nghị quyết không chỉ dừng ở việc xử lý kỷ luật hơn 50.000 đảng viên mà còn góp phần quan trọng vào công tác cán bộ, phòng chống tham nhũng.

Ngăn chặn một bước tình trạng suy thoái 

Thưa ông, sau 3 năm thực hiện Nghị quyết TW4, ông đánh giá thế nào về những hiệu quả mà Nghị quyết mang lại?

Ông Nguyễn Đức Hà: Có thể nói, lần này, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 với quyết tâm chính trị rất cao, có nhiều giải pháp cụ thể, mới, phù hợp. Nghị quyết Trung ương 4 được chỉ đạo bài bản, chặt chẽ. Sau 1 năm, Ban Chấp hành Trung ương có sơ kết. Hàng năm, Bộ Chính trị có báo cáo đánh giá tình hình, tổ chức các đoàn kiểm tra việc triển khai, lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện Nghị quyết.

Đến nay, sau 3 năm đi vào cuộc sống, cũng có thể có những ý kiến đánh giá khác nhau, cũng có thể vẫn còn những hạn chế, yếu kém, chưa đáp ứng được lòng mong đợi của nhân dân nhưng chúng tôi có thể khẳng định rằng, Nghị quyết TW4 đã góp phần quan trọng đấu tranh, ngăn chặn một bước tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những hiện tượng tiêu cực. 

Hơn 50.000 đảng viên đã bị xử lý kỷ luật 

Vấn đề cấp bách đầu tiên mà Nghị quyết TW4 chỉ ra là tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình. Vậy, qua việc kiểm điểm này, chúng ta đã làm rõ được “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống” chưa, thưa ông ?

Ông Nguyễn Đức Hà: Qua đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết TW4, các cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên thấy rõ hơn, nhận thức sâu sắc hơn về ý nghĩa , tầm quan trọng cũng như tính cấp thiết phải tiếp tục đổi mới và chỉnh đốn Đảng. Từ đó nhận thấy trách nhiệm của mình và tự giác thực hiện Nghị quyết. Tôi cho rằng, đó là sự chuyển biến rất quan trọng về nhận thức. Khi Nghị quyết mới ra đời, nhiều người hỏi rằng, “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái” nằm ở đâu? “Bộ phận không nhỏ” ấy là bao nhiêu? Tuy nhiên, khi chúng ta hiểu được những biểu hiện của suy thoái như thế nào thì mọi người có thể tự trả lời được câu hỏi này. Nó nằm ngay trong các cơ quan, đơn vị, địa phương và trong mỗi đảng viên…

Đó là tinh thần trách nhiệm, hoàn thành nhiệm vụ, ý thức tổ chức kỷ luật, có ngại khó, ngại khổ không, có né tránh va chạm không, có phụ vụ lợi ích cá nhân không, có hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao hay không, có lúc nào hoang mang, dao động, vô cảm không?

Năm 2012, chúng ta tiến hành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, tiến hành đợt tự phê bình và phê bình. Sau đó, từ năm 2013, tinh thần chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương là đưa việc thực hiện Nghị quyết TW4, đưa công tác xây dựng Đảng trở thành thường xuyên, nề nếp, không có những đợt kiểm điểm riêng, gắn với kiểm điểm cuối năm, gắn với xếp loại đảng viên cuối năm.  

Trong đợt tự phê bình và phê bình năm 2012, chúng ta đã xử lý kỷ luật gần 16.000 đảng viên, tăng 16% so với năm 2011. Đến năm 2013, chúng ta kỷ luật hơn 21.000 đảng viên. Tất nhiên, năm 2013 có một số gối đầu từ năm 2012 chuyển sang. Năm 2014, theo số liệu thống kê sơ bộ, cũng có hơn 17.000 đảng viên bị xử lý, kỷ luật ở các mức độ khác nhau. Như vậy, trong 3 năm triển khai Nghị quyết TW4, chúng ta đã xử lý kỷ luật trên 50.000 đảng viên.

Đây là một con số khá lớn. Số đảng viên bị xử lý kỷ luật này có cả diện Ban Bí thư quyết định, có cả diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định, có cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quyết định… Điều này cho thấy rõ ràng rằng, nhận định của Ban chấp hành TW về “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái” là hoàn toàn có cơ sở. 

 Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược nhiệm kỳ 2016 - 2021

Nghị quyết TW4 cũng đặt ra yêu cầu cấp bách là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược. Vậy ông có thể nói rõ hơn về kết quả sau 3 năm triển khai nội dung này?

Ông Nguyễn Đức Hà: Sau khi có Nghị quyết TW4, Bộ Chính trị chỉ đạo ráo riết, quyết liệt. Sau 1 năm, Ban Tổ chức TW đã xây dựng Đề án “Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược”. Lần đầu tiên, Ban chấp hành TW đã thảo luận về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, đối tượng, tiêu chuẩn, cơ cấu, tuổi tác, giới tính của cán bộ cấp chiến lược… Nói đúng ra, đó là quy hoạch Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các chức danh chủ chốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo.

Từ Hội nghị TW6 đến các hội nghị tiếp theo, có thể nói, Ban Chấp hành Trung ương luôn dành thời gian để thảo luận việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược. Sau đó, Bộ Chính trị quyết định tổ chức các lớp học cho các cán bộ dự nguồn cao cấp. Đến nay đã tổ chức được 5 lớp cán bộ dự nguồn được mở với hơn 400 người học. Tới đây, sẽ tổ chức thêm lớp thứ 6 nữa. Lần đầu tiên, chúng ta tổ chức các lớp bồi dưỡng theo chức danh, cập nhật các kiến thức mới cho các đồng chí ủy viên Trung ương khóa XI, tổ chức 3 lớp cho Bí thư cấp ủy, cấp huyện. Đó là cái rất mới. Từ kinh nghiệm đó, vừa qua, hơn 1 nửa số tỉnh, thành ủy trong cả nước đã tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ dự nguồn của địa phương mình.

Kiện toàn cơ quan chống tham nhũng 

Thưa ông, trong công tác phòng chống tham nhũng- vấn đề mà đảng viên và nhân dân rất quan tâm thì Nghị quyết TW 4 đã góp phần giải quyết như thế nào?

 Ông Nguyễn Đức Hà: Sau khi có Nghị quyết TW 4, hầu như tất cả các cấp ủy, tổ chức Đảng đều rà soát quy chế làm việc. Cái gì phù hợp, chưa phủ hợp, bổ sung, sửa đổi, xác định rõ mối quan hệ giữa cấp ủy với thường vụ, thường trực thế nào. Biết bao dự án ở các tỉnh đã phải rà soát lại. Những dự án cấp phép rồi, không có khả năng thực hiện thì sẽ bị rút phép, chuyển giao cho chủ đầu tư khác có năng lực hơn, không có kiểu tay “không bắt giặc”, xí phần để đấy….

Đặc biệt, sau Hội nghị Trung ương 5, Ban Chấp hành Trung ương kiện toàn lại Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, thành lập Ban Nội chính Trung ương – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng. Sau khi ra đời, Ban Chỉ đạo đã có những việc làm khá quyết liệt. Rất nhiều vụ án, tưởng như lâu nay bị chìm đắm , bị rơi vào im lặng đã được đưa ra ánh sáng với những bản án hết sức nghiêm minh, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng.

Lấy phiếu tín nhiệm: Dân chủ trong Đảng và toàn xã hội 

Vừa qua, việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ thực hiện ở Quốc hội mà còn thực hiện ở Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đây cũng là hiệu ứng của Nghị quyết Trung ương 4, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Hà: Đúng vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội, trong Ban chấp hành Trung ương hay lấy phiếu tín nhiệm ở các cấp cũng là tinh thần của Nghị quyết TW4. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị TW10, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói, việc lấy phiếu tín nhiệm thể hiện dân chủ ở Ban chấp hành Trung ương và kết quả đạt được là tốt. Đây là những việc mới, lần đầu tiên chúng ta làm. Mà đã là mới thì thường khó, cả lý luận và thực tiễn. Chúng ta vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa điều chỉnh.

Chẳng hạn, trước đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định 165 về lấy phiếu tín nhiệm nhưng qua thực hiện thấy rằng, cần phải bổ sung, sửa đổi nên đã ban hành Quy định 262. Ví dụ trước đây quy định, năm nào cũng lấy phiếu tín nhiệm thì nay thấy rằng, không cần thiết. Đối tượng lấy phiếu thế nào, phải cung cấp thông tin gì… cũng được sửa đổi.

Càng về sau, việc lấy phiếu càng phản ánh tương đối khách quan và sát với thực tiễn hơn. Thông qua kênh lấy phiếu tín nhiệm giúp cho các cấp ủy đánh giá cán bộ khách quan, toàn diện, chính xác hơn. Nhưng quan trọng là mỗi đồng chí được lấy phiếu tín nhiệm phải tự suy nghĩ, tự soi xét lại mình, tìm mọi cách khắc phục khuyết điểm, chỉ đạo ráo riết, quyết liệt hơn...

Việc lấy phiếu tín nhiệm ở Quốc hội và ở Hội nghị Trung ương 10 vừa qua đều có 3 mức là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp, đúng theo tinh thần Quy định 262 của Bộ Chính trị. Việc lấy phiếu tín nhiệm không nhằm mục tiêu thay thế hay cắt chức ai mà giúp cho cấp ủy có thêm một kênh thông tin để nhìn nhận cán bộ cho khách quan, chính xác.

Chính vì thế, Bộ Chính trị mới quy định, có 2 lần gồm: lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người có số phiếu tín nhiệm thấp quá bán. Chúng ta phải hiểu cho rõ như vậy để đừng lập lờ khái niệm bởi suy cho cùng, khi chúng ta xây dựng một chức danh cán bộ thì phải trải qua một quá trình đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, cất nhắc… rất công phu. Qua việc lấy phiếu sẽ làm cho cán bộ tốt lên, phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Hương Giang

 

PV

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên