Người lao động có thể sống bằng lương từ năm 2016
Chính phủ đã ban hành Nghị định số16/2015/NĐ-CP chế độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đổi mới hoạt động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập.
- 10-01-2015TP.HCM: Gần 800 công nhân ngừng việc đòi tăng lương cơ bản
- 16-05-2013Lương cơ bản chủ tịch tập đoàn: 36 triệu đồng/tháng
- 18-08-2012Nỗi lo… tăng lương cơ bản
- 29-05-2012Hướng dẫn tính mức lương cơ bản mới
Theo đó, một khoản lớn ngân sách Nhà nước sẽ không còn chi trả cho khối này nữa, mà để phục vụ cho cải cách tiền lương ở khu vực cán bộ, công chức. Tuy vậy, minh bạch lương vẫn là điều Việt Nam cần hướng tới.
Hiện mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang được thực hiện từ giữa năm 2013 là 1,150 triệu đồng/tháng, mới chỉ đạt 44,2% so với mức lương tối thiểu bình quân của 4 vùng của khu vực DN (2,6 triệu đồng/tháng) và tính ra mới đạt 35,6% so với mức chi cho nhu cầu tối thiểu (3,23 triệu đồng/tháng).
Thực hiện lộ trình tăng lương cơ bản ở các khu vực, từ ngày 1/1/2016, Chính phủ sẽ phải điều chỉnh mức lương này. Theo đó, mức lương tối thiểu vùng đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội, khả năng chi trả của DN và đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Một nghiên cứu gần đây của JobStreet.com - mạng quảng cáo việc làm số 1 Đông Nam Á về thị trường lao động tại VN cho thấy, hiện có khoảng 60% người lao động không biết thông tin về mức lương trước khi ứng tuyển, khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc đàm phán mức lương với nhà tuyển dụng. Trong khi đó, mức lương hiện tại của người lao động Việt vẫn còn khá thấp so với Singapore và Malaysia. Điển hình, một Giám đốc Tài chính tại VN chỉ có mức lương bằng khoảng 40% so với mức lương của nhân sự vị trí tương đương tại Singapore.
TS Nguyễn Lê Minh- Chuyên gia kinh tế lao động cho rằng, chính sách cải cách tiền lương quốc gia hướng tới là đến năm 2016 sẽ đảm bảo người lao động có thể sống bằng lương. Chính sách này đang tạo ra nhiều kỳ vọng cho người lao động. Do đó, để thực hiện đúng tiến độ như đã để ra thì những đề xuất sửa đổi về chính sách lương phải mang tính đột phá, bao quát và lâu dài. Hướng đi chính là trước khi sửa đổi chính sách lương, cần phải làm gọn nhẹ bộ máy bằng nhiều phương thức sau đó là sòng phẳng, trung thực với nhau để lương ra lương.
Do đó, theo TS Minh, để minh bạch được mức lương thì trước hết cần phải tách bạch chức năng hoạt động rõ ràng giữa các đơn vị. Đối với đơn vị hành chính sự nghiệp, mặc dù, ai cũng nói không thể sống bằng đồng lương nhà nước nhưng trên thực tế thì tất cả đều “xoay xở” bằng một cách nào đó, cũng từ ngân sách nhà nước. Tại sao không công khai, minh bạch hết để tất cả đưa vào lương - một đồng lương đủ sống, làm động lực cho tăng năng suất, kích thích sự sáng tạo và người hưởng lương cũng thấy mình xứng đáng được như thế.
Để làm được điều đó, thì trước mắt Nhà nước phải thay đổi cách suy nghĩ về các đơn vị sự nghiệp, cùng với việc yêu cầu phải hạch toán độc lập, là trao quyền tự chủ thật sự cho họ. Một khi, họ không nhận kinh phí từ ngân sách thì họ phải được quyền định đoạt cách trả lương cho nhân viên thuộc quyền để giữ chân được người tài, loại bỏ người kém năng lực trên nguyên tắc thị trường.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh - Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về cải cách chính sách tiền lương nhìn nhận, việc cải cách tiền lương vẫn còn “dư địa” khi Chính phủ đã ban hành Nghị định 16/2015/NĐ - CP. Theo đó, một khoản lớn ngân sách Nhà nước sẽ không còn chi trả cho khối này nữa, mà để phục vụ cho cải cách tiền lương ở khu vực cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, việc không tăng tổng biên chế nhà nước, số tuyển vào bằng một nửa so với số về hưu hay điều chuyển công tác cũng đã tạo thêm “dư địa” cho công tác cải cách tiền lương.
Hy vọng, với quyết tâm của Chính phủ về cải cách tiền lương vào năm 2016, người lao động sẽ có thể “mạnh dạn” sống bằng chính đồng lương của mình.