MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kinh nghiệm hạn chế xe cá nhân từ các nước châu Á

25-11-2013 - 10:08 AM | Xã hội

Cơ sở hạ tầng giao thông ở các đô thị trên thế giới ngày một ùn tắc, ô nhiễm bởi phương tiện cá nhân đang gia tăng chóng mặt và giới chức địa phương buộc phải tìm mọi cách để hạn chế.

Lưu thông chẵn lẻ

Bộ Công trình công cộng Indonesia cảnh báo: Năm 2014, Thủ đô Jakarta sẽ rơi vào tình trạng ùn tắc nghiêm trọng chưa từng có. Đây là hệ quả của sự gia tăng chóng mặt các loại phương tiện cá nhân. 40% - 60% thời gian lưu thông của ô tô dành cho việc nhích từng mét tại các giao lộ, nhất là vào giờ cao điểm. 

Do vậy, từ tháng 6/2013, ô tô tham gia giao thông mang biển số lẻ sẽ lưu thông ngày lẻ, xe mang biển chẵn sẽ chỉ lưu thông trong ngày chẵn. Khoảng 1,3 triệu USD được chi ra để đổi màu biển số xe: Biển số chẵn có màu xanh lá cây, biển số lẻ màu đỏ. Trên các tuyến đường áp dụng quy định mới sẽ có hệ thống camera giám sát để theo dõi và xử phạt các trường hợp vi phạm.

Người đứng đầu ngành GTVT Jakarta - Udar Pristono và Ủy viên Hội đồng thành phố Sahrianta Tarigan thừa nhận: “Nạn ùn tắc khó có thể được cải thiện vì làm thêm đường sá không thấm vào đâu do phương tiện cá nhân phát triển quá nhanh. Cách cải thiện duy nhất là hạn chế xe mới đăng ký và áp dụng quy định ô tô lưu thông theo ngày chẵn, lẻ”. 

Ông Joko Widodo - Thống đốc Jakarta cũng chia sẻ "Bước đầu chắc sẽ không được thuận lợi vì sẽ gặp phải những phản ứng của một bộ phận người tham gia giao thông. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn phải hành động quyết liệt để cải thiện tình trạng giao thông, khí hậu và sức khỏe người dân".

Có chỗ đỗ mới được mua xe

Dự kiến năm 2014, chính quyền Bắc Kinh (Trung Quốc) sẽ cấm những người không có chỗ đỗ xe riêng mua phương tiện mới. Đây là nỗ lực nhằm hạn chế nạn ùn tắc giao thông và mức ô nhiễm khói. Theo đó, những ai muốn mua xe mới phải trình “giấy chứng nhận có chỗ đỗ xe” trước khi mua. Hiện Bắc Kinh có đến 5 triệu xe hơi nhưng chỉ có 741.090 chỗ đỗ xe.

Giám đốc bộ phận quản lý đỗ xe thuộc Ủy ban Giao thông vận tải Bắc Kinh cho biết: “Đây là xu hướng phát triển của tương lai”. Cho dù chính sách này nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhưng trong một cuộc khảo sát nhanh do Tân Hoa Xã thực hiện thì có đến trên 50% số người tham gia khảo sát ủng hộ. 

 

Từ năm 2014, người dân Bắc Kinh (Trung Quốc) muốn mua xe phải có chỗ đỗ

Còn tại Singapore, mỗi khu vực chỉ được cấp một số lượng chỗ đỗ xe nhất định. Muốn mua ô tô thì phải có giấy chứng nhận sở hữu bãi đỗ xe. Chi phí cho mỗi chỗ đỗ cũng không rẻ, bao gồm chi phí ban đầu gần 200.000 USD  và chi phí thường niên. Một thương nhân đến từ Arab Saudi vò đầu bứt tóc vì không kiếm được chỗ đậu xe: “Khu vực tôi ở đã hết chỗ để xe rồi, chính quyền địa phương không cấp thêm phép vì “quota” đã đủ. Giờ tôi đành phải đợi ai đó trong khu vực chuyển đi chỗ khác hoặc... qua đời, mới có hy vọng”. 

Hạn chế bằng phí 

Cũng tại Singapore, tổng chi phí sở hữu một chiếc Toyota Altis khoảng 120.000 USD, trong khi ở Malaysia chiếc xe này có giá chỉ từ 34.000 USD, ở Mỹ từ 16.000 USD, ở Anh từ 20.000 USD.Trước khi ra đường, chủ xe phải làm một loạt thủ tục để được cấp: Chứng nhận lưu hành, chứng nhận hạn ngạch lưu hành, thuế đường, phí lưu hành, ngoài ra còn phải đăng ký tại Cục Quản lý giao thông đường bộ...

Trong đó, phức tạp và tốn kém nhất là giấy phép lưu hành phương tiện (có giá trị trong 10 năm) - COE (Certificate of Entitlement). Hiện, mua một COE khoảng 70.000 USD. Chính phủ kiểm soát số lượng giấy phép COE rất chặt chẽ. Các giấy phép này được đấu giá và mức giá mỗi giấy phép sẽ tăng giảm tùy theo cung cầu. 

Năm 1975, tại Singapore, một cuộc tranh luận lớn liên quan đến thu phí giao thông đã nổ ra và người dân được chính phủ thuyết phục rằng, đây là một biện pháp quản lý giao thông chứ không phải là trút gánh nặng lên người dân. Trên thực tế, sau khi được áp dụng, phí ùn tắc đã tạo ra những thay đổi đáng kể khi lưu lượng phương tiện giảm 45%, số vụ tai nạn giảm 35%. Bên cạnh đó, mỗi năm, nguồn thu từ phí ùn tắc giúp Singapore có được 50 triệu USD để tu bổ đường sá và phát triển giao thông công cộng.

Tháng 4/2003, ông Ken Livingstone - Thị trưởng London (Anh) đã rất khiêm tốn với mục tiêu giảm 10% phương tiện vào trung tâm thành phố; nhưng chỉ trong một năm con số này đã là 17,3%. Mục đích của chính quyền rất rõ ràng, đó là hạn chế những người sử dụng phương tiện cá nhân vào thành phố, giảm lưu lượng giao thông. Người dân London nhanh chóng ghi nhận những thay đổi tích cực khi đường thông thoáng hơn, vận tốc dòng xe tăng lên rõ rệt.

Ngoài ra, nguồn kinh phí nâng cấp giao thông công cộng cũng được cải thiện đáng kể. Từ năm 2008, các thành phố: Berlin, Cologne,Hanover(Đức); Bắc Kinh, Thượng Hải, Nam Kinh (Trung Quốc), Delhi, Mumbai (Ấn Độ)… xem xét áp dụng thu phí ùn tắc nhằm hạn chế sự phát triển quá mức các phương tiện cá nhân, gây quá tải cho hạ tầng giao thông và ô nhiễm. 

Theo Hà Phương

khanhnt

Giao thông vận tải

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên