Nâng cao hiệu quả xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng sau thanh tra
Từ năm 2011 đến nay, cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân đã phát hiện, khởi tố 941 vụ với 1.966 bị can về tội tham nhũng.
Trong phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội chiều ngày 12/6, Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) đã chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh về việc ngành Thanh tra đã tổ chức thanh tra và kết luận nhiều vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nhưng chuyển cho cơ quan điều tra rất ít vụ việc để điều tra, xử lý.
Đại biểu Bùi Thị An cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trả lời câu hỏi này. Vì không có thời gian trả lời Đại biểu Bùi Thị An tại nghị trường, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã trả lời phỏng vấn của chúng tôi về nội dung câu hỏi mà Đại biểu nêu.
Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết ý kiến về câu hỏi của đại biểu Bùi Thị An?
Bộ trưởng Trần Đại Quang: Trong những năm qua, lực lượng Công an nhân dân đã tăng cường quan hệ phối hợp với các bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, trong đó có ngành Thanh tra.
Bộ Công an và Thanh tra Chính phủ đã phối hợp với các ngành chức năng ban hành và triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 12/2011/TTLT-TTCP-VKSNDTC-TANDTC-KTNN-BQP-BCA, ngày 5/12/2011 giữa Thanh tra Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, về việc trao đổi, quản lý và sử dụng thông tin, dữ liệu về phòng, chống tham nhũng; Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-VKSNDTC-TTCP-BCA-BQP, ngày 22/3/2012 về quan hệ phối hợp giữa cơ quan Thanh tra, cơ quan Điều tra, Viện kiểm sát trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan Thanh tra kiến nghị khởi tố. Tăng cường trao đổi thông tin và triển khai các biện pháp công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là trong phối hợp đánh giá tình hình, đề xuất các chủ trương, giải pháp phòng, chống tham nhũng và phối hợp điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Từ năm 2011 đến nay, cơ quan điều tra các cấp trong Công an nhân dân đã phát hiện, khởi tố 941 vụ với 1.966 bị can về tội tham nhũng. Trong đó, có 74 vụ (chiếm tỷ lệ 7,8% tổng số vụ) với 230 bị can là các vụ án có nguồn từ kiến nghị khởi tố của cơ quan Thanh tra.
Đáng chú ý là vụ tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải biển Đông và Công ty Tài chính công nghiệp tàu thủy VFC, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố 06 bị can, bắt tạm giam 05 bị can, truy nã 01 bị can để điều tra về tội tham ô tài sản; qua điều tra mở rộng đã quyết định khởi tố bổ sung vụ án hình sự lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; đã kết luận điều tra vụ án, chuyển hồ sơ đến Viện kiểm sát đề nghị truy tố.
Vụ vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn chi nhánh Nam Hà Nội liên quan đến Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam nợ ngân hàng không có khả năng thanh toán khoảng 4.000 tỷ đồng, chủ đầu tư đã bỏ trốn; Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 26 bị can, trong đó có nguyên Tổng Giám đốc, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam...
Thưa Bộ trưởng, cần thực hiện những giải pháp nào để nâng cao hiệu quả công tác xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng sau thanh tra?
Bộ trưởng Trần Đại Quang: Để nâng cao hiệu quả công tác xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng sau thanh tra, đối với những vụ việc khi mới tiến hành thanh tra đã phát hiện những dấu hiệu tham nhũng đã rõ, cần chuyển ngay cho Cơ quan điều tra mà không phải chờ kết luận thanh tra theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-VKSNDTC-TTCP-BCA-BQP.
Khi thanh tra những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, thì trong thành phần Đoàn thanh tra, cần có cán bộ công an tham gia để tạo thuận lợi hơn cho việc xử lý vụ việc sau khi được chuyển cho Cơ quan điều tra.
Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đang diễn ra rất gay go, quyết liệt, trong đó phát hiện hành vi tham nhũng vẫn là khâu yếu. Để khắc phục hạn chế này, cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục; nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố, trong đó có thông tin từ các cơ quan báo chí; xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp với Kiểm toán, Thuế, Hải quan; xây dựng đội ngũ cán bộ điều tra tội phạm tham nhũng có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ nghiệp vụ sắc bén, có phẩm chất đạo đức trong sạch.
Tội phạm tham nhũng có chủ thể đặc biệt là những người có chức vụ, quyền hạn, có quan hệ rộng với các cơ quan quản lý nhà nước, kể cả cơ quan bảo vệ pháp luật, có điều kiện tác động che giấu hành vi phạm tội và tài sản tham nhũng ngay cả khi đã bị phát hiện hoặc trong quá trình cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra và điều tra. Vì vậy, phải có biện pháp phòng, chống, xử lý nghiêm những hành vi gây khó khăn, cản trở, thờ ơ, né tránh, thiếu trách nhiệm đối với việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; thực hiện có hiệu quả các biện pháp bảo vệ người tố cáo, người làm chứng trong các vụ án tham nhũng.
Phải kiên quyết chống tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng, như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng năm 2014. Theo đó, lực lượng Công an nhân dân tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng ngay trong lực lượng chuyên trách chống tội phạm tham nhũng.
Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, lực lượng Công an nhân dân phải chịu nhiều áp lực, khó khăn, thách thức, vì vậy chúng tôi mong muốn nhận được sự chia sẻ, động viên, ủng hộ, bảo vệ của cử tri, đại biểu Quốc hội, các cơ quan báo chí, các cấp, các ngành để cán bộ, chiến sĩ công an hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.
>>> Án treo trong các vụ án kinh tế, tham nhũng
Theo Minh Phương